ASEAN và chuyện ’quốc tế hóa’ Biển Đông

Google News

Giờ là thời điểm để ASEAN "lột xác" nếu không muốn tiếp tục giam hãm trong sa mạc của chính mình.

Giờ là thời điểm để ASEAN "lột xác" nếu không muốn tiếp tục giam hãm trong sa mạc của chính mình.

Sau việc nhiều nước ASEAN phản ứng trước tuyên bố về sự đồng thuận ASEAN trong việc ’không quốc tế hóa Biển Đông’ từ nước chủ tịch Campuchia, giờ là thời điểm để ASEAN "lột xác" nếu không muốn tiếp tục giam hãm trong sa mạc của chính mình.

Muốn "quốc tế hóa"

"Chúng ta đồng tình với quan điểm chung của ASEAN về vấn đề Biển Đông...; ủng hộ các bên liên quan thực hiện đầy đủ và hiệu quả bản Tuyên bố về ứng xử / DOC, Tuyên bố về Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông và sớm xây dựng bộ Quy tắc ứng xử / COC; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển của LHQ 1982 (UNCLOS), trong đó có các quy định của Công ước về tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển".

Trên đây là trích lược nội dung trả lời báo chí Việt Nam của bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, phần nói về Biển Đông, nhân dịp kết thúc hội nghị thượng đỉnh ASEAN21 và các cấp cao liên quan (EAS7...). Để khẳng định rõ hơn lập trường của Việt Nam ủng hộ chủ trương "quốc tế hóa" vấn đề Biển Đông, ngoại trưởng Việt Nam đã diễn ngôn một cách nôm na với phóng viên quốc tế, nhưng dứt khoát đến độ không thể nhầm lẫn: "Không, làm gì có chuyện "không quốc tế hóa"! Chẳng có vấn đề đó! Việt Nam muốn "quốc tế hóa" vấn đề Biển Đông".

Ông Minh còn giải thích thêm: chủ quyền lãnh hải liên quan đến 4 nước ASEAN - Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei - tranh chấp với Trung Quốc là một mối quan tâm quốc tế và lợi ích quốc tế, vì đang có những lo ngại về tự do hàng hải và duy trì ổn định trong khu vực. Nhật báo "The Cambodia Daily" ngày 21/11 trích thuật lại như thế! Nhật báo này còn dẫn nguyên văn lời Ngoại trưởng Minh: "Thứ nhất là tranh chấp lãnh thổ, thứ hai là hòa bình và ổn định trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng nếu có bất cứ chuyện gì xảy ra trên Biển Ðông và thứ ba là các tuyến giao thông hàng hải. Nếu nhìn vào chừng ấy bối cảnh, chúng ta có thể nhận thấy bản thân Biển Đông đã là một vấn đề quốc tế".

Ngày 22/11, người phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết thêm, Hà Nội đã được Philippines thông báo về cuộc gặp tháng tới, hiện nay đang chờ thư mời chính thức để thống nhất về cách thức tổ chức và nội dung cụ thể.

Phát ngôn viên Lương Thanh Nghị nói: "Việc tham khảo giữa các nước ASEAN về vấn đề Biển Đông là việc làm bình thường và thường xuyên để thúc đẩy việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông cũng như để thúc đẩy việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế..."

Bộ Ngoại giao Việt Nam mới đây đã gặp Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối việc Trung Quốc cho in hình đường "lưỡi bò" lên hộ chiếu điện tử kiểu mới. Theo giới ngiên cứu, khi Trung Quốc quyết định in bản đồ gọi là "đường lưỡi bò" lên hộ chiếu phổ thông thì đây là một thách thức rất lớn đối với tất cả những ai quan tâm, những ai có tiếng nói, những ai có quyền lợi trong tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Thêm một bằng chứng mới, nghiêm trọng nữa cho thấy, nhà nước Trung Quốc luôn luôn ru ngủ công dân họ bằng những luận điệu tuyên truyền, chứng cớ ngụy tạo. Chính bằng những cách này, họ đã thuyết phục được công dân của họ chủ quyền ở Biển Hoa Đông, Biển Đông.
Bộ ngoại giao Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ những nội dung sai trái in trên hộ chiếu phổ thông điện tử nói trên. Thâm ý của Bắc Kinh là khi công dân Trung Quốc sử dụng hộ chiếu in hình bản đồ đường đứt khúc chính đoạn chiếm phần lớn Biển Đông ra nước ngoài, nếu các nước sở tại đóng dấu xuất nhập cảnh thì có thể được xem là chấp nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Nếu không chấp nhận, thì dựa trên lý do nào mà từ chối xuấ̉t nhập cảnh đối với công dân Trung Quố́c?

