|
Ảnh minh họa. |
BS Phó Đức Nhuận, Bệnh viện Phụ sản T.Ư cho biết, nghén nặng được gọi là tình trạng nhiễm độc thai nghén. Đó là tình trạng bệnh lý do thai nghén gây nên. Có khoảng 10% các bà mẹ mang thai bị nhiễm độc thai nghén muộn (3 tháng cuối) với các triệu chứng như cao huyết áp, phù nề ở chi dưới hoặc phù nề toàn thân, protein niệu.
Theo BS Nguyễn Hoàng Anh, Bệnh viện E, những thai phụ bị nhiễm độc thai nghén sớm (3 tháng đầu) thường có biểu hiện buồn nôn, nôn nhiều lần trong ngày và nôn kéo dài, hết giai đoạn nghén 12 tuần vẫn nôn, có thể kéo dài đến 5 tháng, thậm chí suốt giai đoạn thai kỳ. Nghén nặng khiến thể chất của thai phụ bị suy kiệt và nôn nhiều gây mất nước, mất điện giải nghiêm trọng khiến thai nhi không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết, gây ra tình trạng thai nhi nhẹ cân và có nguy cơ chết trong tử cung.
BS Nguyễn Hoàng Anh cảnh báo, biến chứng cấp tính nặng của hội chứng nhiễm độc thai nghén 3 tháng cuối là dấu hiệu báo trước tiền sản giật với những dấu hiệu về mạch, thận, cùng những cơn co giật liên tiếp và hôn mê. Ở giai đoạn tiền sản giật, thai phụ đi tiểu ít (dưới 400ml/ngày), phù tăng nhanh, protein niệu tăng trên 2g trong 1 lít nước tiểu, có dấu hiệu ruồi bay, nhìn mờ, thị lực giảm, ù tai, nhức đầu, lợm giọng, buồn nôn, mệt mỏi...
Theo BS Phó Đức Nhuận, tiền sản giật là một trong những cấp cứu hàng đầu của sản khoa. Thời gian từ lúc bắt đầu giai đoạn xâm nhiễm đến hết cơn co giật kéo dài chừng 1 - 2 phút nhưng thời gian hôn mê có thể từ vài phút đến vài giờ. Số cơn càng nhiều, càng gần nhau thì sản giật càng nặng và càng nguy hiểm hơn cho tính mạng của cả mẹ và con.
Nhật Hà