|
Tàu chiến Trung Quốc.
|
Vấn đề ở đây là gì? Mỗi năm, hơn một nửa giao thương hàng hoá của thế giới đi qua Biển Đông, 1/3 nguồn cung cấp dầu mỏ và hơn một nửa nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên (LNG) cho thế giới cũng đi qua khu vực biển này.
Việc Bắc Kinh đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông không có nghĩa là nước này sẽ đóng cửa khu vực biển chiến lược đối với các hoạt động thương mại quốc tế. Tuy nhiên, đây sẽ là bước tiếp theo nếu Trung Quốc đạt được âm mưu độc chiếm Biển Đông của họ. Trong bối cảnh mà nước này tự cho mình cái quyền điều tiết giao thông trên biển, Bắc Kinh chắc chắn sẽ đòi các tàu thuyền phải xin phép họ trước khi đi vào khu vực Biển Đông và tương tự họ cũng sẽ đòi hỏi các máy bay phải xin phép khi bay qua bầu trời khu vực này. Biển Đông, với 8 nước ven biển, vẫn được coi là vùng biển quốc tế. Tuy nhiên, rõ ràng, Trung Quốc đang định biến khu vực này thành ao nhà của mình.
Tờ New York Times cho biết, các nhà ngoại giao Châu Á đã choáng váng khi nhìn thấy bản đồ của Trung Quốc. Theo bài báo của Mỹ, Trung Quốc đã hoãn công bố bản đồ này từ cuối năm 2012 “để đợi sự cho phép chính thức của giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc”. Bản đồ phi pháp mới của Trung Quốc chưa được phổ biến chính thức.
Trung Quốc đã đưa ra bản đồ đường 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò từ năm 1947. Các nhà phân tích ban đầu chỉ nghĩ rằng, Trung Quốc đưa ra bản đồ đường 9 đoạn để đòi chủ quyền với những hòn đảo nằm trong phạm vi đường lưỡi bò. Đó là những hòn đảo đang nằm trong tranh chấp bởi các quốc gia ven biển gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia...
|
Tàu Hải giám Trung Quốc ráo riết khuấy đảo Biển Đông.
|
Hơn nữa, người ta càng hy vọng khi Trung Quốc phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển vào tháng 6 năm 1996. Thoả thuận đa phương này bao gồm những quy định chi tiết về việc tính toán, xác định lãnh thổ, lãnh hải của các nước – nói chung là giới hạn vùng lãnh hải của mỗi nước không vượt quá 12 hải lý tính từ đường bờ biển. Những quy định đưa ra trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển hoàn toàn trái ngược với những khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông. Vì thế, các nhà phân tích cứ nghĩ rằng, Trung Quốc khi ký vào bản Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển là đã từ bỏ tham vọng bành trướng theo đường lưỡi bò mà nước này đưa ra năm 1947.
Tuy nhiên, bất chấp nghĩa vụ phải tuân theo các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, Bắc Kinh vẫn tự mình tìm cách "phong toả" Biển Đông đối với các nước khác. Ví dụ như vào tháng 8 năm 2011, hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc – Tân Hoa xã đã đưa ra một bản báo cáo nói rằng Trung Quốc có “3 triệu km vuông lãnh hải”. Đây là điều không thể nếu Trung Quốc không đưa cả 2,6 triệu km vuông Biển Đông vào vùng lãnh hải của họ.
Hơn nữa, cũng trong tháng đó, Tân Hoa xã thậm chí còn nói rõ hơn khi khẳng định các đảo ở Biển Đông và “những vùng lãnh hải xung quanh” là “một phần trong lợi ích then chốt của Trung Quốc”. Bằng cách sử dụng cụm từ “lợi ích then chốt”, Bắc Kinh đang ám chỉ nước này sẽ không bao giờ thoả hiệp hay nhượng bộ trong vấn đề chủ quyền đối với những đảo và vùng lãnh hải ở Biển Đông.
Với bản đồ mới vừa được phát hành, Trung Quốc đã không còn duy trì sự mập mờ bằng cách biến những điểm, đoạn thành đường biên giới quốc gia của họ. Theo Trung Quốc, tất cả những đảo lớn nhỏ và vùng lãnh hải bên trong đường biên giới này là thuộc của họ. Đây là nỗ lực xâm chiếm lãnh thổ lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II.
|
Trung Quốc còn sử dụng tàu cá để xâm chiếm biển đảo.
|
Chắc chắn, bản đồ mới của Trung Quốc sẽ “gây bão lớn” trong khu vực. Năm ngoái, Bắc Kinh đã dùng vũ lực để chiếm bãi cạn Scarborough ở Biển Đông của Philippines. Tờ New York Times cho rằng, dù có nghĩa vụ bảo vệ Philippines nhưng Mỹ vẫn để Trung Quốc lấy những gì họ muốn. Không ai ở Nhà Trắng muốn đối đầu với Trung Quốc. Hiện tại, Trung Quốc tiếp tục tìm cách chiếm đóng bãi cạn Ayungin. Bãi cạn Ayungin là Bãi Cỏ Mây vốn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và đang bị Philippines chiếm đóng.
Những bước đi của Trung Quốc ở trên rõ ràng là một sự thách thức gián tiếp đối với Mỹ. Tuy nhiên, việc Trung Quốc phát hành bản đồ mới có nghĩa rằng, Bắc Kinh giờ đây đang thách thức trực tiếp Washington. Mỹ luôn khẳng định chính sách nhất quán của họ là sẽ bảo vệ tự do hàng hải. Không rõ cường quốc số 1 thế giới sẽ phản ứng thế nào trước bản đồ của Trung Quốc biến Biển Đông thành ao nhà của họ.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Theo VnMedia