|
Ảnh: Máy bay cường kích Nam Xương Q-5 của Trung Quốc. Nguồn Wikipedia |
Lý do Trung Quốc ngừng phát triển mẫu máy bay cường kích
Với việc chiến đấu cơ đa năng hạng nhẹ J-10 được sản xuất hàng loạt, nên máy bay cường kích Nam Xương Q-5, loại chiến đấu cơ có số lượng lớn nhất trong Không quân Trung Quốc, cũng đã chính thức được rút khỏi biên chế.
Là một loại máy bay quân sự, vai trò chính của máy bay cường kích là tấn công các mục tiêu mặt đất.
Những chiếc cường kích Nam Xương Q-5 chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ không quân tầm gần và các nhiệm vụ không đối đất của hải quân và chồng chéo lên các nhiệm vụ của máy bay ném bom chiến thuật.
Máy bay cường kích có thiết kế gần với máy bay chiến đấu hạng nặng hơn; vì vậy, hiệu suất của chúng cũng rất giống nhau. Nhưng khi gặp lực lượng không quân đối phương mạnh hơn, máy bay cường kích sẽ cần phải có máy bay tiêm kích bay kèm bảo vệ.
|
Ảnh: Máy bay cường kích Nam Xương Q-5 của Trung Quốc. Nguồn Wikipedia |
Nhưng không giống như máy bay chiến đấu, mục tiêu của chúng chủ yếu là trên không; còn máy bay cường kích không chú trọng nhiều đến khả năng bay tốc độ cao và khả năng không chiến.
Kể từ những năm 1960, chỉ có hai mẫu máy bay cường kích được giới thiệu rộng rãi, đó là dòng A-10 của Mỹ và Su-25 của Liên Xô, hiện vẫn còn được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay.
Khi đó Trung Quốc cũng thiết kế máy bay cường kích là mẫu Nam Xương Q-5; mẫu cường kích này được thiết kế dựa trên công nghệ của máy bay chiến đấu MiG-19 nhập từ Liên Xô, nhưng hình dáng khí động học khác nhau.
|
Ảnh: Một mẫu máy bay Nam Xương Q-5 thử nghiệm của Trung Quốc. Nguồn Sina |
Từ cuối những năm 1950 đến ngày 4/6/1965, nguyên mẫu số 5 của cường kích Nam Xương Q-5 đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm thành công và cuối cùng được đưa vào sản xuất vào năm 1969.
Là một máy bay cường kích đặc biệt trong những năm 1970, khả năng hoạt động của chiếc Nam Xương Q-5 đáp ứng chiến thuật “biển người” của Quân đội Trung Quốc khi đó.
Vũ khí chính của Nam Xương Q-5 chủ yếu là pháo và tên lửa không điều khiển (rocket); tốc độ bay cao có thể cải thiện hiệu quả khả năng tấn công của vũ khí cơ bản, còn tên lửa phòng không PL-2 được sử dụng để tự vệ.
|
Ảnh: Nhà máy sản xuất máy bay cường kích Nam Xương Q-5 của Trung Quốc. Nguồn Wikipedia |
Tuy nhiên, với sự suy giảm của máy bay cường kích và ý tưởng thiết kế lạc hậu của Nam Xương Q-5, nên bước sang thế kỷ 21, Quân đội Trung Quốc đã cho Nam Xương Q-5 loại khỏi biên chế.
Quá trình phát triển chiếc cường kích Nam Xương Q-5 của Trung Quốc không suôn sẻ, họ phải mất hơn 10 năm từ dự án phái sinh của MiG-19, cho đến khi Nam Xương Q-5 được đưa vào biên chế.
Cùng thời gian đó, tiêm kích A-7 của Mỹ chỉ mất 3 năm từ khi nghiên cứu, thiết kế đến phát triển; điều này đủ thấy trình độ công nghiệp của Trung Quốc lúc bấy giờ đang ở trong tình trạng rất lạc hậu.
Là một máy bay cường kích, khả năng tấn công của nó phải được chứng minh. Trong khi đó, khả năng tấn công tầm thấp của Nam Xương Q-5, hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn của một máy bay cường kích, nhưng tải trọng vũ khí thì quá nhỏ.
Lô Nam Xương Q-5 đầu tiên, chỉ mang được tối đa 1,5 tấn vũ khí; trong khi các máy bay chiến đấu cùng loại của Liên Xô và Mỹ đều mang được hơn 4 tấn.
|
Ảnh: Máy bay chiến đấu cường kích Su-25 của Liên Xô. Nguồn Wikipedia |
Tuy nhiên, sự xuất hiện của Nam Xương Q-5 có thể coi là bù đắp cho khả năng tấn công mặt đất quá yếu của lực lượng không quân Trung Quốc; ít nhất là trước lực lượng thiết giáp quy mô lớn như của Liên Xô, khả năng tấn công của Nam Xương Q-5 có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Sau khi bước vào thập niên 1970, Mỹ và Liên Xô bắt đầu sử dụng máy bay chiến đấu tấn công hoàn toàn mới. Trong thời kỳ này, Mỹ đã đưa A-10 và Liên Xô đưa Su-25 vào biên chế. Cả hai mẫu máy bay chiến đấu này đều mạnh hơn Nam Xương Q-5.
Sau khi nâng cấp tên lửa dẫn đường, máy bay chiến đấu A-10 và Su-25 đã sở hữu khả năng tấn công chính xác bằng vũ khí dẫn đường bằng laser vào những năm 1990.
