“Em mà cứ lớ xớ, anh tước quyền nuôi con“

Google News

Từng đó thời gian, tôi vẫn “ngụp lặn” với câu hỏi: Phụ nữ phải chăng không có quyền khẳng định bản thân và thể hiện năng lực với xã hội.

Mới rồi, sau 15 năm ra trường, lớp đại học của chúng tôi tổ chức họp lớp lần đầu tiên. Thật may, lại họp vào đúng buổi trưa của ngày thứ 2 mà tôi mới có thể tham dự được. Từ ngày lập gia đình đến nay, tôi có một luật bất thành văn là không vui chơi, không bạn bè, không bù khú vào ngày nghỉ cuối tuần (vì lúc đó cả hai con tôi đều nghỉ học, làm gì có người trông), không đi vào lúc chiều tối (vì tôi còn phải lo đón con, rồi tạt qua chợ mua đồ ăn tối), cũng không đi đâu quá xa nhà.
Bao năm xa cách, nay hội ngộ, tôi thấy bạn bè mình đều thay đổi. Trừ một số ít có phần già đi, xuống sắc, đa phần các bạn đều “phát” theo hướng rất là tích cực. Con trai tự lái xe ô tô riêng, con gái thì váy vóc, làm đầu xoăn, nhuộm tóc màu hạt dẻ, đánh má phấn môi son rất nét. Nhiều bạn khoe đã mua được nhà, hơn thế còn là nhà ở phố trung tâm, hoặc chí ít cũng là chung cư cao cấp với 3-4 phòng ngủ. Chỉ có tôi là mỗi vậy, không lên, không xuống.
- Trông cậu vẫn vậy, Thương nhỉ?
 Ảnh minh họa.
Cậu bạn tên Hải, hồi còn đi học ngồi trước tôi, tiến lại gần, nhận xét. Tôi cười. “Ừ mình vẫn vậy”. Hải lại nói tiếp: “Có nhiều bạn, mình phải nghĩ mới ra tên. Riêng Thương thì không lẫn đi đâu được. Vẫn kiểu tóc ngắn “vừa nhanh vừa tiện”, kiểu quần bò áo phông “vừa tiện, vừa nhanh”… Bao năm rồi, Thương cứ là Thương của ngày nào, đứng ngoài mọi đổi thay của xã hội, không chạy theo mốt, không cần biết thiên hạ đang sắm sửa gì".
Tôi không biết Hải nói vậy là khen hay chê tôi. Nhưng tôi thì tự cho rằng, đó là lời chê ngầm. Thực tế thì không chỉ có mỗi hình thức thôi đâu, ngay cả sự nghiệp, tiếng tăm của tôi cũng không có gì thay đổi so với thời chỉ là một cô cử nhân.
- Dạo này Thương làm gì? Chắc hẳn giỏi như Thương, giờ đã là trưởng phòng, mà có khi còn là giám đốc nữa ý chứ-lại một cô bạn khác tên Doan đon đả hỏi thăm.
Tôi chỉ gượng cười, khe khẽ nói rất nhỏ: “Đâu có. Mình thất bại trong mọi việc, ngoại trừ niềm tự hào đã có hai con, đủ nếp đủ tẻ”.
Tôi nói vậy bởi ngày còn học đại học, tôi là lớp phó của lớp. Và chỉ thiếu một chút xíu nữa thôi là tôi đủ điều kiện để được giữ lại trường làm giảng viên. Khi chứng tôi chia tay sau lễ tốt nghiệp, rất nhiều người nghĩ tôi sẽ nằm trong nhóm sẽ sớm có “tương lai tươi sáng”.
Kỳ thực ngược lại. So với các bạn bây giờ, tôi là kém nhất. Không phải là vì tôi không có năng lực, mà có lẽ, tôi đã không quyết tâm phấn đấu để được tỏa sáng.
Lý do bởi vì, tôi có một gia đình để luôn phải bận tâm, lo lắng. Gia đình tôi gồm 4 người: tôi, chồng và hai con. Một đứa lớp 3, một đứa sắp vào lớp 1 nên không còn cảnh phải bế bồng, cháo lão. Nhiều người sẽ bảo, tưởng gì chứ có thế thôi mà cũng kể lể. Nhiều cô dâu còn phải lo vun vén trong gia đình tam tứ đại đồng đường mới gọi là khó và vất vả.
