Giá nhà hiện không phản ánh đúng giá trị thực
Vừa qua, trong báo cáo gửi Quốc hội về các vấn đề của ngành, đánh giá về tình hình thị trường bất động sản từ năm 2017 đến tháng nửa đầu năm 2018, theo Bộ Xây dựng giá nhà không có nhiều biến động lớn, một số dự án tại các khu vực gần trung tâm, có hạ tầng đầy đủ, chủ đầu tư có uy tín, triển khai đúng tiến độ, giá chào bán tăng nhẹ.
Tuy nhiên, sau 3 năm tăng trưởng liên tục (từ 2013 đến 2016) thị trường bất động sản 2017 có xu hướng chững lại. Trong 6 tháng đầu năm 2018, thị trường bất động sản hoạt động bình thường, giá cả không có biến động so với cùng kỳ năm 2017; tồn kho tiếp tục giảm mạnh.
Cơ cấu hàng hóa cũng đang ngày càng đa dạng phong phú cả về chủng loại và phân khúc sản phẩm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân và xã hội, cũng như tạo lập cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ phát triển nền kinh tế, bao gồm: bất động sản nhà ở; bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng; văn phòng, các công trình dịch vụ, thương mại; hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu công nghiệp... Nhưng cơ cấu hàng hóa bất động sản, nhất là nhà ở tại Hà Nội và TP HCM lại đang thừa nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, thiếu nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị.
|
Ảnh minh họa. |
Theo Bộ Xây dựng, giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân.
Cũng theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản hiện còn phát triển thiếu minh bạch, từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, giao dự án đến giao dịch bất động sản. Nhiều địa phương chưa thực hiện triệt để đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án mà vẫn còn cơ chế xin - cho khi giao dự án, dễ phát sinh tiêu cực. Trong khi đó, theo Bộ, thị trường bất động sản phát triển chưa có sự kiểm soát hiệu quả từ các cơ quan nhà nước, nhất là các địa phương.
Đáng chú ý, Bộ Xây dựng cũng nhấn mạnh: Giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản và cũng không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân.
Theo Bộ này, trên cơ sở đánh giá chung hiện nay giá nhà ở là vừa phải nếu lợi nhuận cho thuê đạt xấp xỉ lãi suất tiền gửi ngân hang. Thêm vào đó, giới đầu cơ bất động sản vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, sắp xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để đẩy giá lên cao, làm bất ổn thị trường.
“Loạn” danh xưng chung cư cao cấp, siêu sang
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng kiến nghị chấn chỉnh tình trạng “loạn” danh xưng chung cư cao cấp, hạng sang, siêu sang.
Nêu tại văn bản này, (HoREA) cho rằng, trong nhiều năm qua, trên thị trường bất động sản, đã xuất hiện tình trạng "loạn" danh xưng "chung cư cao cấp, căn hộ hạng sang, căn hộ siêu sang", kể cả bằng tên nước ngoài gắn với các cụm từ như "Luxury", "Hi-end", "Premier", "Royal"... được một số chủ đầu tư sử dụng tràn lan, coi đây là một thủ thuật "câu khách", quảng bá sản phẩm.
Điều đáng nói là trên thực tế, thị trường chỉ có một số không nhiều dự án bất động sản đạt chuẩn cao cấp, hoặc đạt chuẩn “khu đô thị kiểu mẫu”, đảm bảo được chất lượng và đẳng cấp về quy hoạch dự án, thiết kế căn hộ, các tiện ích và dịch vụ... Trong khi đó, khá nhiều dự án bất động sản, chung cư cao tầng, căn hộ được chủ đầu tư tự phong dự án cao cấp, căn hộ hạng sang, căn hộ siêu sang… nhưng chưa hề được Sở Xây dựng thành phố hoặc đơn vị đánh giá độc lập công nhận.
Việc gắn mác cao cấp, hạng sang hay siêu sang được cho là một trong những thủ thuật “câu khách”, đẩy giá căn hộ lên cao. Chủ đầu tư khi quảng cáo về dự án của mình luôn tô vẽ hào nhoáng với những mỹ từ kèm với đó mức giá chót vót, nhưng không hề nhắc tới tiêu chí đánh giá xếp hạng chung cư cao cấp.
Thực tế cũng cho thấy đã có không ít người mua nhà phải chịu hậu quả vì tin lời quảng bá bán hàng từ chủ đầu tư cho đến các sàn giao dịch bất động sản về những dự án mang mác chung cư cao cấp, hạng sang... Tại Hà Nội thời gian qua, một dự án được quảng cáo hạng sang cũng đang xảy ra tranh chấp khách hàng phản ánh về chất lượng căn hộ, hành lang… không như quảng cáo bán hàng, nhà mẫu. Từ những phản ánh của khách hàng, mới đây, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đã có thông báo kiểm tra dự án này. Theo đó, cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra chiều rộng hành lang dẫn vào căn hộ mẫu và hành lang công trình; chiều cao hành lang; chiều cao căn hộ; phân chia số lượng căn hộ; chiều rộng thang thoát hiểm đối chiếu với giấy phép xây dựng được cấp kèm hồ sơ thiết kế cấp phép phê duyệt.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, trong 10 năm qua Bộ Xây dựng đã có 2 thông tư về phân hạng nhà chung cư là Thông tư 14/2008/TT-BXD (Thông tư 14) và sau đó là Thông tư 31/2016/TT-BXD ngày 30/12/2016 (Thông tư 31) thay thế Thông tư 14 có quy định việc phân hạng, công nhận hạng nhà chung cư. Tuy nhiên, những văn bản pháp quy này vẫn chưa đáp ứng đúng yêu cầu, đòi hỏi thực tế của thị trường bất động sản và người tiêu dùng về sự minh bạch, trung thực cũng như tính cạnh tranh lành mạnh.
Bộ Xây dựng cho biết, thời gian tới sẽ thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và có các biện pháp kịp thời để ổn định thị trường, phòng ngừa và ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật làm tăng giá bất động sản bất hợp lý trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng sốt nóng giá bất động sản và bong bóng bất động sản.
Theo Hồng Khanh/Vietnamnet