Nếu Phó Thủ tướng hứa thì sẽ khác

Google News

(Kiến Thức) - Đối với mỗi kỳ họp, nên chất vấn những vấn đề nổi cộm mà phải do Phó Thủ tướng trả lời cùng với các bộ ngành có liên quan trợ giúp, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đề xuất.

Chất vấn kiểu “xếp hàng”

Thưa ông, danh sách dự kiến các bộ trưởng, trưởng ngành sẽ trả lời chất vấn trong tuần tới là đại diện những lĩnh vực không có quá nhiều bức xúc khiến nhiều người cảm thấy nghi ngại. Những ngành, lĩnh vực đang tồn tại nhiều bức xúc của cử tri, những bất cập nóng bỏng cần được giải trình, thì lại không có trong danh sách chất vấn?

Nói cho công bằng thì bộ nào, ngành nào cũng có những vấn đề bức xúc của nó. Và phải hiểu, những vấn đề bức xúc đó không thể được giải quyết chỉ trong một kỳ họp là 6 tháng. Vì thế mà cách lựa chọn người chất vấn của Quốc hội là để tránh trùng lặp lại những người, những vấn đề đã chất vấn. Đây không phải là vấn đề công bằng hay không, mà là muốn đề cập đến tất cả các vấn đề của đời sống xã hội.

Nhưng rõ ràng điện, nước, xăng dầu hay như chuyện bauxite là những vấn đề đang rất nóng, nó mang hơi thở của thực tế? Chuyện chất vấn kiểu “xếp hàng” kỳ trước trả lời rồi thì kỳ này thôi, sẽ không làm cử tri thấy thuyết phục?

Đó là những vấn đề đang nóng nhưng nó phải đặt lên bàn Quốc hội thành vấn đề chung chứ nó không nằm riêng trên bàn của bộ trưởng nào. Vì bauxite thì cả công thương, giao thông, khoa học công nghệ, môi trường... Hơn nữa, đừng kỳ vọng vấn đề đưa vào chất vấn thì sẽ giải quyết được. Chất vấn của Quốc hội hiện vẫn mang nặng tính cảnh báo, nhắc nhở, thúc đẩy hơn là có thể thay đổi nó. Chất vấn giải quyết vấn đề tâm lý nhiều hơn là vấn đề thực tiễn. 

Thế thì hiệu quả các các phiên chất vấn mà Quốc hội đang thực hiện xem ra chưa xứng với mong muốn của cử tri?

Quốc hội của chúng ta không tổ chức chuyên nghiệp. Ở các nước, việc chất vấn hay điều trần người đứng đầu diễn ra quanh năm, ngay khi có vấn đề xảy ra. Còn chúng ta chỉ có 2 kỳ họp mỗi năm. Mà thời lượng cho chất vấn chỉ có từ 2 ngày đến 2 ngày rưỡi mỗi kỳ. Thế là chỉ khi nào đến kỳ họp, các bộ trưởng và lãnh đạo ngành mới phải trả lời, giải trình các vướng mắc bức xúc của dân. Thế thì tôi xin nói luôn là 10 kỳ họp liên tục cũng không giải quyết được vấn đề giao thông, giáo dục hay y tế. 

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.

Lời hứa của Phó Thủ tướng nặng hơn của Bộ trưởng!

Ông vừa nói hiệu quả chất vấn ở Quốc hội của ta thấp, nhưng rõ ràng các phiên chất vấn luôn là mong mỏi rất lớn của cử tri khi theo dõi các kỳ họp Quốc hội?

Đặc trưng của ta là quản lý theo từng bộ, nhưng các vấn đề của đời sống thì lại không tồn tại theo từng bộ. Mâm cơm của người dân có cả Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công Thương... Cho nên khi chất vấn thì bộ trưởng lại dễ lạng lách sang bộ khác. 

Rõ ràng chính các vị tư lệnh ngành cũng có những cái khó?

Cho nên chất vấn cũng chỉ đơn thuần là đại biểu nêu vấn đề và bộ trưởng giải thích, giải trình chứ hiệu quả rất hạn chế. Nhất là hiệu quả của việc giám sát lời hứa của các bộ trưởng. Những phát biểu đó có đi vào đời sống hay không thì không ai giám sát được.

Tôi tưởng là người dân và các đại biểu Quốc hội luôn giám sát những lời hứa ấy chứ?

Cơ chế này khó có thể biến lời hứa thành hiện thực! Tôi nói rất thật đấy. Ví dụ như Bộ trưởng Bộ GTVT hứa sẽ giảm tai nạn giao thông thì bộ đó lo sửa sang cầu đường, quản lý phương tiện. Còn việc cảnh sát giao thông xử lý thế nào, xây dựng các công trình ra sao thì lại là việc của ngành khác. Rồi về tài chính, không đủ ngân sách để làm. Thế thì làm sao một mình ông ấy có thể làm được. 

Vậy là do cơ chế, chứ không phải do lãnh đạo ngành đó muốn “nuốt lời”?

