Xoay quanh clip học sinh bị thầy tát ngay trong lớp lan truyền trên mạng vài ngày qua, Kiến thức đã đến trường THPT dân lập Đông Kinh, Hà Nội, được cho là nơi xảy ra vụ việc để tìm hiểu, làm rõ.
Các giáo viên đang giảng dạy tại cơ sở 2 của trường THPT Dân lập Đông Kinh, địa chỉ 193 Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Hà Nội (cơ sở 1: 16-18C Tam Trinh, Hoàng Mai, Hà Nội) xác nhận trong trường có xảy ra vụ việc thầy giáo xưng mày tao, mắng mỏ, tát học sinh trước lớp. Thầy giáo trong clip tên Nguyễn Đình Thịnh, sinh năm 1986, đang giảng dạy hai môn Hóa, Sinh tại trường THPT Đông Kinh. Sự việc được ghi lại thành clip xảy ra trong lớp 11A, do chính thầy Thịnh làm chủ nhiệm.
Nguyên nhân dẫn đến việc thầy Thịnh nặng lời, tát học sinh là do học sinh không nghe lời. Clip ghi lại rõ, một học sinh nói rằng đã sử dụng bút xóa trong khi làm bài kiểm tra, ngay lập tức đã bị thầy tát mạnh vào mặt và nói “Đến tao cũng không dạy được mày à?”.
Trao đổi với một số giáo viên tại trường THPT Đông Kinh, được biết thầy Thịnh rất nổi tiếng ở trường là người nghiêm khắc, nhiều học sinh rất sợ và nghe lời thầy. Việc thầy Thịnh xưng hô là “tao” – “mày” và đánh mắng học sinh, các thầy cô trong trường nhiều người biết và cũng đã từng chia sẻ, góp ý. Hiện tại, thầy Thịnh vẫn đang bị nhà trường cho tạm ngừng giảng dạy sau khi clip ghi lại hành động của thầy lan truyền trên mạng.
|
Những hành động mạnh tay, câu nói nặng lời của thầy Thịnh được học sinh quay lại và đăng tải lên mạng.
|
Về phía các học sinh và dư luận, sau khi clip thầy Thịnh tát mạnh vào mặt nam sinh và có nhiều lời lẽ gây ức chế, phản cảm như “Quân mất dạy!”; “Nhà mày vô phúc mới có đứa như mày”... dư luận, cư dân mạng đã gửi vô số bình luận, lời chê trách, phê phán hành động của thầy. Thậm chí có nhiều nickname tự nhận là học sinh cũ của thầy Thịnh cũng kể rằng đã từng bị thầy đánh, mắng. Nhiều bình luận nêu đích danh thầy Thịnh, kèm với những lời phản ánh, “kể tội” thầy với thái độ rất gay gắt.
Theo cô giáo (đề nghị được giấu tên) đang làm chủ nhiệm lớp thay thầy Thịnh cho biết, vì là trường dân lập nên học sinh ở đây đa phần là cá biệt, gia đình bất lực trong việc dạy dỗ nên trông cậy nhiều vào phía nhà trường. Cũng vì nhiều học sinh cá biệt, khó bảo nên đôi lúc thầy Thịnh sử dụng đến những biện pháp có phần hơi gay gắt, dễ tạo cho những người chứng kiến cảm thấy khó chịu, bức xúc. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều học sinh có thành tích “bất hảo” đã được thầy uốn nắn và có nhiều tiến bộ.
Anh Tú