Đủ kiểu nói dối để xin tiền phẫu thuật thẩm mỹ
Động đến phẫu thuật thẩm mỹ nghĩa là phải bỏ ra cả đống tiền. Chỉ hút mỡ thôi đã từ 15 đến 35 triệu tùy vị trí, lượng hút nhiều hay ít. Phí sửa mũi cũng hơn chục triệu, nâng ngực 40 - 60 triệu đồng. Chi cả số tiền khủng như thế để làm đẹp, hẳn mọi người sẽ nghĩ, phải các quý bà quý cô giàu có "in được tiền" mới tham gia. Nhưng thực tế không phải vậy. Có rất nhiều phụ nữ đam mê làm đẹp nên sẵn sàng dốc đến đồng tiền cuối cùng cho nó, dù ví tiền chẳng xông xênh gì. Khi dốc hết ví cũng không đủ thì họ sẽ tìm các "nhà tài trợ".
Một bác sĩ mở phòng khám tư ở Hà Nội kể, có lần, một nữ bệnh nhân U60 quen biết có nhờ ông, rằng nếu chồng có hỏi thì xin xác nhận miệng giúp rằng, đúng là cô con gái bà có u ở tử cung. Bác sĩ giãy nảy, bảo cô ấy có u đâu, sao tôi dám nói người lành thành người bệnh được. Bà bệnh nhân bảo nói miệng chứ có văn bản gì đâu mà anh lo.
Hỏi mãi, bà ấy mới thú thật là cô con gái đang có nguyện vọng tha thiết là đi hút mỡ bụng để níu kéo anh chồng cặp bồ. Theo bà mẹ thì cô gái mặt mũi cũng xinh nhưng sinh con xong người cứ sổ ra, giờ giảm cân rồi nhưng bụng vẫn to quá. Cô đã cố gắng ăn kiêng, tập thể dục, bôi kem tan mỡ, uống đủ thứ thuốc được quảng cáo là tiêu mỡ bụng nhưng chẳng ăn thua, giờ chỉ còn hy vọng vào chuyện hút mỡ, nhưng chi phí cũng mất đến hơn 30 triệu đồng, cô không có số tiền ấy.
Thương con, bà bảo sẽ tìm cách "đẽo" tiền của bố cho con đi hút mỡ. Hai mẹ con cùng nhau bàn mưu tính kế, vì xin tiền của ông bố là việc chẳng hề dễ dàng.
Vị bác sĩ kể tiếp: "Bà ấy bảo, ông chồng giàu lắm, nhưng ki bo lắm, cứ giữ khư khư chẳng chịu chi gì cả, giờ nếu bảo xin tiền hút mỡ thì đừng hòng moi được một đồng. Thế nên hai mẹ con toa rập với nhau bảo là con gái bị u tử cung, to lắm rồi, ông phải cho tiền chữa chạy. Nhưng vì sợ ông chồng nghi ngờ, vặn vẹo đòi bằng chứng nên mới nhờ tôi nói dối, bà ấy sẽ bảo chồng nếu không tin thì gọi cho bác sĩ mà xác minh".
|
Ảnh minh họa. |
Dù bị năn nỉ nhưng ông bác sĩ vẫn phải từ chối vì đạo đức nghề nghiệp không cho phép ông đưa ra chẩn đoán giả. Không biết sau đó hai mẹ con có tìm được ông bác sĩ nào chịu "giúp" hay không.
Đối tượng mà các Eva hay nhắm đến nhất khi cần lừa xin tiền "dao kéo" là chồng. Chị Hoài, 29 tuổi, nói: "Chồng em cũng thuộc loại xông xênh, nhưng em mà xin tiền đi làm ngực thì khó lắm. Thế nên cứ thỉnh thoảng em lại xin chục triệu bảo là để đi spa chăm sóc body, massage giảm mỡ bụng. Sau mấy lần xin như thế mới đủ tiền làm ngực. Có tiền rồi lại phải lo làm sao công khai với chồng, vì nói trước sẽ bị ngăn cản, mà giấu thì không được vì đây cũng là ca mổ lớn".