Hứa là do cái tình huống lúc đó buộc họ phải hứa. Có lẽ ngay trong lúc nói lời hứa đó, họ cũng biết rằng một mình mình không thể thực hiện được. Nhưng nếu Phó thủ tướng hứa thì sẽ khác. Vì vị trí này có thể điều hành các bộ ngành khác để giải quyết các vấn đề nổi cộm gây nhiều bức xúc đó. Ví dụ, ông ấy hứa sẽ giảm tai nạn giao thông thì ngành tài chính sẽ được cung cấp bao nhiêu tiền, xây dựng quy hoạch thế nào, chỉ đạo ngành công an làm gì. Khi đó lời hứa mới có giá trị thực tế.

Việc các bộ trưởng không giữ được lời hứa thì ông là một đại biểu Quốc hội, ông cũng có trách nhiệm của mình trong đó?

Ở góc độ là một đại biểu Quốc hội, tôi cũng rất chia sẻ với các bộ trưởng. Có thể vì hứa mà phải cố gắng làm tốt hơn lĩnh vực của mình, nhưng làm gì có vấn đề nào mà chỉ một ngành có thể giải quyết được.

Và bởi thế mà đến kỳ họp sau, sau nữa, những bức xúc cũ của cử tri luôn mới?

Làm sao mà 6 tháng có thể làm nên được điều gì. Rất khó có thể xoay chuyển được vì nó là sự phức hợp của nhiều ngành tham gia. Những vấn đề nóng của xã hội thì một mình bộ trưởng không giải quyết được. Cho nên việc sắp xếp đồng đều người trả lời cũng có cái lý của nó. Vì không có lĩnh vực nào là không có những tồn tại cả. 

Sự đối phó “xuân thu nhị kỳ”

Làm thế nào để thay đổi cách chất vấn cho có hiệu quả thưa ông?

Quan niệm của tôi, đã đến lúc phải thay đổi cách chất vấn. Chất vấn với bộ trưởng chỉ nên thực hiện vào giữa hai kỳ họp hoặc bất cứ lúc nào có vấn đề nảy sinh, cần thiết phải có câu trả lời cho dư luận. Còn đối với mỗi kỳ họp, nên chất vấn những vấn đề nổi cộm mà phải do Phó Thủ tướng trả lời cùng với các bộ ngành có liên quan trợ giúp. 

Nhưng một mình Phó Thủ tướng liệu có kham nổi trong khi thực tế thì có biết bao vấn đề cần giải đáp?

Tôi cho rằng với thời gian hiếm hoi, ít ỏi của mỗi kỳ họp thì ta nên đặt các vấn đề này với một Phó Thủ tướng phụ trách mảng đó đứng ra trả lời. Còn việc chất vấn bộ trưởng thì nên thực hiện thường xuyên, không cứ phải vào kỳ họp mới chất vấn. 

Như ông nói thì việc chất vấn các bộ trưởng nên thực hiện thường xuyên, có vấn đề là phải chất vấn?

Đúng, phải tăng cường chất vấn các bộ trưởng giữa hai kỳ họp. Ví dụ như xảy ra ngộ độc thực phẩm thì phải chất vấn ngay Bộ trưởng Bộ Y tế. Làm như thế thì việc chất vấn mới đạt hiệu quả. Còn không thì việc chất vấn như hiện nay tạo ra sự đối phó “xuân thu nhị kỳ”. Các vị ấy cũng nói chỉ để nói mà thôi. 

Việc nêu các câu hỏi chất vấn hiện nay. Tôi thấy các đại biểu khá thẳng thắn, dám nói, dám nhìn nhận đúng thực tế để nêu câu hỏi. Là một đại biểu, ông thấy việc chất vấn thẳng vào tồn tại yếu kém của một ngành là khó hay dễ?

Đại biểu Quốc hội nói dễ lắm, chất vấn dễ lắm, tìm câu hỏi hóc búa dễ lắm. Nhưng hiệu quả thế nào? Giữ cách chất vấn như hiện nay thì hiệu quả sẽ rất hạn chế. Tôi nghĩ Quốc hội phải thay đổi dần.

Ông có dự định sẽ chất vấn bộ trưởng nào trong phiên sắp tới?

Tôi không bao giờ dự định cả. Sát ngày đó tôi sẽ quyết định chất vấn cái gì. Nếu không kịp thì tôi có thể chất vấn bằng văn bản đến bộ ngành đó. 

Xin cảm ơn ông!

Danh sách 5 vị Bộ trưởng, trưởng ngành dự kiến sẽ trả lời chất vấn trực tiếp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi xin ý kiến các ĐBQH. Các ĐB được đề nghị chọn 4 trong số 5 vị này để chất vấn trực tiếp tại hội trường. Theo danh sách dự kiến này, những người sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội là Bộ trưởng các Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Thông tin & Truyền thông, cùng Viện trưởng VKSND Tối cao. Các đại biểu được đề nghị chọn 4 trong số 5 vị này để chất vấn trực tiếp tại hội trường trong hai ngày 13 và 14/6/2013.

BÀI LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU

Tô Hội (Thực hiện)