Nhà báo quốc tế trên tiền tuyến trận chiến chống Covid-19

Google News

Với nhiều nhà báo, đại dịch Covid-19 là hoạt động tác nghiệp khó quên nhất trong thời gian làm nghề, bên cạnh khủng bố và đánh bom, bởi những câu chuyện ám ảnh.

Trong lúc đang ghi hình tại các bệnh viện và khu hỏa táng khi Ấn Độ đối mặt làn sóng dịch Covid-19 thứ hai, Barkha Dutt - phóng viên truyền hình nổi tiếng của Ấn Độ - nhận được tin người cha 80 tuổi qua đời.
“Bản thân tôi bây giờ cũng là một câu chuyện. Tôi trải nghiệm chính xác những gì mình tường thuật lại cho khán giả. Như thể tôi là nhân vật trong phóng sự”, Barkha Dutt nói với Anadolu Agency.
Giống như bao người khác, cô Dutt cũng phải tận dụng mọi mối quan hệ để tìm được xe cứu thương, bình oxy, và một giường bệnh cho cha. Và khi cha qua đời, cô lại chật vật tìm nơi hỏa táng.
Đây chỉ là một trong vô số trải nghiệm của các nhà báo trên thế giới khi đưa tin về cuộc chiến chống dịch Covid-19. “Trong khi nhân viên một số ngành nghề có thể làm việc tại nhà trong thời gian đại dịch diễn ra, nhà báo không có lựa chọn nào khác là phải lao vào phòng thu, tòa soạn, đài truyền hình hay lăn xả tại hiện trường và đưa tin về kẻ thù vô hình”, Kysia Hekster, phóng viên NOS - đài truyền hình công Hà Lan, trả lời Trung tâm Thông tin Khu vực của Liên Hợp Quốc (UNRIC).
Ranh giới nghề nghiệp và cuộc sống cá nhân
Đối với nhà báo trên toàn thế giới, đại dịch Covid-19 là một câu chuyện mang tính thời sự chưa từng có tiền lệ. So với tần suất đưa tin, phóng sự, tuyến bài về đại dịch Covid-19, sự thích nghi của các nhà báo với tốc độ lây lan của đại dịch Covid-19 hiếm khi được đề cập.
Điều này đặc biệt rõ nét với các phóng viên ở Ấn Độ, nơi thảm cảnh vì dịch Covid-19 trở thành tâm điểm của truyền thông quốc tế suốt những tháng qua.
Manish Gupta, chủ tịch Câu lạc bộ phóng viên quốc tế khu vực Nam Á (FCCSA), tin rằng 1,5 năm qua khoảng thời gian mệt mỏi đối với các nhà báo: “Nhà báo cũng là con người. Họ bị những tổn thương tâm lý, thể chất, tình cảm, cùng với sự ám ảnh về những gì đã, đang và sẽ xảy ra”, theo Anadolu Agency.
Hitesh Rathod - nhiếp ảnh gia tại báo Sandesh - kể trên BBC về trải nghiệm kinh hoàng khi phải đếm thi thể người chết vì dịch suốt sáu tiếng tại một nhà hỏa táng: “Họ đi vào bệnh viện và đi ra trong những túi đựng xác”.
Ronak Shah, đồng nghiệp ông Rathod, bị chấn động sau khi nghe tiếng khóc xé trời của ba đứa trẻ tại bệnh viện vì cha chúng tử vong.
Còn Dipak Mashla, trưởng nhóm phóng viên phụ trách đưa tin từ các nhà hỏa táng, kể rằng ông thường về nhà với cảm giác “sợ hãi và run rẩy”.
Nha bao quoc te tren tien tuyen tran chien chong Covid-19
Phóng viên phải đảm bảo khoảng cách an toàn trong khi vẫn lấy được thông tin đắt giá. Ảnh: Global Investigative Journalism Network. 
Không chỉ gặp nguy hiểm và ám ảnh tâm lý khi tác nghiệp, khi trở về nhà, Covid-19 còn nhanh chóng chiếm lĩnh toàn bộ cuộc sống cá nhân của phóng viên.
Julia Ries - nhà báo tự do viết cho Heathline.com - chia sẻ với Medical News Today rằng ranh giới rõ ràng giữa công việc và cuộc sống cá nhân của cô bị xóa nhòa khi Covid-19 xuất hiện.