"Em đành chơi trò chuẩn bị vào phòng mổ mới gọi cho chồng, lão ấy lao đến thì em đang được mổ xẻ rồi. Sau đó ông xã cũng giận lắm, nhưng vợ đau đớn mệt mỏi thì cũng phải chăm thôi, em lại cố gắng nịnh nọt nữa, rồi cũng xong. Được cái em làm ngực đẹp lắm, to vừa phải, mềm mại tự nhiên, chứ làm hỏng thì chết với chồng".
Còn cô sinh viên Thảo My, để có chiếc mũi dọc dừa thon gọn như hiện nay, cô phải năm lần bảy lượt nói dối bố mẹ để xin tiền, khi thì nói cần mua thiết bị học tập, lúc lại kêu mất điện thoại...
"Đến lúc em về nhà, thằng em ngứa mồm hỏi sao mũi chị bây giờ đẹp thế, mới đi nâng à. Bố mẹ em mới ngắm kỹ, bảo chắc chắn mày nâng mũi rồi, thảo nào chúng tao thấy khác khác mà không hiểu khác cái gì. Bố em mắng cho em một trận chí chết, đến giờ vẫn mắng, bảo dám động dao động kéo mà không nói một câu với bố mẹ, nhỡ chết thì sao", Thảo My kể.
Đi xe buýt, ăn mì tôm, lấy tiền "dao kéo"
Nếu như với những phụ nữ đã có gia đình, phẫu thuật thẩm mỹ là thứ "có điều kiện thì làm", cho đời nó tươi hơn, không đủ tiền hay không ai tài trợ thì cũng thôi. Nhưng với nhiều cô gái trẻ, đấy lại là mục tiêu lớn, có tính chất "sống còn", quyết định tương lai của họ.
Ngọc Hà, 19 tuổi, đang học chuyên ngành ngoại ngữ ở một trường đại học tại Hà Nội, chia sẻ, khao khát lớn nhất của cô hiện nay là có đủ tiền để "đại tu" gương mặt. Ngọc Hà da trắng, dáng người cao ráo khá ổn, nhưng gương mặt theo cô là quá bất hợp lý: mũi to, cằm bạnh và nhô ra ngoài, mắt lại nhỏ. "Nếu chỉ có một nét xấu thôi thì em cũng chấp nhận, nhưng trên mặt em không nét nào không xấu, nên em phải sửa".
Nữ sinh viên năm thứ hai cho biết, tuy không phải là người quá cầu kỳ về hình thức nhưng cô đã nếm đủ cảm giác đau khổ tủi nhục khi phải mang "cái mặt không chơi được". Đám con trai vẫn hay lấy cô ra làm hình mẫu của gái xấu, hoặc làm chủ đề cho các chuyện cười. Hà muốn xin việc làm thêm để đỡ tiền bố mẹ, nhưng hễ nhìn thấy cô là người tuyển dụng đã ném ra ánh mắt chê bai thất vọng.
"Bao giờ họ cũng chỉ hỏi em vài câu lấy lệ rồi bảo về", Ngọc Hà nói. "Hằng ngày đọc thông báo tuyển dụng của nhiều công ty, em thấy toàn yêu cầu hình thức đẹp. Em biết rằng với cái mặt này, sau này mình sẽ lận đận lắm về sự nghiệp chứ chưa nói đến tình duyên". Vì thế, Hà đặt mục tiêu là từ giờ đến lúc ra trường sẽ tiết kiệm đủ tiền để đi cắt mắt, gọt mũi, gọt hàm... để trở nên sáng giá hơn trong con mắt nhà tuyển dụng.
Để thực hiện mục tiêu đó, cô tiết kiệm đến khắc khổ: mua gạo loại rẻ nhất, ăn với rau, đồ mặn thì muối vừng, đậu phụ kho mặn, nhiều lúc ăn mỳ tôm cân không người lái. Cô bỏ xe máy, đi xe buýt bằng vé tháng, nếu không có xe buýt và đường không quá xa thì sẵn sàng đi bộ. Ngọc Hà cũng nhận làm thêm bất cứ việc gì: rửa bát thuê, ship hàng cho những người bán hàng qua mạng...