Đồng thời, công nghệ chiến đấu mặt đất phát triển cũng không hề kém cạnh, nhất là hỏa lực phòng không lục quân; do đó việc Trung Quốc tiếp tục phát triển và cải tiến Nam Xương Q-5, thậm chí là hơi thừa.
|
Ảnh: Máy bay chiến đấu cường kích A-10 của Mỹ. Nguồn Wikipedia |
Liên Xô/Nga góp phần khai tử cường kích Nam Xương Q-5
Bước vào cuối thập niên 1980 đến 1990, với sự giúp đỡ kỹ thuật của Liên Xô/Nga, các dự án máy bay chiến đấu phản lực mới của Trung Quốc là JH-7 và Su-27/J-11 có khả năng tác chiến hiện đại và toàn diện hơn được đưa vào biên chế.
Do vậy việc cải tiến một mẫu máy bay có nguồn gốc không lấy gì làm thành công (MiG-19) thành mẫu cường kích của thế kỷ 21 như Nam Xương Q-5B, là quá rủi ro và tốn kém.
|
Ảnh: Chiến đấu cơ MiG-19, nguyên mẫu phát triển thành cường kích Nam Xương Q-5 của Trung Quốc. Nguồn Sina |
Trong thập niên 1990, sự phát triển của lực lượng không quân Trung Quốc đã có nhiều thay đổi, khi lãnh đạo Trung Quốc lo lắng về cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan và cuối cùng đã chọn chế tạo máy bay chiến đấu hạng nặng, để thay thế những chiếc cường kích Nam Xương Q-5 đã quá cổ lỗ.
Bước vào thập niên 1990, tình hình thế giới và khu vực thay đổi, dẫn đến việc trang bị máy bay chiến đấu hạng nặng, vừa có thể chiến đấu và tự bảo vệ như máy bay chiến đấu Su-27 hay F-15 đã trở thành xu thế chủ đạo trên thế giới.
|
Ảnh: Chiến đấu cơ hạng nặng Su-27 của Nga. Nguồn Wikipedia |
Trong những năm sau khi thành lập nước CHND Trung Hoa (1949), ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc chủ yếu dựa vào Liên Xô; khi quan hệ Trung-Xô đóng băng vào đầu thập niên 1960, ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc đi như kiểu “ném đá dò đường”.
Việc phát triển một mẫu máy bay chiến đấu cường kích dựa trên một mẫu chiến đấu cơ có sẵn như Nam Xương Q-5, Trung Quốc cũng mất hơn 10 năm, khi đưa vào sử dụng đã lạc hậu.
Trên thực tế, ngay cả Mỹ cũng không tiếp tục phát triển máy bay cường kích mới, mà tập trung phát triển loại máy bay chiến đấu phản lực và máy bay chiến đấu tàng hình mới, được trang bị hỏa lực hạng nặng để đánh các mục tiêu mặt đất và trực thăng vũ trang ngày nay tốt hơn nhiều.
Từ quan điểm chiến thuật, trực thăng vũ trang không cần đường băng để cất và hạ cánh và có thể thực hiện các nhiệm vụ di chuyển trực tiếp, điều này thậm chí còn tốt hơn về tính cơ động.
Là loại máy bay chiến đấu chi viện hỏa lực trực tiếp trên mặt đất, máy bay cường kích thường phải đối mặt với hỏa lực mạnh, rất khó mang đủ hỏa lực mà vẫn đáp ứng khả năng bảo vệ; đây cũng là khó khăn trong việc phát triển máy bay cường kích của Trung Quốc .
Ngoài ra, còn có sự nâng cấp của hệ thống phòng không của đối phương, khi nhiệm vụ chính của cường kích Nam Xương Q-5 là tấn công tầm thấp, nên dễ trở thành mục tiêu của các loại tên lửa phòng không vác vai và pháo tầm thấp.
Cùng với đó là khả năng trinh sát của hệ thống radar hiện nay, rất khó để Nam Xương Q-5 có thể tránh bị trinh sát phát hiện và hoàn thành một cuộc tấn công hiệu quả.
|
Ảnh: Máy bay cường kích Nam Xương Q-5 và vũ khí đi kèm của Trung Quốc. Nguồn Sina |
Các máy bay chiến đấu mới ngày nay của Trung Quốc như J-10, J- 20 và J-11 không chỉ mang được tải trọng vũ khí lớn và bay nhanh hơn, mà còn có thể đáp ứng nhu cầu của nhiều nhiệm vụ; đồng thời cũng có một số chức năng tàng hình nhất định.
Do đó, những mẫu máy bay cường kích chuyên dụng như Nam Xương Q-5 không còn quan trọng nữa.
Trên thực tế, là mẫu máy bay chiến đấu cường kích Nam Xương Q-5, chủ yếu được sử dụng để bổ sung khả năng tấn công sâu vào phía sau của Không quân Trung Quốc từ những năm 1970 đến những năm 1990.
|
Ảnh: Máy bay chiến đấu đa năng hạng nhẹ J-10 của Trung Quốc. Nguồn Sina |
Khi Trung Quốc tiếp cận được công nghệ chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ 4 từ Liên Xô/Nga, thì ngay lập tức, những chiếc cường kích Nam Xương Q-5 “hoàn thành nhiệm vụ lịch sử” của nó.
Giả sử nếu Trung Quốc không tiếp cận được công nghệ chế tạo chiến đấu cơ thế hệ 4 của Liên Xô/Nga, thì cường kích Nam Xương Q-5 vẫn tiếp tục tồn tại trong Không quân Trung Quốc và thậm chí còn có những cải tiến mới.
Tiến Minh