Cô lao vào các tin bài liên quan đến virus corona vào ban ngày, sau đó thảo luận những diễn biến mới nhất về dịch bệnh với gia đình và bạn bè vào bữa tối, rồi lại bị cuốn vào các thảo luận trên mạng xã hội vào ban đêm.
Trải nghiệm của Julia cũng tương tự trải nghiệm của Sarah Mitroff - biên tập viên chuyên mục sức khỏe thể chất tại CNET. Khoảng thời gian chuyển từ làm việc tại văn phòng sang làm việc tại nhà là một thử thách với Sarah.
“Tôi truy cập mạng xã hội sau giờ làm việc, và tôi đối mặt với một tá thông tin sai lệch về Covid-19. Thế nhưng bạn bè tôi không coi trọng vấn đề này, trong khi tôi nỗ lực để cảnh báo mọi người về sự nguy hiểm của nó. Thật khó tìm thấy sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống”, Sarah chia sẻ trên Medical News Today về vấn nạn tin giả và sự chủ quan của công chúng.
Nha bao quoc te tren tien tuyen tran chien chong Covid-19-Hinh-2
 Trang bìa in thông tin vắn tắt của những người tử vong vì Covid-19 tại Mỹ trên tờ New York Times ngày 24/5/2020. Ảnh: New York Times.
Áp lực chuyên môn
Khi đại dịch ập tới, các nhà báo thường xuyên đưa tin về dịch bệnh. Điều này buộc họ trở thành một “chuyên gia sức khỏe” bởi Covid-19 và sức khỏe chiếm vị trí trung tâm trong lĩnh vực tin tức từ hơn một năm trở lại đây.
Theo Medical News Today, trước đại dịch, nhiều bài báo nghiên cứu về sức khỏe được đăng trên các tạp chí khoa học thường phải trải qua quá trình bình duyệt - hội đồng bao gồm chuyên gia đánh giá. Đối với các nhà khoa học, quy trình phải mất đến hàng tháng, thậm chí hàng năm, sửa đi sửa lại nhiều lần mới được đăng tải.
Một cách làm truyền thống với những nhà báo mảng sức khỏe là không trích dẫn công trình nghiên cứu chưa chính thức được ban biên tập của tạp chí khoa học phê duyệt. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã thay đổi điều này.
Với hàng nghìn bài báo nghiên cứu đề cập đến mọi khía cạnh của đại dịch, ở một mức độ nào đó, quy trình bình duyệt như thông thường khó có thể đáp ứng về tốc độ.
Do vậy, nhà báo buộc phải tìm cách xoay sở về việc dẫn ý kiến chuyên gia, xử lý và đánh giá các thông tin khoa học có độ phức tạp cao, khi chưa được hội đồng thẩm định của tạp chí phê duyệt.
Nha bao quoc te tren tien tuyen tran chien chong Covid-19-Hinh-3
Agustina Cañamero (81 tuổi) ôm hôn chồng Pascual Pérez (84 tuổi) qua tấm nhựa tại một viện dưỡng lão ở Barcelona, Tây Ban Nha. Bức ảnh nằm trong trong loạt ảnh đoạt giải thưởng Pulitzer của phóng viên Emilio Morenatti, hãng tin AP. Ảnh: AP. 
“Đôi khi, chúng tôi đứng trước lựa chọn có nên sử dụng thông tin hay không, khi mà thông tin đó mới chỉ là bản thảo chưa qua phê duyệt. Chúng tôi có thể chờ. Nhưng trong khoảng thời gian đó, nhiều tờ báo khác đã đưa tin, và chúng tôi trở thành tờ duy nhất chưa đăng”, nhà báo Chloé Hecketsweiler của tờ Le Monde (Pháp), chia sẻ với Nature.
Đại dịch cũng khiến nhà báo phải làm việc với các nhà khoa học nhiều hơn bao giờ hết, và đó cũng gây cho họ nhiều khó khăn.
“Nhiều nhà khoa học không hiểu rằng bản tin là cho phần đông công chúng - những người không hiểu thuật ngữ y tế. Vì vậy, chúng tôi vật lộn khi phải hiểu và diễn giải ngôn ngữ của họ”, nhà báo Hecketsweiler nói.
“Những nhà khoa học không có kinh nghiệm làm việc với nhà báo trước đó sẽ dễ căng thẳng về việc bị trích dẫn sai hay hiểu lầm”, nhà báo Tamar Kahn của Business Day (Nam Phi) nói về việc nhiều lần phải thực hiện phỏng vấn qua Zoom để làm rõ vấn đề.
