Hai trẻ bị nước cuốn ở Bình Dương: Trách nhiệm thuộc về ai?

Google News

(Kiến Thức)- Sau cơn mưa chiều 6/9 tại Bình Dương, 2 bé trai đã bị cuốn trôi xuống cống và chết. Vậy trách nhiệm thuộc về ai, đơn vị nào?

Chỉ sau cơn mưa vào chiều 6/9, tại địa bàn tỉnh Bình Dương đã xảy ra 2 vụ tai nạn thương tâm: hai bé trai bị chết đuối sau khi bị nước cuốn trôi xuống cống. Sự việc xảy ra rất nghiêm trọng nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa thể xác định được trách nhiệm thuộc về đơn vị nào?
Hai bé trai chết vì nắp cống?

Ngày 8/9, UBND thị xã Tân Uyên vừa có văn bản báo cáo ban đầu với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương về vụ bé Lê Văn Mạnh (7 tuổi, học lớp 2, trường Tân Hiệp) thiệt mạng vì bị nước cuốn xuống cống vào chiều 6/9. Cụ thể, vào khoảng 16h30 chiều 6/9, sau khi tan học, chiếc xe đưa đón học sinh của Trường tiểu học Tân Hiệp (Tân Uyên - Bình Dương) chở các em về, khi xe đi qua khu vực đường ĐH409 (thuộc khu phố Bà Tri, P.Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên) thì bị chết máy phải dừng lại.

Trong khi tài xế đang sửa xe, một vài em đã xuống xe. Do không quan sát khi bước xuống, cháu Lê Văn Mạnh bị nước cuốn trôi lúc nào không hay. Nghe các học sinh tri hô, tài xế và người dân đã báo công an và tìm kiếm cháu Mạnh. Tuy nhiên, do dòng nước chảy xiết, cháu Mạnh bị nước cuốn trôi từ miệng cống bên này sang miệng cống bên kia và đã tử vong. Đến khoảng 19h tối cùng ngày, thi thể của bé Mạnh mới được tìm thấy.

Qua khảo sát thực tế, cống nước trên đường ĐH409 (thuộc khu phố Bà Tri, P.Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên), nơi bé Mạnh bị cuốn vào, không hề có nắp che đậy hay bất cứ rào chắn nào. “Hễ trời  đổ mưa to là nước  lại dâng cao và chảy rất xiết, hệ thống cống không kịp thoát, chúng tôi ở đây lâu rồi nên rõ từng vị trí của miệng cống, còn người lạ từ nơi khác đến khó mà phát hiện ra", anh Tiến, một người dân địa phương, cho biết.

 Cống nước trên đường ĐH409 (thuộc khu phố Bà Tri, P.Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên), nơi bé Mạnh bị cuốn vào không hề có nắp che đậy hay bất cứ rào chắn nào.

Cũng trong chiều 6/9, tại khu vực  đường 22/12 (khu phố Hoà Lân 2, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) xảy ra vụ việc bé bé La Văn Tỷ (9 tuổi, quê An Giang) bị nước cuốn xuống cống mất tích trong lúc tắm mưa cùng bạn tại khu vực này.

Sau 3 ngày nỗ lực tìm kiếm, với một lực lượng hùng hậu gồm hai máy bơm công suất lớn, máy hút bùn, lính cứu hộ, thợ lặn cùng hàng trăm người của các lực lượng để phục  vụ cho công tác tìm kiếm, tới 0h sáng 9/9, thi thể bé La Văn Tỷ mới được tìm thấy ở đoạn cuối của cống nước, cách nơi rơi xuống gần 1km.

 

Sau hơn 3 ngày nỗ lực tìm kiếm, thi thể bé Tỷ mới được tìm thấy.  

Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương, công trình thoát nước trên các tuyến đường đều được giao cho các Xí nghiệp Công trình công cộng tại địa phương quản lý. Việc kiểm tra các hư hỏng của công trình thuộc trách nhiệm những đơn vị này.

