Dịch COVID-19 tác động ra sao đến quan hệ của Trung Quốc với thế giới?

Google News

Sự bùng phát dịch COVID-19 có thể định hình lại mối quan hệ của Trung Quốc với thế giới bên ngoài trên nhiều lĩnh vực.

Virus và dịch bệnh có thể bắt nguồn từ một quốc gia, nhưng chúng không có “quốc tịch hay sự trung thành”. Thay vì ở lại vĩnh viễn tại nơi phát sinh, chúng phát triển và lan rộng từ vùng này đến vùng khác. Toàn cầu hóa ở một mức độ nào đó sẽ khiến sự lây lan của virus ngày càng nhanh hơn. Đây là lý do vì sao virus corona mới (COVID-19) có nguồn gốc từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc lại gây ra nỗi khiếp sợ trên toàn thế giới. Hiện nay, nhiều quốc gia đang có cùng mối lo ngại với Trung Quốc, về mạng sống con người về thiệt hại kinh tế, xã hội.
Trong bài viết đăng trên tờ Bưu điện Hoa nam buổi sáng (SCMP) với tiêu đề: “6 cách cuộc khủng hoảng virus corona sẽ làm thay đổi quan hệ của Trung Quốc với thế giới”, cây bút Cary Huang cho rằng dịch COVID-19 có thể định hình lại mối quan hệ của Trung Quốc với thế giới bên ngoài trên nhiều lĩnh vực.
Dich COVID-19 tac dong ra sao den quan he cua Trung Quoc voi the gioi?
Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ đi kiểm tra từng ngôi nhà ở quận Giang Hán, thành phố Vũ Hán hôm 17/2. (Ảnh: China Daily).
Ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực
Lĩnh vực đầu tiên phải kể đến là nền kinh tế thế giới. Kinh tế thế giơi sẽ bị tổn thất do sự gián đoạn đáng kể các hoạt động thương mại và sản xuất tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc cũng như các biện pháp hạn chế đi lại trên toàn cầu. Sự suy giảm mạnh của kinh tế Trung Quốc – vốn được coi là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, sẽ khiến kinh tế thế giới bị chững lại. Ngân hàng thế giới ước tính dịch cúm nghiêm trọng có thể gây thiệt hại về kinh tế lên tới khoảng 5% GDP toàn cầu, tương đương 3.000 tỷ USD. Ở mức độ nhẹ hơn có thể làm giảm 0,5% GDP toàn cầu.
Tiếp đến là sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Là nhà sản xuất lớn nhất thế giới, Trung Quốc đóng vai trò thiết yếu đối với gần như mọi lĩnh vực của kinh tế toàn cầu, đóng góp khoảng 30% giá trị gia tăng toàn cầu trong sản xuất hàng hóa. Do vậy, sự gián đoạn sản xuất tại các nhà máy ở Trung Quốc sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn cung, gây gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn cầu.
Thứ 3, dịch COVID-19 bùng phát có thể gây cản trở các hoạt động ngoại giao của Trung Quốc, trong đó có những sự kiện ngoại giao dự kiến được tổ chức ở trong nước và các công du nước ngoài của lãnh đạo Trung Quốc. Hội nghị Thượng đỉnh EU-Trung Quốc dự kiến sẽ diễn ra tại Bắc Kinh vào cuối tháng 3/2020, trong khi đó các hoạt động chuẩn bị vẫn đang được thực hiện cho chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Nhật Bản vào tháng 4/2020.
Thứ 4, dịch bệnh sẽ đe dọa tham vọng “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Kể từ khi COVID-19 bùng phát vào thời điểm cuối năm 2019, nhiều quốc gia đã áp đặt hạn chế nhập cảnh đối với công dân Trung Quốc, trong đó có cả những người tham gia các dự án lớn đang được thực hiện theo sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Chưa hết, do phải huy động các nguồn lực lớn chống lại dịch bệnh, Trung Quốc buộc phải cắt giảm nguồn tài trợ cho sáng kiến đầy tham vọng đi qua Trung Á đến Châu Âu, Nga và Trung Đông. Do thiếu cả nhân lực lẫn nguồn lực nên Bắc Kinh khó có thể thúc đẩy dự án khổng lồ này. Nhiều công trình xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sáng kiến “Vành đai và Con đường” đang bị đình trệ trong đó có hệ thống cầu qua sông Padma (trị giá hơn 1,1 tỉ USD) ở Bangladesh và dự án Vành đai Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC - trị giá 62 tỉ USD).