Nhưng, tôi lại khác. Chồng tôi có quan niệm, phụ nữ là người xây tổ ấm, còn đàn ông thì chỉ… xây nhà thôi. Anh tuyên bố, tôi không phải phấn đấu nhiều. Chỉ cần tìm một việc làm ổn định, sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, chủ yếu là để khỏi buồn và bị mang tiếng là “ăn bám”. Còn lại tôi cứ dành hết thời gian mà chăm lo cho chồng con. Chồng tôi có thể đi suốt ngày thì được. Nhưng, anh không chấp nhận tôi mở miệng kêu “em bận”. Với anh, phụ nữ không được quyền bận. Không công việc nào quan trọng bằng công việc nội trợ. Mọi việc xảy ra trong nhà đều chỉ có tôi gánh vác là chính. Con ốm-cũng chỉ tôi xin nghỉ để đưa đi khám. (trừ khi con ốm nặng anh mới “xuất chiêu”). Con tan học-nhiệm vụ đưa đón cũng thuộc về tôi. Rồi chợ búa, cơm nước-không tôi thì còn ai lo. Chồng về mà thấy tôi đã ở nhà chăm con, nấu nướng thì tỏ ra rất hài lòng. Nhưng, ngược lại, anh về trước tôi là mặt nặng mày nhẹ tra cật xem tôi làm gì, đi đâu mà muộn vậy.
Như tôi đã nói, tôi không phải là người kém cỏi, dốt nát gì. Ở cơ quan, nhiều lần tôi cũng được cấp trên “dấm” vào vị trí này, chức vụ nọ. Đổi lại, sếp muốn tôi hãy chứng tỏ mình nhiều hơn. Làm việc thì không phải cứ 4 giờ chiều là đứng dạy mà có thể ở lại cống hiến cùng anh em. Rồi tôi cũng nên đăng ký tham gia học thêm về nghiệp vụ, hay là học “nâng cấp bằng” lên thạc sĩ, tiến sĩ, sau này rất tiện cho quá trình quy hoạch. Vừa hay cơ quan tôi được thành phố rót về chỉ tiêu học thạc sĩ, kinh phí nhà nước cho toàn bộ. Người học chỉ phải sắp xếp thời gian học ngoài giờ. Tôi hý hứng về hỏi ý kiến chồng thì anh vội vàng gạt đi. Rồi anh nhìn như thể tôi là vật thể lạ mới rớt xuống: “Em tỉnh lại đi. Học hành cái gì. Sự nghiệp của em là gia đình, là con cái. Em đi học thì ai lo cho con. Vớ vẩn”. Tôi chưng hửng, đành im lặng.
Nhà thì có hai người lớn và hai đứa trẻ. Nhưng, tôi bận mà người lớn còn lại là anh mà không chịu giúp đỡ thì làm sao tôi tự mình xoay sở được. Thôi đành vậy. Tôi gãi đầu gãi tai đến xin sếp cho khất học đến lần sau. Và cứ thế, đã 10 năm, tôi vẫn cứ lấy tiếng “con nhỏ” để khước từ các cơ hội. Trong khi đó, nhiều nhân viên trẻ, vào cơ quan sau tôi cả vài năm, nhưng đều đã lần lượt học xong bằng ngày cấp nọ. Có em, còn được đề bạt làm phó phòng.
Tôi không thuộc dạng ưa chức tước. Nhưng, tôi chỉ mong được cống hiến nhiều hơn cho công việc, được phép hăng say hơn thay vì suốt ngày phải lo đón con lúc nào, tối nay ăn gì. Bây giờ, mỗi lần nhìn các đồng nghiệp miệt mài bên bàn làm việc mà tôi thèm. Chồng tôi thì vẫn giữ quan điểm rằng: “Đàn bà con gái thì làm được gì. Nếu vợ mà thành danh trong sự nghiệp thì chỉ tổ vênh mặt với chồng, rồi hênh hoang mà thôi. Chi bằng, cứ ở nhà làm dâu hiền, vợ thảo, mẹ đảm đang”. Để dập tắt ý định mới nhen nhúm trong tôi, anh còn tiếp tục dội cho tôi gáo nước lạnh: “Phụ nữ nào có gia đình rồi mà còn mơ thành đạt là ảo tưởng. Em mà cứ lớ xớ, anh… tước quyền nuôi con. Lúc đó, em mới thấy công việc và con cái, cái nào cần cho mình hơn”.
Suy nghĩ đó của anh rất là phiến diện và quá ư bất bình đẳng. Nhưng, tôi đã phải chấp nhận nó mười mấy năm qua. Và cũng từng đó thời gian, tôi vẫn đang “ngụp lặn” với câu hỏi: Phụ nữ phải chăng không có quyền khẳng định bản thân và thể hiện năng lực với xã hội.
Theo Phụ Nữ Thủ Đô