Những tia hy vọng
Đại dịch Covid-19 đã thay đổi cách con người nhìn nhận về sức khỏe, và báo chí đã góp phần không nhỏ trong việc đưa sức khỏe trở thành một vấn đề mà mọi người cùng quan tâm.
Hạng mục "báo chí phụng sự cộng đồng" của giải thưởng báo chí Mỹ Pulitzer được trao cho tuyến tin bài xoay quanh đại dịch Covid-19 của tờ New York Times.
Hội đồng đánh giá New York Times “đưa tin can đảm, khoa học, hiện đại và sâu rộng về đại dịch Covid-19 - điều gây ra sự bất bình đẳng về chủng tộc và kinh tế", cũng như "lấp đầy khoảng trống dữ liệu giúp chính quyền địa phương, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, doanh nghiệp và các cá nhân chuẩn bị, bảo vệ tốt hơn trước đại dịch”.
Đề tài về đại dịch cũng mang lại giải thưởng cho phóng viên Ed Yong của The Atlantic với loạt bài “sáng suốt, dứt khoát”. Tuyến bài của Ed Yong “lường trước được diễn biến của dịch bệnh, tổng hợp những thách thức mà Mỹ phải đối mặt, nêu lên những thách thức mà Covid-19 đặt ra cho khoa học và con người”.
Nha bao quoc te tren tien tuyen tran chien chong Covid-19-Hinh-4
Công nhân nhà xác cởi bỏ quần áo bảo hộ ở lối vào của một tòa nhà, sau khi đưa thi thể của một người bị nghi chết vì Covid-19 ở Barcelona, Tây Ban Nha. Ảnh: AP. 
“Theo quan điểm của tôi, Covid-19 là một trong những vấn đề ảnh hưởng tuyệt đối tới mọi người”, nhiếp ảnh gia Yves Herman của Reuters - người liên tục xông pha vào ổ dịch như bệnh viên, viện dưỡng lão, nhà tang lễ, nhà xác - nói với UNRIC.
Người dẫn chương trình, đồng sáng lập Hiệp hội News6 của Bỉ, Leslie Rijmenams hy vọng báo chí có thể cùng toàn cầu đẩy lùi đại dịch Covid-19. “Bằng cách thu hút công chúng tham gia và để họ nhận ra chính mình cũng là một phần của giải pháp, chúng ta sẽ cùng nhau đánh bại virus này”, bà nói.
Không chỉ khiến công chúng chú ý về cuộc khủng hoảng sức khỏe, báo chí cũng đưa những vấn đề vốn bị lãng quên nổi cộm trở lại trong khoảng thời gian này.
Nói về cách xử lý đại dịch Covid-19 của Mỹ - mà tác giả Ed Yong của tờ The Atlantic khẳng định là “sự thất bại”, ông cho rằng điều này liên quan đến mọi khía cạnh khác của Mỹ mà bấy lâu nay nước này không nhận ra: “Khả năng lãnh đạo thiển cận, coi thường chuyên môn khoa học, phân biệt chủng tộc, văn hóa mạng xã hội và sự trung thành mù quáng với chủ nghĩa cá nhân”.
Tuy nhiên, tác giả cũng khẳng định “đại dịch vừa là bi kịch vừa là bài học”. Chính những khó khăn nảy sinh từ bệnh dịch khiến báo chí nhận ra và đưa tin quyết liệt về các hạn chế mà con người từng trốn tránh, để nhà chức trách phải giải quyết triệt để.
Một ví dụ điển hình là việc Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 20/5 ký phê chuẩn đạo luật nhằm hạn chế sự gia tăng của những vụ bạo lực và tội ác nhắm vào người Mỹ gốc Á. Đạo luật trở nên cấp thiết trong bối cảnh Mỹ đang chứng kiến sự gia tăng hành vi bạo lực chống lại người Mỹ gốc Á, đặc biệt trong thời Covid-19.
“Sự khác biệt được phơi bày trong đại dịch, theo chiều hướng trầm trọng hơn - liên quan đến sức khỏe, chính sách và khí hậu - không chỉ mới bắt đầu từ năm 2020 và cũng không thể kết thúc bằng vaccine. Sau khi đại dịch kết thúc, người làm báo sẽ cần tiếp tục chú ý về vấn đề này và đưa tin về chúng”, nhà báo Troy Closson của New York Times chia sẻ trên Columbia Journalism Review.
Theo Phương Linh/Zingnews.vn