Trò chuyện với cô gái Việt dự Diễn đàn kinh tế thế giới

Google News

Cô gái Việt dưới 30 tuổi đầu tiên tham dự diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sỹ) vừa qua cho rằng, bạn trẻ hãy năng động và chủ động hơn trong kiến tạo tương lai.

Theo Nguyễn Huyền Châu, bạn trẻ cần lăn vào thực tế để được trưởng thành, nuôi dưỡng và phát huy bản thân và nên sống thực sự có ý nghĩa thay vì chỉ tồn tại.
Huyền Châu hiện là điều phối nhóm Global Shapers Hà Nội đồng thời đang làm việc tại Tổng Cty đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.
Nguyễn Huyền Châu (thứ 3 từ phải sang) cùng các bạn trẻ chụp ảnh với Tổng thống Liberia. Ảnh: Lục Trang. 
Chống thất nghiệp cho người trẻ
Con đường nào đưa bạn đến với diễn đàn kinh tế thế giới? Bạn đã nói gì với bạn bè quốc tế về Việt Nam, về người trẻ?
Tôi là thành viên Global Shapers Hà Nội. Global Shapers là cộng đồng thành viên thứ 14 của tổ chức Diễn đàn Kinh tế thế giới, quy tụ các tài năng lãnh đạo trẻ độ tuổi 20 - 30 với những tố chất đặc biệt. Diễn đàn kinh tế thế giới rất chú trọng Global Shapers, hằng năm diễn đàn dành khoảng 50 suất cho các thành viên nhóm đến từ các nước.
Tôi được chọn là 1 trong 50 người sau khi gửi 1 lá đơn và một clip dài 2 phút trình bày ý tưởng với lối diễn đạt giản dị, đi thẳng vào vấn đề về điều mình quan tâm, mình muốn cải tạo thế giới như thế nào. Tôi nói về các hoạt động cộng đồng, dự án từ thiện xây trường cho học sinh tại bản Phiêng Cành, xã Tân Lập (Mộc Châu- Sơn La); Trung tâm vũ đạo 808, tạo sân chơi cho những người yêu nhạc nhảy, tạo thu nhập ổn định cho các bạn vũ công để các bạn tiếp tục với đam mê nhảy. Thực chất 808 là một doanh nghiệp xã hội, ở đó doanh nghiệp hướng vào phát triển con người chứ không phải lợi nhuận.
Bạn bè quốc tế đánh giá cao sự năng động, sáng tạo của người trẻ Việt, đặc biệt một số vũ công người Singapore tỏ ra ngạc nhiên về dự án trung tâm vũ đạo 808, họ phải thốt lên “đó thực sự là dự án của đam mê”.
Họ chứng kiến cảnh tập của các vũ công trẻ Việt Nam qua clip với điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn nhưng cảm nhận rõ sự nhiệt huyết và đam mê của từng bạn.
Giảm tỷ lệ sinh viên thất nghiệp bằng cách đào tạo kỹ năng được bạn và nhóm Global Shapers Hà Nội tổ chức thành công, bạn có thể chia sẻ về điều này?
Với mục đích giảm tỷ lệ sinh viên thất nghiệp, chúng tôi thực hiện dự án “Tour de Job” là chuỗi hội thảo đào tạo các bạn trẻ về kỹ năng phỏng vấn, kỹ năng chuẩn bị CV tốt và ấn tượng nâng cao tỷ lệ thành công cho các bạn khi ứng tuyển. Dự án đã tổ chức thí điểm ở trường Đại học RMIT Việt Nam và trường Đại học Kinh tế quốc dân, và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các bạn trẻ.
Trong buổi hội thảo có nhiều bạn đã biết được cách làm CV tốt, nhận ra thiếu sót, cần bổ sung kinh nghiệm hoạt động xã hội, hoạt động thực tế... Có một số bạn sau khi trả lời phỏng vấn thử tại hội thảo đã được doanh nghiệp tuyển dụng trực tiếp.
