Trong mục “Tin tức đáng ngạc nhiên và không thể tin được” của tờ báo Mỹ New Yorker đăng tải nhân Ngày Quốc khánh Mỹ, tác giả Andy Borowitz đã đăng tải thông tin về câu chuyện đùa của Tổng thống Donald Trump về việc máy bay Su-24 của Nga sẽ tham gia đoàn duyệt binh trên không của Không quân Mỹ.
“Đó là những chiếc máy bay đẹp và lấp lánh. Tôi là Tổng thống Mỹ đầu tiên chứng kiến máy bay quân sự Nga bay qua Washington”, Tổng thống D. Trump phát biểu với kênh truyền hình Fox News.
Tuy nhiên, trước đó 2 năm, vào tháng 8-2019, máy bay quân sự Nga đã từng bay qua Thủ đô Washington, chụp ảnh Nhà Trắng, Lầu Năm góc và nhiều công trình quan trọng khác. Sau khi hoàn thành công việc, máy bay quân sự Nga đã rời không phận nước Mỹ an toàn và trở về căn cứ tại Nga. Chuyến bay lịch sử này được thực hiện theo khuôn khổ Hiệp ước Bầu trời mở với sự tham gia của 34 quốc gia trên thế giới, trong đó có Nga và Mỹ.
|
Máy bay F/A-18 của Hải quân Mỹ bay biểu diễn trong Ngày Quốc khánh 4-7 tại Washington. Ảnh: Reuters. |
Hiệp ước Bầu trời mở
Theo quy định của Hiệp ước Bầu trời mở, các quốc gia thành viên được cử máy bay trinh sát quân sự bay qua lãnh thổ của các quốc gia thành viên. Hành động này được thực hiện đồng thời với việc quốc gia cử máy bay quân sự phải mở cửa không phận cho máy bay của thành viên tham gia hiệp ước làm hành động tương tự.
Hiệp ước Bầu trời mở được ký kết năm 1955, trong thời kỳ cao trào của chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên bang Xô Viết. Hiệp ước này từng có thời gian gián đoạn khi Liên Xô tan vỡ và chỉ được khôi phục lại khi Mỹ và Nga đạt được thỏa thuận chính thức vào năm 2002.
Đánh giá về Hiệp ước Bầu trời mở trên hãng thông tấn TASS, nhà phân tích quân sự Victor Litovkin cho biết, Nga và Mỹ đã tiến hành hơn 1.200 chuyến bay trinh sát, giám sát trên lãnh thổ của nhau. Theo đó, hai nước thường đặt đường bay qua các căn cứ quân sự quan trọng của nhau để theo dõi và đánh giá tiềm lực quân sự của đối phương. Trong thời gian dài, Hiệp ước Bầu trời mở được coi là công cụ giám sát lẫn nhau của cả Nga và Mỹ. Toàn bộ thông tin về các chuyến bay đều được công khai sau các chuyến bay giám sát.
“Nga và Mỹ đã đàm phán rất kỹ lưỡng về chuyến bay giám sát. Điều kỳ diệu đã xảy ra vài tháng sau đó. Hai bên đồng ý trao đổi các thông tin thu thập được sau chuyến bay”, chuyên gia Victor Litovkin cho biết.
|
Máy bay Su-24 đã thực hiện chuyến bay lịch sử trên bầu trời Washington. Ảnh: RIA |
Chuyến bay qua Thủ đô Washington của máy bay quân sự Nga được thực hiện với sự chấp thuận của giới chức Mỹ.
Chuyến bay lịch sử khó có thể lặp lại
Theo đánh giá của giáo sư Học viện Khoa học quân sự Liên bang Nga, Vadim Kozulin, trong tương lai, một chuyến bay giám sát của máy bay quân sự Nga trên bầu trời Washington rất khó có thể xảy ra. Cả Nga và Mỹ đang có bất đồng rất lớn liên quan tới Hiệp ước Bầu trời mở.
Vấn đề nằm ở sự tiến bộ của công nghệ viễn thám quang học và điện tử từ sau những năm 2000. Với những công nghệ trên, máy bay trinh sát của Nga và Mỹ có thể phát hiện, giám sát tốt hơn hoạt động trong các căn cứ quân sự của nhau. Đây là điều cả Moscow và Washington đều không mong muốn.
Mỹ đã từng từ chối cho phép máy bay trinh sát Tu-204R với nhiều trang bị quang học và điện tử hiện đại được bay vào lãnh thổ nước này. Cùng với đó, Mỹ cũng không có ý định trang bị các công nghệ trinh sát hiện đại lên các máy bay quân sự hiện có.
|
Nhờ công nghệ vệ tinh, sự tồn tại của Hiệp ước Bầu trời mở đối với Mỹ đã không còn quá quan trọng. Trong ảnh: Máy bay trinh sát Tu-204R của Không quân Nga. Ảnh: TASS |
“Mỹ có thể thu thập thông tin nhờ hệ thống vệ tinh bao phủ khắp Trái Đất. Công nghệ vệ tinh ảnh thế hệ mới đã khiến cho các chuyến trinh sát trên không trở nên lỗi thời. Mỹ không muốn máy bay quân sự Nga với các khí tài trinh sát hiện đại bay vào lãnh thổ nước Mỹ, trong khi Washington có thể làm việc tương tự mà không cần thực hiện các chuyến bay. Chắc chắn là phía Mỹ không mong muốn điều đó!”, ông Vadim Kozulin đánh giá.
Theo Tuấn Sơn/Quân đội Nhân dân