Theo đại tá Goita, ông không hề được tham vấn về việc cải tổ nội các. "Hành động này của tổng thống và thủ tướng lâm thời rõ ràng phá vỡ hiến chương giai đoạn chuyển tiếp. Đó là sự cố ý phá hoại quá trình chuyển tiếp", ông Goita nói.
Đại tá Goita cũng khẳng định bầu cử sẽ được tổ chức vào năm 2022 theo đúng kế hoạch, Reuters đưa tin ngày 25/5.
Một ngày trước, quân đội bắt tổng thống và thủ tướng lâm thời của Mali, lần lượt là các ông Bah Ndaw và Moctar Ouane, và đưa họ đến một căn cứ quân sự ở Kati, ngoại ô thủ đô Bamako.
Vụ bắt giữ diễn ra sau khi chính phủ lâm thời Mali dự định cải tổ. Kế hoạch này gây tranh cãi giữa nội bộ các lãnh đạo trong cuộc đảo chính hồi năm ngoái.
Sau cuộc đảo chính năm 2020 ở Mali, các lãnh đạo quân sự khi đó muốn nắm quyền trong chính phủ lâm thời và giám sát 18 tháng chuyển tiếp sang chính quyền dân sự.
Tuy nhiên, Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (Ecowas) - bên trung gian trong thỏa thuận chuyển tiếp - khăng khăng muốn một nhà lãnh đạo dân sự.
Dù chính phủ lâm thời hình thành, đại tá Goita vẫn là nhân vật nắm thực quyền ở Mali.
|
Đại tá Assimi Goita, phó tổng thống lâm thời Mali, dẫn đầu cuộc đảo chính tại Mali vào tháng 8/2020. Ảnh: AFP. |
Căng thẳng phát sinh sau khi chính phủ lâm thời vẫn chưa giải quyết được các lời hứa về cải thiện tình hình kinh tế sau 9 tháng.
Trong khi đó, biểu tình của một nghiệp đoàn chính ở Mali nay đã bước sang tuần thứ hai, đe dọa gây tê liệt nền kinh tế.
Đại tá Goita không phải là người duy nhất bất mãn với kế hoạch cải tổ nội các.
Một phe chính trong cuộc biểu tình năm ngoái, M5 RFP, cũng tức tối vì cho rằng họ không được tưởng thưởng xứng đáng, và không được trao ghế bộ trưởng nào trong chính quyền mới.
Cuộc đảo chính mới này ngay lập tức vấp phải chỉ trích của nhiều quốc gia.
Khi bị bắt, Tổng thống Bah Ndaw và Thủ tướng Moctar Ouane đứng đầu chính phủ lâm thời, vốn được thành lập sau cuộc đảo chính quân sự vào tháng 8/2020. Cuộc đảo chính lật đổ chính quyền cựu Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Kaita.
Tổng thống Bah Ndaw và Thủ tướng Moctar Ouane có trách nhiệm giám sát quá trình chuyển tiếp cho tới khi bầu cử dân chủ được tổ chức.
Vụ quân đội bắt các nhà lãnh đạo lâm thời càng gây thêm bất ổn cho Mali, trong khi quốc gia Tây Phi này vẫn phải chống chọi với các nhóm Hồi giáo cực đoan có liên hệ với al Qaeda và Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Theo Quốc Đạt/Zingnews.vn