Chủ đầu tư D’Edge Thảo Điền chống lệnh ngừng thi công

Google News

Đóng cọc làm móng khiến sụt lún nhà dân, cơ quan yêu cầu chủ đầu tư dự án D’Edge Thảo Điền tạm ngừng thi công khắc phục thiệt hại cho dân nhưng chủ đầu tư không hiện mà vẫn tiếp tục thi công công trình.

Các hộ dân tại hẻm 215 đường Nguyễn Văn Hưởng, khu phố 3, phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM phản ánh dự án D’Edge Thảo Điền do Công ty TNHH Capitaland Thanh Niên làm chủđầu tư khiến nhà dân hư hại từ khi đơn vị này đóng cọc tầng hầm công trình.
Việc đóng cọc nhồi khiến nhà dân nứt, mảng bê tông bong tróc. 
Thời điểm này nhiều nhà dân đã có dấu hiệu rung lắc, đơn vị thi công là Công ty TNHH xây dựng Tuấn Lê bảo đảm với dân sẽ không xảy ra lún, nứt nhưng sau đó hàng loạt căn nhà bị lún, nứt, nhiều nhà xuống cấp nghiêm trọng.
 

Có khoảng 10 nhà dân bị lún, nứt, có nhà lún sâu cả nửa mét. Các hộ dân dọn nhà đi nơi khác lánh nạn. 
Tiếp nhận phản ánh người dân, ngày 17/4, UBND phường Thảo Điền, quận 2 chủ trì buổi làm việc giữa các hộ dân, đơn vị thi công, chủ đầu tư và Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM để yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị thi công phải thỏa thuận với từng hộ dân về phương án xử lý trong vòng 5 ngày.
Tuy nhiên, hết thời hạn nói trên, đại diện chủ đầu tư vẫn không đưa ra giải pháp bồi thường mà cho rằng chưa khẳng định được nguyên nhân gây lún, nứt nhà nên họ sẽ thuê đơn vị tư vấn độc lập xác định nguyên nhân và yêu cầu người dân tiếp tục chờ.
 Nhiều căn nhà bị nứt rỗng có nguy cơ bị sập.
Ngày 2/5 vừa qua, Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM lập biên bản đề nghị dự án D’Edge Thảo Điền ngưng thi công và có biện pháp đảm bảo an toàn cho dân. Tiếp đến, ngày 7/5, UBND phường Thảo Điền cũng ra văn bản yêu cầu chủ đầu tư tạm ngừng thi công dự án. Điều đáng nói dự án vẫn thi công.
 Cơ quan chức năng yêu cầu chủ đầu tư tạm ngưng xây dựng để khắc phục cho dân.
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng: “Trường hợp công trình xây dựng gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận thì chủ đầu tư phải dừng thi công xây dựng công trình và có biện pháp di dời ngay người và tài sản của công trình lân cận. Chủ đầu tư có trách nhiệm thuê và trả chi phí thuê nhà cho bên bị thiệt hại. Nhà được thuê phải đảm bảo các yếu tố về khoảng cách đi lại, diện tích, hạ tầng xã hội để bên bị thiệt hại ổn định cuộc sống. Nếu bên bị thiệt hại tự tìm chỗ ở có điều kiện sống tương đương nơi ở bị ảnh hưởng thì chủ đầu tư có trách nhiệm trả cho bên bị thiệt hại số tiền tương ứng với số tiền thuê nhà và chi phí di chuyển tài sản”.
 Tuy nhiên, chủ đầu tư không khắc phục mà vẫn tiếp tục thi công.
Cũng theo luật sư Chánh, việc bồi thường thiệt hại do bên chủ đầu tư và bên bị thiệt hại tự thỏa thuận; trường hợp các bên không thỏa thuận được thì khởi kiện ra tòa. Bên vi phạm chỉ được tiếp tục thi công xây dựng khi các bên đạt được thỏa thuận và đã hoàn thành việc bồi thường thiệt hại.
Như vậy, quy định pháp luật hiện nay bắt buộc dự án làm hư hỏng công trình lân cận phải bị đình chỉ thi công toàn bộ, không hề cho phép chủ đầu tư chỉ bị đình chỉ thi công một phần công trình. Cách xử lý của các cơ quan chức năng chẳng khác nào đã “ưu ái” cho chủ đầu tư tiếp tục thi công, thoái thác trách nhiệm với người dân.