“Bàn thắng ma” không xuất hiện ở World Cup 2014?

Google News

(Kiến Thức) - Công nghệ theo dõi bàn thắng mới giúp loại bỏ những "bàn thắng ma" trong kỳ World Cup 2014.

Vào năm 1966, huyền thoại bóng đá người Anh Geoff Hurst sút bóng vào cầu môn trong trận chung kết World Cup với đội tuyển Đức. Quả bóng đập vào xà ngang và rơi xuống gần vạch vôi trước khi bật ra ngoài.
Tổ trọng tài cảm thấy bối rối vì không biết phân xử quả bóng có đi qua vạch vôi hay chưa.
Cuối cùng, các trọng tài quyết định công nhận bàn thắng của Hurst và Anh giành được chức vô địch World Cup đầu tiên và duy nhất tính đến nay. Đó cũng là bàn thắng khiến người hâm mộ Đức đau lòng.
Trong trận chung kết World Cup 1966, cầu thủ Geoff Hurst của đội tuyển Anh đã có một “bàn thắng ma” giúp đội Anh giành chức vô địch.  
“Giờ thì Đức cũng không thể lấy lại được. Câu chuyện đó đã trở thành dĩ vãng rồi”, ông Hurst nói khi trả lời phỏng vấn tờ Telegraph.
Các cơ quan quản lý bóng đá đang nỗ lực hết mình để đảm bảo không để lặp lại tình huống đầy tranh cãi như bàn thắng được mệnh danh “bàn thắng ma” của Hurst.
Và giống như sự sắp đặt của số phận, họ đang tìm tới sự giúp đỡ của một công ty Đức.
Hệ thống mới
Các quan chức bóng đá ước tính Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) đang trả cho công ty Đức GoalControl gần 3,5 triệu USD để phát triển công nghệ vạch vôi mới cho World Cup 2014.
GoalControl sẽ lắp đặt 14 máy ghi hình cho mỗi sân vận động phục vụ kì World Cup 2014. Hệ thống máy ghi hình này sẽ ghi lại quá trình chuyển động của quả bóng với tốc độ chính xác tối đa: 500 hình ảnh/giây.
Với tốc độ ghi hình đó cộng với những chiếc máy cảm biến lắp đặt trên vạch vôi, các thiết bị của GoalControl sẽ báo cho trọng tài ngay khi quả bóng vượt qua vạch vôi. Trọng tài chính sẽ không phải xem lại băng ghi hình hay thảo luận với trọng tài nào khác mà chỉ cần nhìn đồng hồ.
Nói cách khác, thiết bị của GoalControl sẽ khiến“bàn thắng ma” không thể tái hiện ở Brazil năm nay.
“Các máy ghi hình được kết nối với một hệ thống máy tính có năng lực xử lí hình ảnh rất mạnh. Hệ thống này sẽ theo sát cử động của mọi vật thể trên sân bóng và lọc ra theo các cầu thủ, các trọng tài và các vật thể từ bên ngoài”, một đại diện của GoalControl nói.
Nếu hệ thống này xác định quả bóng đã vượt qua vạch vôi, gửi tín hiệu rung và chữ “ghi bàn” tới đồng hồ của các trọng tài trong vòng 1 giây.
GoalControl cho hay ý tưởng này là của Dirk Broichhausen, một trong các nhà sáng lập công ty, đề xuất sau khi ông xem một trận bóng đá ở Đức và hai đội bóng tranh luận về một bàn thắng. Ngay ngày hôm sau, ông bắt đầu làm việc với các kĩ thuật viên.
Thời điểm Chủ tịch FIFA ra quyết định
Trong nhiều năm qua, Chủ tịch FIFA Sepp Blatter đã nhiều lần trì hoãn đưa công nghệ vào sân bóng. Ông cho rằng điều đó có thể khiến trận đấu bị đứt quãng nhiều lần hoặc hạn chế nhân tố con người.
Nhưng sau đó, ông đã thay đổi vì hai yếu tố: thứ nhất là các hệ thống mới như GoalControl có tốc độ và tính chính xác cao và thứ hai là sự mâu thuẫn thường có trong các trận đấu giữa “những đối thủ truyền kiếp”.
