|
Một nhân viên cứu hộ đi giữa đống đổ nát của những tòa nhà bị sập ở Indonesia. Ảnh: Reuters.
|
Một trận động đất mạnh 5,6 độ đã khiến hơn 260 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trên đảo chính Java (Indonesia), theo AP.
Các thi thể tiếp tục được kéo ra khỏi đống đổ nát vào sáng 22/11 tại thành phố Cianjur - khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Thành phố này thuộc tỉnh Tây Java có đông dân cư nhất của đất nước và cách thủ đô Jakarta khoảng 217 km về phía nam. Trong khi đó, nhiều người vẫn đang mất tích.
Cường độ của trận động đất này thường được cho là sẽ gây ra thiệt hại nhẹ cho các tòa nhà và công trình khác. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng khoảng cách gần với các đường đứt gãy, độ nông của trận động đất và đặc điểm của cơ sở hạ tầng đều góp phần gây ra thiệt hại này.
Tại một bệnh viện địa phương, số lượng bệnh nhân trở nên quá tải, nhiều người bị thương phải nằm trên sàn nhà hoặc dưới những chiếc lều tạm bợ. Vào đêm 21/11, các nạn nhân đã được điều trị dưới ánh nến do khu vực này đã bị cắt điện trên diện rộng.
Trận động đất tại Indonesia có được coi là “mạnh” không?
Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết trận động đất vào chiều 21/11 mạnh 5,6 độ và xảy ra ở độ sâu 10 km. Do đó, nó được coi là trận động đất có tâm chấn nông, vì năng lượng địa chấn không di chuyển xa trước khi tác động đến con người và các tòa nhà, theo Washington Post.
Các trận động đất ở quy mô này thường không gây thiệt hại trên diện rộng đối với cơ sở hạ tầng vững chãi. Tuy nhiên, cơ quan này chỉ ra rằng thiệt hại còn phụ thuộc vào các yếu tố khác, chẳng hạn khoảng cách từ trận động đất, loại đất của khu vực đó...
Động đất có thể xảy ra mọi lúc và ở những độ sâu khác nhau. Theo Babek Hejrani, một nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Australia, chúng chỉ trở nên "có sức tàn phá" khi xuất hiện gần cơ sở hạ tầng hoặc thành phố.
Theo bà, càng ở gần tâm chấn của trận động đất thì sức tàn phá của nó càng lớn. Và tâm chấn của trận động đất hôm 21/11 nằm gần thành phố đông dân cư Cianjur, ABC đưa tin.
Tại sao trận động đất này gây ra thiệt hại lớn?
Các chuyên gia cho biết vị trí gần các đường đứt gãy, độ sâu của động đất và việc các tòa nhà không được xây với thiết kế chống chịu động đất là những yếu tố gây ra thiệt hại này.
“Mặc dù trận động đất có quy mô trung bình, nó xảy ra gần bề mặt và nằm trong đất liền, gần nơi người dân sinh sống. Năng lượng của nó vẫn đủ lớn để gây ra rung lắc đáng kể, từ đó dẫn đến thiệt hại”, Gayatri Marliyani, phó giáo sư địa chất tại Đại học Gadjah Mada (Yogyakarta, Indonesia), cho biết.
Ngoài ra, bà Marliyani nhận định khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất nằm gần một số đường đứt gãy đã được biết đến từ trước.
Đường đứt gãy là nơi có một vết nứt dài trong lớp đá tạo thành bề mặt Trái Đất. Khi động đất xảy ra bên trên một trong những đường đứt gãy này, đá ở một bên của đường đứt gãy đó sẽ bị xô lệch so với bên kia.
“Khu vực này dường như có nhiều đường đứt gãy trong đất liền nhất so với những nơi khác ở Java”, bà Marliyani nói.
Bên cạnh đó, theo nhận định của bà, trong khi một số vết nứt đã được nhiều người biết đến ở khu vực này, một số vết nứt đang hoạt động khác vẫn chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Danny Hilman Natawidjaja, một chuyên gia địa chất động đất tại Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Địa chất của Viện Khoa học Indonesia, cho biết nhiều tòa nhà trong khu vực này cũng không được thiết kế chống động đất, từ đó càng góp phần gây ra thiệt hại.
Động đất như vậy có thường xuất hiện tại Indonesia?
Đất nước có hơn 270 triệu dân này thường xuyên phải hứng chịu động đất, núi lửa phun trào và sóng thần do nằm trên “Vành đai lửa Thái Bình Dương”. Khu vực này trải dài khoảng 40.000 km và là nơi xảy ra phần lớn các trận động đất trên thế giới.
Nhiều trận động đất ở Indonesia có quy mô nhỏ, cũng như gây ra ít hoặc không có thiệt hại. Tuy nhiên, nước này cũng từng chứng kiến những trận động đất chết người.
Năm 2004, một trận động đất 9,1 độ ở ngoài khơi Sumatra đã gây ra sóng thần trên khắp Ấn Độ Dương, khiến 226.000 người thiệt mạng - trong đó quá nửa là người Indonesia.
Theo Vân Đinh/Zing