Benzen gây ung thư
Một nghiên cứu mới của các nhà dịch tễ học môi trường ở Tây Ban Nha thông qua đánh giá chức năng phổi của 620 trẻ em 4 tuổi cũng như thu thập dữ liệu về mức độ tiếp xúc các chất ô nhiễm do giao thông như NO2 và benzen của các bà mẹ khi mang thai.
Kết quả cho thấy, những bà mẹ trong quá trình mang thai tiếp xúc nhiều với không khí ô nhiễm do giao thông cũng làm tăng nguy cơ tổn thương phổi trẻ sau này. Trong đó, những bà mẹ hít phải nhiều khí thải benzen tăng 22% nguy cơ có con sinh ra bị tổn thương chức năng phổi so với những bà mẹ ít tiếp xúc. Nguy cơ này tăng lên 30% nếu người mẹ phải hít nhiều khí thải NO2.
Phân tích về điều này, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ khí động lực, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, khí thải phương tiện giao thông có nhiều chất độc khác nhau như CO, CO2, HC, NOx, benzen... Các chất này phát thải ra tùy vào các loại động cơ và công nghệ được áp dụng cho các phương tiện. Trong đó, nguồn phát thải chủ yếu là xe máy. Lượng khí thải xe máy cao gấp đôi xe con và cũng là mức cao nhất trong các loại xe đi trong thành phố. Các xe máy đời cũ khả năng ô nhiễm cao gấp khoảng 6 lần so với xe ô tô.
Nếu tính riêng thành phần benzen, đây là chất có mạch vòng gây ung thư đã được chứng minh. Vì thế, nó không chỉ ảnh hưởng đến bà bầu mà tác động xấu đến tất cả mọi người. Benzen là một thành phần cấu tạo nên xăng (nhiên liệu). Dù đã có tiêu chuẩn nhưng ở nước ta hàm lượng vẫn cao. Bởi để giảm chất này, đòi hỏi giá xăng phải tăng cao hơn.
Do có trong nhiên liệu, nên khi động cơ phát thải ra xăng sống (tức không đốt cháy hết nhiên liệu) thì benzen được thải ra môi trường. Trong khi, xe máy chế hòa khí, không thể đốt kiệt nhiên liệu đang phổ biến ở nước ta. Vì thế, nhìn chung, hàm lượng benzen trong không khí tại các điểm tắc đường khá cao.
Còn với thành phần NO2, vị chuyên gia này cho rằng, đây có thể không phải là vấn đề phải lo lắng với phương tiện giao thông. Bởi hàm lượng này với xe máy không cao lắm. Do NO2 tỷ lệ nghịch với benzen trong quá trình đốt cháy không hết nhiên liệu nên khi xe thải ra benzen cao thì NO2 sẽ thấp. Dù rằng, chất này vẫn có trong không khó do các hoạt động từ các nhà máy công nghiệp...
|
Ảnh minh họa. |
Cần biện pháp đồng bộ
Theo ông Thái Hà Vinh, Trạm Quan trắc & Phân tích môi trường Lao động, Viện Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật Bảo hộ lao động, những con số quan trắc cho thấy, chỉ số benzen cao ở các điểm tắc đường, ngã ba ngã tư giao nhau, còn NO2 không đáng kể. Trong đó, benzen là sản phẩm xăng dầu cháy không hoàn toàn.
Sự ảnh hưởng của khí thải giao thông phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chất đó là gì, giới tính, độ tuổi, tâm sinh lý... Trong đó, phụ nữ có bầu là đối tượng nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng nhất. Các chất được hít qua đường hô hấp, đi vào phổi đến các phế nang, dẫn vào máu thông qua hệ tuần hoàn... Đối với phụ nữ có bầu, nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi có thể xảy ra.
Theo các chuyên gia, cần có sự đồng bộ, hệ thống trong giải pháp nhằm hạn chế ảnh hưởng của khí thải phương tiện giao thông đối với sức khoẻ người dân. Trong đó, người tham gia giao thông cần có ý thức tự bảo vệ sức khoẻ của mình như đeo khẩu trang có chứa than hoạt tính, mặc áo dài tay bảo vệ phía ngoài để hạn chế thấp nhất các khí độc hấp thu vào cơ thể. Cùng với đó, các phương tiện tham gia giao thông cần được kiểm định, sửa chữa kịp thời để hạn chế khí thải độc ra môi trường.
Còn các cơ quan chức năng cần đảm bảo đường sá thông suốt, ra quy định kiểm phương tiện quá hạn sử dụng không được lưu thông, đo lưu lượng khí thải, hay xăng dầu phải được kiểm định để đạt đúng tiêu chuẩn về các chỉ số trong đó có benzen...
"Mẹ hít phải khí thải giao thông nhiều sẽ khiến con bị ảnh hưởng không chỉ đến phổi mà còn nhiều bệnh khác. Đặc biệt, khí thải ngoài việc chứa chất độc đi qua nhau thai vào cơ thể còn làm mẹ thiếu oxy, từ đó khiến phổi của thai nhi có vấn đề".
BS Nguyễn Văn Lộc (Bệnh viện Nhi T.Ư)
Hiền Dung