Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Trong đó, yêu cầu kiểm tra, rà soát, hủy bỏ dự án ôm đất quá 3 năm chưa triển khai. Đây được xem là quyết sách quyết liệt với doanh nghiệp cố tình ôm đất, đặc biệt là các lô đất "vàng”.
Như vậy, căn cứ theo chỉ thị “hủy các dự án triển khai quá 3 năm” này thì có hàng loạt dự án ôm đất cả chục năm trời không triển khai gây lãng phí đang nằm trong diện "báo tử".
Khu đô thị mới Thịnh Liệt - 14 năm vẫn “ôm đất”
Điển hình như dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) với khoảng 35 ha được thành phố giao cho Tổng công ty xây dựng và phát triển hạ tầng (Licogi) làm chủ đầu tư.
Thông tin trên Infornet cho hay, ngày 10/8/2004 UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 4930/QĐ -UBND thu hồi 351.618m2 đất thuộc các phường Thịnh Liệt, Hoàng Văn Thụ, Tương Mai, quận Hoàng Mai giao cho Tổng công ty Licogi tổ chức điều tra lập phương án đến bù giải phóng mặt bằng chuẩn bị triển khai Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thịnh Liệt.
Dự án được UBND thành phố chấp thuận giao Licogi làm chủ đầu tư thực hiện tại Quyết định số 3649/QĐ-UBND ngày 17/9/2007.
Tuy nhiên, đến nay, sau hơn chục năm dự án vẫn dậm chân tại chỗ. Đáng nói, khu đất chưa được thực hiện dự án đã bị “xẻ thịt” cho thuê làm bãi đỗ xe, nhà xưởng… khiến người dân bức xúc.
|
Khu đô thị Thịnh Liệt giữa Thu đô đã 14 năm không triển khai. Thậm chí, nhiều diện tích đất thời gian qua được cho thuê và sử dụng sai mục đích gây bức xúc cho người dân. Ảnh: TPO |
Khu đất vàng 94 Lò Đúc - 9 năm vẫn giậm chân tại chỗ
Tương tự, dự án đầu tư xây dựng Toà nhà văn phòng, trung tâm thương mại tại ô số 3 khu đất vàng 94 Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng) của Công ty CP Đầu tư phát triển Văn phòng với 2.810m2 được UBND TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2009. Tuy nhiên, hơn 9 năm trôi qua, dự án vẫn giậm chân tại chỗ, khiến không ít khách hàng khốn khổ khi hợp tác đầu tư góp vốn.
“Theo quy định tại Điều 4 của 3 hợp đồng đã ký kết với ông Lê Quang Vinh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển Văn phòng, sau khi nhận góp vốn hơn 6 tỷ đồng (từ 3 khách hàng), Công ty chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn đầu tư, triển khai dự án theo đúng thiết kế, đảm bảo hoàn thành các thủ phục pháp lý cần thiết và khởi công xây dựng tòa nhà trong thời hạn quý IV/2011.
Song, đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư chẳng những không thực hiện dự án mà còn chây ì hoàn trả tiền cho khách hàng” – bà Trịnh Bích Hiền phản ánh trên Kinh tế đô thị.
Bệnh viên Đa khoa Quang Trung - “Ôm” đất vàng cả thập kỷ
Không chỉ các dự án nhà ở, văn phòng, tại quận Hoàng Mai, dự án bệnh viện nghìn tỷ cũng chung cảnh ngộ. Như dự án Bệnh viên Đa khoa Quang Trung đã chậm gần 8 năm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư được phê duyệt.
Theo Vietnamnet, dự án Bệnh viên Đa khoa Quang Trung được TP cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Cty CP Bệnh viện đa khoa Quang Trung ngày 4/10/2007. Dự án được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 có quy mô 500 giường, giai đoạn 2 là 700 giường nhằm xây dựng bệnh viện để cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao (mang tính kinh doanh).
Tuy nhiên, theo Kết luận thanh tra việc chấp hành luật đất đai đối với Cty CP Bệnh viện đa khoa Quang Trung được giao đất tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai để thực hiện dự án xây dựng Bệnh viện đa khoan Quang Trung, dù đã được UBND TP cấp giấy chứng nhận, có quyết định cho thuê đất thực hiện dự án nhưng Cty CP Bệnh viên đa khoa Quang Trung – chủ đầu tư dự án, chưa thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư.
Theo Sở TN&MT , việc dự án chậm thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư có nguyên nhân chính do Công ty CP Bệnh viện Đa khoa Quang Trung không chứng minh được năng lực và không bố trí được nguồn kinh phí để triển khai. Về dự án này, Sở TN&MT đã có đề xuất UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư lập hồ sơ thu hồi dự án.
Hồng Liên (Tổng hợp)