Áp đặt quan điểm?


Theo ghi nhận của hãng Chanel News Asia (Singapore), Philippines là quốc gia đầu tiên phủ nhận kết luận sai sự thật của nước chủ nhà Campuchia khi đơn phương tuyên bố rằng, cả 10 thành viên ASEAN từ nay sẽ không quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Sau Philippines, các nước Việt Nam, Brunei, Indonesia và Singapore cũng lần lượt thông báo cho Campuchia biết rõ lập trường của mình. Đối với truyền thông quốc tế, tiến trình thảo luận trong những ngày qua tại ASEAN đã cho thấy Campuchia một lần nữa lại lợi dụng vai trò chủ tịch để áp đặt các quan điểm của Trung Quốc về Biển Đông lên các thành viên trong hiệp hội.

Các nước có tranh chấp biển Đông đã phản đối Campuchia, nước Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 21 đã "đi đêm" với Trung Quốc, ngăn cản việc đàm phán sâu rộng và đem vấn đề tranh chấp ra quốc tế. Cuộc đấu tranh giữa hai quan điểm khác biệt được thể hiện khá quyết liệt trong thời gian có các hội nghị cấp cao. Các đoàn đều tự mình tìm đến truyền thông để nói lên quan điểm đúng đắn và bảo vệ lợi ích quốc gia của mình. Ngay khi EAS7 đang họp kín, Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario đã mang một bản tuyên bố ra khỏi phòng họp tìm đến phóng viên báo chí.

Trong tuyên bố này, Tổng thống Aquino đã kêu gọi tất cả các nước tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông hãy cùng nhau bắt đầu thảo luận làm rõ quan điểm về hàng hải và giải quyết tranh chấp hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. Philippines kêu gọi tất cả các bên tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của tất cả các quốc gia ven biển, không phân biệt quy mô hoặc sức mạnh hải quân. Kêu gọi các nước tôn trọng và thực hiện luật biển năm 1982 và các Công ước quốc tế, phản bác việc Campuchia tuyên bố rằng các thành viên của ASEAN đã thống nhất "không quốc tế hóa" vấn đề biển Đông.

Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa, mặc dù có nhiều bất đồng sau khi Phnom Penh "đồng thuận riêng" với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, vẫn đánh giá ASEAN21 kết thúc thành công, đặc biệt là đạt được một số thỏa thuận thương mại tự do. Ông Natalegawa dường như muốn hạ thấp bớt sự bất đồng giữa Campuchia với Việt Nam và Philippines. Ngoại trưởng Natalegawa cho biết: "Chúng tôi đã đề cập rất nhiều về COC. Các nước như Mỹ đã có thể nói trực tiếp hay gián tiếp tại Hội nghị về vấn đề tranh chấp biển Đông và tự do hàng hải. Ngoài ra, lãnh đạo các nước cũng đề cập nhiều đến ngoại giao và thương mại".

Tương quan trong Hiệp hội

Chuyên gia hàng đầu về Đông Nam Á David Brown tham dự hội thảo quốc tế lần thứ tư về Biển Đông tại thành phố Hồ Chí Minh (từ 19-21/11) đã bày tỏ sự thất vọng, vì một lần nữa cho thấy ASEAN không có khả năng kiến tạo được một nền tảng cho đối thoại mang tính xây dựng. Theo ông Brown, nhiều người hiểu được mong ước của ASEAN là muốn giữ được vai trò trung tâm, nhưng cản trở lớn nhấn chính là cách hành xử không hợp lý của Trung Quốc. Đã đến lúc ASEAN nên ngồi lại với nhau, sử dụng luật quốc tế để giải quyết các vấn đề về chủ quyền và hàng hải giữa họ với nhau, rồi sau đó cùng nhau làm việc với Trung Quốc trên cơ sở vững chắc ấy.

Ông Brown kết luận: "Nói về khẳng định của ASEAN rằng khối này đóng vai trò trung tâm trong việc điều hòa các vấn đề an ninh khu vực thì vai trò chủ tịch của Campuchia trong năm nay đã thực sự là một thảm họa. Đó không phải chỉ bởi nước này là công cụ của Trung Quốc trong nhóm. Ngay cả các quy định nội bộ của ASEAN là khối phải đạt được sự đồng thuận tối thiểu cho một vấn đề nào đấy cũng đã không thành công".

