|
Ảnh minh họa. |
Khi mới bắt đầu chuyển dạ thì màng ối vẫn còn, thường chưa bị vỡ. Cuộc chuyển dạ thuận lợi thì ối vỡ "đúng lúc", nghĩa là lúc cổ tử cung đã mở gần hết hoặc ít nhất cũng đã mở 5 - 6cm.
Ối có thể vỡ bất thường. Có khi bà mẹ chưa chuyển dạ ối đã vỡ (gọi là "ối vỡ non"). Nếu đã chuyển dạ thật sự nhưng cổ tử cung chưa mở hoặc mới mở dưới 4cm thì gọi là "ối vỡ sớm". Thời gian ối vỡ càng lâu thì nguy cơ nhiễm khuẩn do vi khuẩn từ âm đạo lan lên tử cung càng nhiều.
Nếu bà mẹ có thể đẻ được thai ra trong vòng 6 tiếng đồng hồ kể từ khi vỡ ối thì hầu như không có nguy cơ nhiễm khuẩn cho cả mẹ và thai. Nhưng nếu ối vỡ đã trên 6 giờ mà bà mẹ chưa sinh được con thì nguy cơ nhiễm khuẩn tăng lên và có thể rất nguy hiểm. Vì thế, tất cả các trường hợp ối vỡ non hoặc sớm nhất thiết phải đưa tới cơ sở y tế càng nhanh càng tốt.
Tại cơ sở y tế, tùy theo tình trạng vỡ ối đã lâu hay mới, kết hợp với việc đánh giá tình trạng thai nghén và cuộc chuyển dạ, thầy thuốc sẽ đưa ra các biện pháp xử trí thích hợp. Không phải mọi trường hợp ối vỡ non hoặc sớm đều phải xử trí bằng cách mổ lấy thai mà phải qua sự thăm khám, theo dõi, đánh giá của thầy thuốc một cách chặt chẽ để chọn ra phương pháp xử trí thích hợp.
Trên thực tế, không ít trường hợp ối vỡ sớm, thậm chí vỡ non nhưng sau khi theo dõi và chăm sóc, điều trị đúng cách, sản phụ vẫn có thể đẻ được qua đường dưới.
BS Phó Đức Nhuận (nguyên Trưởng khoa Đẻ, Bệnh viện Phụ sản T.Ư)