Reuters đưa tin ngày 10/8, các nhà chức trách địa phương kêu gọi hàng nghìn người đi tiêm phòng lại vắc xin ngừa COVID-19, sau khi cuộc điều tra của cảnh sát cho thấy một y tá của Hội Chữ thập Đỏ Đức bị nghi ngờ đã tiêm cho những người này nước muối chứ không phải vắc xin.
"Tôi toàn hoàn bị sốc khi biết sự việc", Sven Ambrosy, ủy viên hội đồng địa phương, viết trên Facebook, đồng thời cho biết khoảng 8.600 người có thể đã bị ảnh hưởng.
|
Người dân đi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại một trung tâm ở Dresden, Đức. Ảnh: Reuters. |
Mặc dù nước muối là vô hại nhưng hầu hết những người được tiêm phòng ở Friesland vào tháng 3 và tháng 4/2021, thời điểm nghi phạm được cho đã tráo vắc xin ngừa COVID-19, là người cao tuổi - nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhiễm virus.
Cảnh sát không nêu rõ động cơ của nữ y tá này nhưng cô ta nhiều lần nêu quan điểm hoài nghi vắc xin trong các bài đăng trên mạng xã hội.
Mời độc giả xem thêm video: Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới (Nguồn video: THĐT)
Trong khi đó, một nguồn tin cho biết, hồi cuối tháng 4/2021, nữ y tá thú nhận với đồng nghiệp rằng, cô đã đổ đầy nước muối vào 6 ống tiêm sau khi làm rơi vỡ một lọ vắc xin Pfizer và được cho là đã cố gắng che đậy lỗi của mình.
Hiện dư luận chưa rõ nghi phạm đã bị bắt hay bị buộc tội trong vụ án hay chưa, theo NDR. Các nhà chức trách đang tiếp tục điều tra vụ việc.
Hồi tháng 6/2021, cảnh sát Ấn Độ cho biết khoảng 2.000 người ở Mumbai và 500 người khác, bao gồm cả người tàn tật ở thành phố Kolkata, đã bị tiêm nước muối sinh lý thay vì vắc xin COVID-19.
Truyền thông Ấn Độ cho biết các liều vắc xin COVID-19 giả khi đó được tiêm tại 9 địa điểm khác nhau. Liên quan đến bê bối vắc xin này, nhiều người, trong đó có cả bác sĩ, đã bị bắt giữ.
Thiên An