Theo một trong phân tích mới đây nhất của ông Brown, cơ chế hoạt động dựa trên nguyên tắc đồng thuận và đối thoại không đối đầu của ASEAN lại là một lỗ hổng chết người trong trường hợp này. Bốn trong mười quốc gia thành viên - Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar - một mực đặt ưu tiên cho việc duy trì mối quan hệ song phương nồng ấm với Trung Quốc lên trên sự thống nhất của khối ASEAN. Bởi sự chia rẽ nội bộ này, các thành viên ASEAN đã phải hội đàm không ngưng nghỉ, nhằm đi đến một kế hoạch khung có khả năng đáp ứng các đòi hỏi của Bắc Kinh ở mức tối thiểu.

Trong khi đó, bốn trong mười nước ASEAN khác - Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei đang trực tiếp ở tuyến đầu của cuộc tranh chấp. Các nước này đều tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ hoặc một phần quần đảo Trường Sa, bao gồm một loạt rặng san hô, bãi đá và các hòn đảo nhỏ nằm rải rác khắp khu vực phía nam của Biển Đông. Việc kiểm soát các hòn đảo và bãi đá này lại dẫn đến các tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển xung quanh. Ngoài ra, hai nước Việt Nam và Philippines còn tuyên bố chủ quyền đối với một số đảo nhỏ và rặng san hô nằm về phía bắc quần đảo, gần về phía Trung Quốc.

Malaysia và Brunei thường thì giữ thái độ mềm mỏng. Hai nước này đã tự phân định tranh chấp với nhau và với Việt Nam, dựa trên các nội dung quy định trong Công ước Quốc tế về UNCLOS và theo tập quán quốc tế. Cả hai nước để mặc Việt Nam và Philippines tự bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của mình ở khu vực phía bắc Biển Đông. Mặc dù không phải là nước cờ cao thượng, nhưng cả Kuala Lumpur và Bandar Seri Begawan đều có vẻ hy vọng, tham vọng bành trướng của Trung Quốc sẽ được thỏa mãn trước khi nó lan tới vùng biển mà hai nước này tuyên bố chủ quyền, bất chấp ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy điều ngược lại.

"Con đường ASEAN" trước khúc quanh?

Indonesia và Singapore cũng có chung lợi ích trong việc ngăn Trung Quốc theo đuổi các tuyên bố chủ quyền bành trướng của họ. Vùng biển nằm trong đường chín đoạn gây tranh cãi của Trung Quốc chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở gần quần đảo Natuna. Jakarta và Singapore cho đến nay đã nổi lên như là hai nước hậu thuẫn chính cho một "giải pháp ASEAN", trong đó Singapore, như thường lệ, công khai chấp nhận vai trò lãnh đạo của Indonesia.

Mặc dù tuyên bố sẵn sàng đàm phán tranh chấp song phương với từng nước, nhưng Trung Quốc chẳng mảy may từ bỏ tuyên bố về quyền chủ quyền lịch sử của mình đối với vùng biển nằm trong đường chín đoạn. Như vậy, Bắc Kinh đang khẳng định quyền sở hữu đối với các nguồn tài nguyên biển nằm trong khu vực chiếm hơn 85% diện tích Biển Đông, bất chấp quy định của Công ước rằng tất cả các quốc gia có đặc quyền về kinh tế đối với phạm vi vùng biển cách bờ của họ 200 hải lý, hoặc xa hơn nếu thềm lục địa của họ rộng hơn, trừ khi nó tiếp giáp với vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia khác.

Tuy nhiên, vẫn theo quan điểm của chuyên gia Brown, bất kỳ cơ chế giám sát, quản lý khu vực Biển Đông nào muốn thành công đều phải đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng tới các nguồn tài nguyên biển cho các doanh nghiệp của Trung Quốc. Các nước quanh vùng phải tạo điều kiện cho các dự án đầu tư và hợp tác của Trung Quốc, bao gồm cả việc cấp phép cho các công ty Trung Quốc khai thác các nguồn tài nguyên hyđrôcácbon. Việc đánh bắt hải sản có thể được các bên cùng quản lý và thực hiện một cách bền vững, trong khi tổ chức các cuộc tuần tra chung để bảo đảm rằng các quy định được tuân thủ nghiêm túc.

Có thể sẽ có người phản đối kịch bản này với lý lẽ nó có thể làm đổ vỡ các nguyên tắc về tổ chức và thông lệ về lãnh đạo vốn là hiện thân cho thứ được gọi là "con đường ASEAN". Nhưng trong trường hợp này, chúng ta cần thừa nhận rằng ASEAN không thể giải quyết vấn đề dựa trên nguyên tắc đồng thuận. Nhìn vào thực tế đó, trong bối cảnh các tranh chấp đang ngày một leo thang, chúng ta có thể thấy được rằng, việc một mực cố gắng duy trì "con đường ASEAN" theo cách cũ chỉ càng làm giảm uy tín và hiệu quả của tổ chức mười nước này mà thôi.

Theo VietnamWeek