Tới 4h35 sáng 6/7 (giờ Việt Nam), hơn 9 triệu phiếu trong
cuộc trưng cầu dân ý ở Hy Lạp đã được kiểm (tương đương 92,5%), trong đó có 61,28% nói "Không" với yêu cầu khắc khổ của các chủ nợ quốc tế.
Với kết quả này, Hy Lạp sẽ không chấp nhận các điều kiện thắt lưng buộc bụng mà các chủ nợ châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra kèm gói cứu trợ mới. Và như vậy, Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras sẽ tham gia vào các cuộc đàm phán sắp tới về việc giãn nợ với những chủ cho vay. Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis cũng không cần thực hiện cam kết từ chức, mà ông đưa ra một khi phe "Có" giành chiến thắng.
|
Cử tri ủng hộ việc bỏ phiếu "không" ăn mừng chiến thắng. (Ảnh: Getty) |
Phát biểu trên Greek TV, Thủ tướng Tsipras tuyên bố, "hôm nay, chúng ta tôn vinh chiến thắng của dân chủ, và ngày mai, cùng nhau, chúng ta sẽ tiếp tục nỗ lực thoát ra khỏi khủng hoảng này với sự tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân". Trong khi đó, lãnh đạo đối lập trung tả Antonis Samaras đã từ chức. Ông Samaras từng giữ chức thủ tướng cho tới tháng 1 năm nay. Ông là lãnh đạo phe kêu gọi cử tri Hy Lạp bỏ phiếu "Có".
Trước đó, tại cuộc họp báo sau khi hơn 6 triệu phiếu được kiểm với kết quả "Không" đang áp đảo, Bộ trưởng Tài chính Varoufakis đã lên tiếng bày tỏ hy vọng được tái khởi động các cuộc đàm phán với những chủ nợ.
Nhóm đàm phán của Hy Lạp sẽ quay lại Brussels (Bỉ) trong 6/7. Trên Greek TV, Thứ trưởng Ngoại giao Euclid Tsakalotos nói, "chúng tôi sẽ thương lượng một giải pháp khả thi về mặt tài chính". Trả lời câu hỏi liệu có thể đạt thỏa thuận trong 48 giờ tới không, ông nói hiện có hai điểm mới quan trọng có thể đảo ngược tình thế, đó là chính phủ đã được tin tưởng hơn và báo cáo mới nhất của IMF cho thấy nợ của Hy Lạp không bền vững.
Dự kiến trong ngày 6/7, Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ tổ chức họp. Trong khi theo các hãng tin quốc tế, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đang muốn thúc đẩy tổ chức hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp các quốc gia thành viên trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu tại thủ đô Berlin của Đức vào ngày 7/7, để bàn về vấn đề Hy Lạp.
Nền kinh tế Hy Lạp đã thực sự trượt dài, với việc các cửa hàng cạn kiệt nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm và thuốc men, trong khi ngành du lịch phải đương đầu với tình trạng hủy, hoãn chuyến phổ biến. Các ngân hàng của Hy Lạp mới đây tuyên bố chỉ còn có 1 tỷ Euro tiền mặt, thanh khoản ở mức báo động và nguy cơ cạn kiệt tiền mặt ở mức cao do người dân liên tục rút tiền từ các máy ATM.
Nhiều chuyên gia trước đó cho rằng, một kết quả "Không" trong cuộc trưng cầu này sẽ khiến tình hình Hy Lạp thêm tồi tệ, bởi nó sẽ đồng nghĩa với việc các ngân hàng phá sản, số nợ ngày càng phình to theo thời gian và biến động tỷ giá, Hy Lạp phải rời khỏi Khu vực đồng Euro (Eurozone), trong khi kinh tế đình đốn, FDI suy giảm do nội tệ drachma sẽ mất giá 35-40% không lâu sau khi được lưu hành trở lại trên thị trường.
Trong một loạt những nguy cơ đi kèm với kết quả "Không" thì việc Hy Lạp phải rời khỏi Eurozone được xem là nguy hiểm và đáng quan tâm nhất, bởi sự tác động của sự kiện này với toàn "mái nhà chung châu Âu". Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier từng đưa ra cảnh báo cho rằng, việc Hy Lạp phải rời Eurozone sẽ gây ra hậu quả "khủng khiếp", làm mất sự tín nhiệm cũng như uy tín của châu Âu với thế giới.
Ngược lại, một kết quả "Có" trong cuộc trưng cầu dân ý sẽ đồng nghĩa với việc các ngân hàng tiếp tục mở cửa và tạo cơ sở cho một thỏa thuận vay-cho vay mới dựa trên tình hình thực trạng của Hy Lạp, cũng như bao gồm việc tái cơ cấu các khoản nợ vốn đã kém bền vững. Nói một cách khác, kết quả "Có" được nhiều chuyên gia cho là "ánh sáng cuối đường hầm" của nền kinh tế Hy Lạp trong thời điểm này.
Chưa hết, nếu kết quả "Có" chiếm ưu thế, Chính phủ của đảng Syriza nhiều khả năng sẽ phải ra đi và Hy Lạp sẽ phải tìm cách lập chính phủ mới. Đây cũng chính là kịch bản mà nhiều quốc gia thành viên trong Liên minh châu Âu đang mong muốn đạt được, bởi những cuộc đàm phán trước đó với chính quyền Hy Lạp hiện tại đã khiến họ trở nên quá mệt mỏi.
Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras cho rằng, việc người dân ủng hộ "Không" với chính sách thắt lưng buộc bụng mà các chủ nợ đang đòi hỏi trước khi cung cấp khoản vay mới, là điều kiện quan trọng để ông Tsipras có được một vị trí thương lượng tốt hơn, có tính chính danh hơn trong việc đàm phán giãn nợ với các chủ cho vay.
Trên thực tế, các chủ nợ cũng đã có những dấu hiệu nhượng bộ ngay từ trước khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra. Bộ trưởng tài chính các nước châu Âu cho biết có thể phải bàn bạc thêm về một gói cứu trợ thứ 3 cho Hy Lạp ngay cả khi người dân nước này bỏ phiếu chống. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk thì nhận định, khu vực này có thể sẽ phải làm quen với viễn cảnh Hy Lạp vỡ nợ nhưng vẫn ở lại Eurozone.
Trả lời phỏng vấn mới đây trên nhật báo Il Messaggero, Thủ tướng Italy Matteo Renzi cũng cho rằng, bất kể kết quả trưng cầu thế nào thì châu Âu vẫn phải đàm phán lại. Ông còn cho rằng, kể cả nếu phần đông cử tri Hy Lạp bỏ phiếu "Không" trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 5/7, thì Athens cũng sẽ không ra khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu như những dự đoán trước đó, và sẽ còn có nhiều vấn đề để đàm phán lại.
Tuy nhiên, theo các nhà quan sát ở châu Âu, kể cả khi số người bỏ phiếu "Không" vượt trội hơn, thì khả năng Hy Lạp đạt được thỏa thuận tốt hơn so với trước cũng chưa chắc đã cao như mong đợi, bởi một khi các chủ nợ không còn đủ kiên nhẫn với sự cương quyết của Chính phủ Hy Lạp thì việc chấp nhận để Hy Lạp rời khỏi Eurozone sẽ trở nên dễ dàng hơn, bất kể việc này có thể tác động khó lường tới tương lai của châu Âu.
Theo Thanh Vân/Vietnamnet