Bàn thắng của Frank Lampard (đội tuyển Anh) trong trận Anh –Đức, World Cup 2010 không được công nhận.  
40 năm sau “bàn thắng ma” của Hurst vào năm 1966, đội tuyển Đức gặp đội tuyển Anh trong một trận đấu “knock-out” ở Nam Phi năm 2010.
Trong hiệp 1, trung vệ Frank Lampard của đội Anh có cú sút cực mạnh về phía cầu môn. Quả bóng đập vào xà ngang, rơi xuống gần vạch vôi và bật ra ngoài. Và bàn thắng không được công nhận.
Tuy nhiên không giống như năm 1966, các thiết bị ghi hình cho thấy quả bóng rõ ràng đã đi qua vạch vôi và đội Anh đã bị từ chối một bàn thắng một cách “oan ức”.
Đội Đức giành chiến thắng với tỉ số 4-1. Tuy nhiên, FIFA và chủ tịch FIFA liên đoàn này không muốn vụ việc tương tự xảy ra. Chủ tịch Blatter cho hay chính “bàn thắng ma” của Lampard đã khiến ông thay đổi suy nghĩ về sử dụng công nghệ.
“Với cương vị là Chủ tịch FIFA, tôi ra quyết định khi chứng kiến thời khắc đó ở Nam Phi năm 2010. Tôi phải nói cảm ơn với Lampard. Tôi thực sự rất sốc khi chứng kiến điều đó ở Nam Phi, tôi đã thẫn thờ cả một ngày”, ông phát biểu tại trụ sở của FIFA sau trận đấu.
Các cuộc tranh cãi vẫn chưa chấm dứt
Tuy nhiên, vẫn có những tiếng nói phản đối sử dụng công nghệ trong sân bóng. Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) Michel Platini là nhân vật tiêu biểu nhất. Ông quản lý các giải bóng nổi tiếng của châu Âu trong đó có giải ngoại hạng Anh.
Hồi đầu năm 2014 khi trả lời phỏng vấn kênh CNN, ông Platini cho biết ông vẫn phản đối sử dụng công nghệ trong bóng đá.
“Tôi vẫn muốn chúng ta có thêm nhiều trọng tài có khả năng phát hiện lỗi phạt đền hay ra nhận ra quả bóng có qua vạch vôi hay không. Chúng ta không cần những chiếc máy ghi hình hoàn hảo để theo dõi quả bóng”, ông Platini nói.
Ông Platini cũng đề cập tới vấn đề chi phí. Ông ước tính nếu áp dụng công nghệ vào các giải vô địch của UEFA thì chi phí có thể lên tới gần 70 triệu USD.
“Tôi muốn dùng số tiền nhiều triệu euro này để đầu tư cho sân bóng, cho các cầu thủ trẻ hoặc xây dựng các cơ sở cho các bạn trẻ chơi bóng”, ông Platini cho hay.
Chi phí cũng là một rào cản đối với Giải bóng đá nhà nghề Mỹ (MLS). Các quan chức MLS cho biết họ vẫn chưa tìm cách kết hợp tính hiệu quả, sự gọn nhẹ và chi phí trong việc áp dụng công nghệ vào giải đấu mặc dù về mặt lí thuyết các quan chức này rất ủng hộ.
“Chúng tôi đã gặp nhiều nhà sản xuất hệ thống công nghệ về vạch vôi và đã theo dõi sát sao việc vận hành các hệ thống đó. Đến thời điểm này, sau khi nghiên cứu về vấn đề mua sắm, bàn giao, lắp đặt và sử dụng các thiết bị đó, MLS vẫn quyết định chưa đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi bước tiến của các công nghệ này”, đại diện MLS cho biết.
Hầu hết các giải thể thao nhà nghề Mỹ đề sử dụng công nghệ hỗ trợ các trọng tài dưới nhiều hình thức. Gần đây nhất, giải bóng rổ nhà nghề (MLB) đã mở rộng các qui định sử dụng băng quay chậm cho mùa giải năm nay.
Ít nhất sẽ có một người vô cùng hào hứng với các bước tiến công nghệ cho bóng đá: Người hùng World Cup Geoff Hurst.
“Nếu cách đây 50 năm chúng ta có công nghệ này, thì nó sẽ cho thấy rõ rằng quả bóng đã đi qua vạch vôi ít nhất 30cm”, ông nói.
Tùng Lâm