Về cái chết thương tâm của bé Lê Văn Mạnh tại cống thoát nước trên đường ĐH409, ông Trần Văn Nam, Phó chủ tịch tỉnh Bình Dương, cho biết đã yêu cầu UBND thị xã Tân Uyên báo cáo, làm rõ trách nhiệm của những đơn vị liên quan. Bên cạnh đó, tỉnh cũng yêu cầu khẩn trương có giải pháp xử lý các miệng cống “tử thần” để tránh gây tai nạn đáng tiếc cho người dân.

Nhiều người dân sống tại khu phố Hoà Lân 2, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An phản ánh, cứ trời mưa là đoạn đường nơi bé Tỷ bị nước cuốn xuống cống lại biến thành “biển nước”, các nắp cống bằng bê tông đã khá cũ và đang trong tình trạng xuống cấp. Khi mưa lớn, nước chảy mạnh là có thể đẩy tung nắp đậy ra ngoài.

 

Cứ trời mưa là đoạn đường nơi bé Tỷ bị nước cuốn xuống cống lại biến thành “biển nước”, nước chảy mạnh là có thể đẩy tung nắp cống.

Trước phản ánh của người dân, đại diện Phòng Quản lý đô thị thị xã Thuận An cho rằng các nắp cống có hư thì mới thay; hiện tại các nắp này còn rất tốt, do cơn mưa ngày 6/9 quá lớn nên nắp cống này mới bị lực nước đẩy bung.

Lý giải thêm về vấn đề này, Chủ tịch UBND phường Thuận Giao, ông Nguyễn Văn Trung, cho rằng, từ đoạn cống nơi xảy ra vụ nước cuốn bé trai 9 tuổi đến khu vực Bình Giao dài hơn một km, đến đoạn tiếp giáp với khu công nghiệp VSIP I thì bị ách lại. Hệ thống cống này là dự án thoát nước trên tuyến đường 22/12 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương (Sở NN-PTNT) làm chủ đầu tư và đã được triển khai từ năm 2013. Đến nay dự án đang bị ngưng lại do thiếu kinh phí và đang chờ HĐND tỉnh thông qua. Nếu hệ thống thoát nước này hoàn thiện nó sẽ kết nối với suối Đờn qua rạch Chòm Sao, từ đó thoát nước ra sông Sài Gòn.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở NN - PTNT Bình Dương lại cho rằng đơn vị đầu tư, quản lý hệ thống thoát nước trên đường 22/12 thuộc trách nhiệm của UBND thị xã Thuận An. Còn Sở chỉ quản lý hệ thống thoát nước tiếp nối với tuyến đường và khu vực lân cận.

 

Phần cuối của hệ thống thoát nước, có cả nhánh từ đường 22/12 đổ về đây đang "trùm mền". 

“Một trong những lý do khiến nước tại đường 22/12 thoát chậm do có rất nhiều bùn và rác làm tắc nghẽn dòng chảy. Trách nhiệm quản lý hệ thống tuyến đường 22/12 thuộc thị xã Thuận An. Lý do dự án trục thoát nước Chòm Sao - Suối Đờn chưa hoàn thành  là do đã được triển khai từ năm 2012 tới nay, nhưng còn vướng một số vị trí giải phóng mặt bằng nên chưa thể hoàn thành được”. Ông Lê Cảnh Dần, Phó giám đốc Sở NN&PTNT đồng thời là trưởng ban quản lý dự án trục thoát nước Chòm Sao - Suối Đờn cho biết.
Trả lời câu hỏi của PV về việc có thông tin nhiều nắp cống trên tuyến đường 22/12 bị mất, hở hoặc hư hỏng, Ông Đỗ Thành Tâm, Bí thư Thị ủy Thuận An, khẳng định hệ thống thoát nước của tuyến đường 22/12 được đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh. 
Thiên Dũng