Thay đổi quan niệm về “ổn định”
Bạn chia sẻ rằng, mỗi bạn trẻ nên tìm cho mình một môi trường trải nghiệm, lăn vào thực tế để được thất bại và hoàn thiện bản thân từ sau thất bại đó, còn bạn thì sao?
Tôi bắt đầu hoạt động xã hội từ khi còn là sinh viên trường Đại học RMIT Hà Nội. Dự án đầu tiên tôi làm là buổi biểu diễn nghệ thuật từ thiện “Chào đón mùa hè” với quy mô 150 người. Toàn bộ số tiền thu được tôi làm từ thiện cho trẻ em có hoàn cảnh không may mắn ở trường nội trú Nguyễn Viết Xuân.
 Nguyễn Huyền Châu.
Sau thành công của dự án này tôi có đam mê với hoạt động cộng đồng, chia sẻ và hỗ trợ những người kém may mắn. Tôi thường tham gia tình nguyện ở các lĩnh vực khác nhau như làm tình nguyện viên tổ chức tình nguyện vì hòa bình Việt Nam, tổ chức tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã...
Trong một chuyến dã ngoại kết hợp làm từ thiện, tôi lên ý tưởng làm dự án “Xây trường cho em” ở bản Phiêng Cành, xã Tân Lập, Mộc Châu, nơi các em học trong trường mẫu giáo xây tạm, 56 em học chen chúc trong 30m2, điều kiện ánh sáng không có. Dự án đã nhận được nhiều hỗ trợ của cộng đồng và hoàn thiện vào tháng 11/2013, sớm hơn dự kiến ban đầu 2 tháng.
Tôi nghĩ rằng, từng bạn trẻ nên tìm cho mình một môi trường để nuôi dưỡng và phát huy bản thân, để được trải nghiệm, được thất bại và hoàn thiện bản thân từ sự thất bại đó đồng thời có được mục tiêu rõ ràng để phấn đấu. Nhiều bạn trẻ hiện nay được giáo dục theo định hướng ổn định trong công việc, gia đình.
Tuy nhiên, quan niệm về sự ổn định nên được thay đổi. Ổn định không nên là yên vị với một kế hoạch cuộc đời đã định sẵn, vì sự ổn định này quá phụ thuộc vào môi trường bên ngoài. Ổn định nên nằm ở khả năng của bản thân, có thể tự tin với môi trường và biến cố trong cuộc sống.
Dự định trong thời gian tới của bạn là gì, có đẩy mạnh kế hoạch phát triển doanh nghiệp trách nhiệm xã hội tại Việt Nam như mong muốn bạn trình bày tại Thụy Sỹ không?
Tôi định mở khoá đào tạo cho các bạn trẻ độ tuổi 16-22 về việc hiểu rõ bản thân, định hướng nghề nghiệp, có thêm kiến thức xã hội. Đó không chỉ là những kỹ năng mềm trong văn hóa ứng xử mà còn là những kỹ năng phân tích, chọn lựa thông tin. Đặc biệt tôi rất muốn có những khóa đào tạo về lịch sử. Tôi kỳ vọng sẽ tạo ra thay đổi cho bộ môn này với phương pháp tương tác, để người Việt hiểu hơn về đất nước và con người Việt.
Global Shapers đang có kế hoạch đẩy mạnh doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam thông qua nhiều hoạt động. Tôi hy vọng sẽ tạo được cầu nối vững chắc và mối quan hệ hợp tác, nâng cao tiếng nói cũng như khẳng định uy tín, tiềm năng và ảnh hưởng của cộng đồng doanh nghiệp xã hội, từ đó tạo được môi trường bền vững, thu hút thêm nhiều cơ hội và khuyến khích sự phát triển chung.
Cảm ơn Huyền Châu.
Theo Tiền Phong