Nhiều hơn Ngọc Hà 4 tuổi, Mai Chi đã đi làm, và môi trường công sở nơi cô "đầu quân" đã tạo nên sự thôi thúc phải phẫu thuật thẩm mỹ bằng được. "Thời bây giờ, nói hình thức quyết định tất cả thì không đúng nhưng nó quá quan trọng đi", Mai Chi tâm sự. "Đừng tưởng chỉ giới showbiz mới cần đẹp. Ngay ở công ty em thôi, đứa nào đẹp thì chẳng những sếp quý, ưu ái, tạo điều kiện đủ thứ mà cả khách hàng, đối tác cũng chỉ thích chọn những cô đẹp để giao dịch. Những nhân viên có nhan sắc doanh số luôn cao hơn hẳn".
Mai Chi nghĩ rằng cô không kém hơn những nữ đồng nghiệp ấy, nhưng công việc lẹt đẹt vì cô không "ngon mắt" bằng họ. "Mũi em tẹt, mắt em một mí, ngực em không to. Nhưng chiều cao em OK, chân em khá dài lại còn thẳng, mặt em gần như là V-line. Chỉ cần sửa những cái kia thì em cũng chả kém ai đâu".
Đinh ninh như vậy nên Mai Chi coi chuyện dành tiền "dao kéo" là một chiến dịch quan trọng hàng đầu. Cô để dành mọi khoàn thu nhập, quyết ăn bám bố mẹ. "Sáng, trưa, tối, em ăn cơm mẹ nấu hết, chỉ bỏ đúng tiền đổ xăng và vài chi phí ngoại giao cần thiết. Em không sắm quần áo, thi thoảng vòi mẹ cho tiền mua vài bộ thôi, sau này đẹp mới cần diện. Cứ có đủ tiền cho một ca chỉnh sửa là em lại đi làm, sửa dần từng thứ một", Mai Chi kể.
Và sau vài năm, giờ đây cô đã thỏa nguyện với nhan sắc hoàn toàn mới: mắt hai mí, mũi cao, ngực nở. Chi cảm thấy cả sự nghiệp lẫn tình yêu đều khởi sắc, hễ cô đi ra đường là bao nhiêu kẻ ngắm nhìn, doanh số bán hàng của cô cũng tăng vọt.
Nhiều người nhận xét rằng, cứ ngắm phụ nữ trẻ trên đường sẽ thấy, tỷ lệ gái đẹp ở Việt Nam ngày càng cao; ngoài chuyện dinh dưỡng tốt hơn, gu thẩm mỹ tốt hơn thì có lẽ một phần cũng vì, tỷ lệ đi chỉnh sửa nhan sắc đã tăng rất nhiều so với trước. Không chỉ những người làm trong giới nghệ sĩ, mà dân công sở, sinh viên... tóm lại là "người bình thường" đi thẩm mỹ rất nhiều.
Những ca mổ lớn, gây đau đớn và tốn kém như nâng ngực, tạo hình bụng... còn khiến nhiều người cân nhắc, nhưng những thủ thuật vừa phải nhưng có thể khiến nhan sắc tăng điểm từ 5-6 lên 9-10 như sửa mũi, sửa mắt, độn cằm... thì được "ứng dụng" nhan nhản. Ngay cả các chị bán thịt, bán rau ngoài chợ tạm cũng đua nhau đi sửa mũi, cắt mí và chỉ cho nhau chỗ nào làm đẹp mà rẻ.
Chính mức độ phổ cập tăng theo cấp số nhân của phẫu thuật thẩm mỹ trong khi hiểu biết của người dân lại hạn chế, y đức của nhiều người làm nghề y còn hạn chế hơn nữa, nên các ca tai biến, thậm chí chết người vì "dao kéo" liên tiếp xảy ra, mà mới nhất, khủng khiếp nhất là vụ bác sĩ hút mỡ, nâng ngực gây chết người rồi vứt xác xuống sông.
Theo Tri Thức Thời Đại