Thứ 5, COVID-19 cũng đặt ra những câu hỏi về sự tin cậy của chính phủ Trung Quốc trong hệ thống y tế toàn cầu. Mặc dù Bắc Kinh được đánh giá cao vì đã thực hiện nhiều biện pháp “phi thường” để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh nhưng cũng có hoài nghi về tính minh bạch thông tin của quốc gia này. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bác bỏ cáo buộc cho rằng Trung Quốc không đủ minh bạch khi dịch COVID-19 bùng phát. “Ngay từ đầu chúng tôi đã cởi mở và minh bạch trong cung cấp thông tin cho cộng đồng quốc tế, để cùng hợp tác đối phó với dịch bệnh", ông Vương Nghị nói.
Cuối cùng, thiệt hại lớn nhất mà Trung Quốc phải gánh chịu là sự suy giảm vị thế của nước này với tư cách là một đối tác đáng tin cậy. Thất bại của Bắc Kinh trong việc kiểm soát dịch bệnh có thể khiến nhiều quốc gia giảm sự phụ thuộc kinh tế vào nước này. COVID-19 cũng làm gia tăng tâm lý “kỳ thị” người Trung Quốc. Nỗi sợ virus corona lan khắp toàn cầu cũng làm bùng lên tâm lý bài ngoại, đôi lúc không đúng với nguy cơ thực tế, theo New York Times.
"Phủ bóng" quan hệ Mỹ-Trung
Theo tờ The Diplomat, có lẽ sự thay đổi rõ nét nhất vẫn là trong mối quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ. Trong 1 tháng qua, Mỹ đã thực hiện nhiều hành động cứng rắn để đối phó với COVID-19, trong đó có việc sơ tán các công dân Mỹ khỏi thành phố Vũ Hán, từ chối cho công dân Trung Quốc nhập cảnh hay hủy các chuyến bay tới Trung Quốc của những hãng hàng không lớn. Ngay sau đó, nhiều quốc gia như Anh, Pháp, Nhật Bản và Brazil đã theo chân phản ứng của Mỹ.
Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 70 nước đã ban hành lệnh cấm hoặc hạn chế nhập cảnh đối với công dân Trung Quốc, nhiều hãng hàng không trên thế giới cũng hủy các chuyến bay đến nước này. Những biện pháp mà Mỹ đang thực hiện đã phủ bóng lên quan hệ Mỹ-Trung vốn đã căng thẳng suốt thời gian qua, khiến Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Thôi Thiên Khả cảnh báo các bên cần phải “đảm bảo chống lại bất cứ loại virus chính trị nào” bên cạnh cuộc chiến chống virus sinh học.
Tuy nhiên, cuộc chiến chống COVID-19 cũng mở ra cho Mỹ và Trung Quốc cơ hội hợp tác mới. Được sự cho phép của Trung Quốc, các chuyên gia y tế của Mỹ đã tham gia cùng với nhóm chuyên gia y tế của WHO tới Trung Quốc hỗ trợ việc nghiên cứu virus corona. Hiện nay, Trường Cao đẳng Y khoa Baylor ở Houston của Mỹ và Đại học Fudan ở Thượng Hải đang hợp tác để tìm ra những loại vaccine mới phòng ngừa COVID-19. Bên cạnh đó, Mỹ cũng là quốc gia tài trợ đáng kể cho cuộc chiến chống dịch bệnh của Trung Quốc.
Thống kê của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho thấy tính đến ngày 2/2/2020, 188 công ty nước ngoài đã quyên góp 1,096 tỷ nhân dân tệ (157 triệu USD) cho Trung Quốc, trong đó các công ty Mỹ quyên góp nhiều nhất. Đáng chú ý, Tổng thống Trump đã nhiều lần thể hiện sự ủng hộ và hợp tác với Bắc Kinh kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
COVID-19 là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng nhưng ảnh hưởng mà nó gây ra đang vượt ra ngoài lĩnh vực dịch tễ học. Cây bút Cary Huang cho rằng, cuộc chiến chống COVID-19 không chỉ là cuộc chiến của riêng Trung Quốc mà còn của cả thế giới. Điều này nên được hiểu như cuộc chiến giữa “mẹ thiên nhiên” và "đại gia đình nhân loại” mà trong đó Trung Quốc là một thành viên”.
Theo Hồng Anh/VOV