Những người Serbia ở Kosovo biểu tình trước rào chắn của lực lượng gìn giữ hòa bình NATO. Ảnh: Reuters
Theo báo Izvestia (Nga), căng thẳng tại Kosovo vẫn tiếp diễn giữa người dân Serbia ở bốn đô thị Zvecan, Leposavic, Zubin Potok và Severna Mitrovica với cảnh sát Kosovo và KFOR, phái bộ gìn giữ hòa bình do NATO đứng đầu ở Kosovo.
Quân đội Serbia đã được đặt trong tình trạng báo động chiến đấu cao nhất và được triển khai tới biên giới với Kosovo, nơi ba thị trưởng sắc tộc Albania đã tuyên thệ nhậm chức vào ngày 25/5. Tuy nhiên, người Serbia đang đặt câu hỏi về tính hợp pháp của động thái này.
Các chính trị gia Serbia cảnh báo rằng những diễn biến này có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột mới, trong khi nghị sĩ Ivan Kostic kêu gọi Tổng thống Serbia Alexander Vucic yêu cầu Nga giúp đỡ.
Đáng chú ý là, lần này, Anh, Đức, Mỹ, Pháp, EU và NATO, tất cả đều có truyền thống ủng hộ Kosovo sau khi khu vực này đòi độc lập khỏi Serbia năm 2008, đã chỉ trích hành động của Kosovo và kêu gọi ngừng leo thang căng thẳng ngay lập tức. Thành viên của Nghị viện châu Âu (EP) Viola von Cramon-Taubadel, với tư cách là Báo cáo viên EP về Kosovo và Metohija, cảnh báo Kosovo về vụ việc.
Về phần mình Tổng thống Serbia Vucic nói rằng không loại trừ khả năng nổ ra xung đột lớn ở Kosovo.
Nguồn gốc của xung đột
Trong khi đó kênh CNN (Mỹ) ngày 31/5 cho biết hàng chục nhân viên gìn giữ hòa bình của NATO đã bị thương sau khi họ bị tấn công bởi những người sắc tộc Serbia ở phía Bắc Kosovo, trong các cuộc biểu tình phản đối việc bổ nhiệm các thị trưởng người Albania.
KFOR cho biết 30 nhân viên gìn giữ hòa bình của họ - chủ yếu đến từ lực lượng Italy và Hungary - đã bị thương. Theo KFOR, các binh sĩ bị “gãy xương và bỏng do các thiết bị gây cháy tự chế”, trong khi ba binh sĩ “bị thương do sử dụng súng”.
Phái bộ gìn giữ hòa bình của NATO cho biết họ đã tăng cường hiện diện ở phía bắc Kosovo sau khi các thị trưởng người Albania mới được bầu lên nhậm chức ở các khu vực người Serbia chiếm đa số ở Kosovo. Theo KFOR, mục đích của nó là "giảm nguy cơ leo thang", nhưng họ "sau đó đã bị tấn công bởi đám đông ngày càng giận dữ".
Bạo lực bùng phát sau khi những người biểu tình Serbia tìm cách ngăn cản các thị trưởng mới đắc cử nhậm chức ở thị trấn Zvecan hồi đầu tuần, sau cuộc bầu cử gây tranh cãi vào tháng 4.
Mặc dù hiếm khi xảy ra loại bạo lực chống lại lực lượng gìn giữ hòa bình, nhưng căng thẳng đã gia tăng trong khu vực trong những tháng gần đây, được thúc đẩy bởi những rạn nứt lịch sử sâu sắc.
Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào năm 2008, sau cuộc chiến 1998-99, trong đó người Albania ở Kosovo tìm cách tách khỏi Nam Tư, bao gồm Serbia và Montenegro ngày nay. NATO đã can thiệp vào cuộc chiến để bảo vệ người Albania chiếm đa số ở Kosovo.
Serbia không công nhận nền độc lập của Kosovo. Người Serbia ở Kosovo coi họ là một phần của Serbia, và coi Belgrade là thủ đô của họ, chứ không phải Pristina. Phần lớn người Serbia ở Kosovo - chiếm gần 1/10 tổng dân số - sống ở các khu vực phía Bắc, và ngày càng đòi hỏi quyền tự trị lớn hơn từ người Albania đa số.
Một chiếc xe ô tô bị cháy trong cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO ở Kosovo hồi đầu tuần này. Ảnh: Reuters
Thỏa thuận Brussels 2013 do EU làm trung gian đã cố gắng bình thường hóa quan hệ giữa hai bên. Theo thỏa thuận này, Serbia có thể thành lập các đô thị tự trị ở khu vực phía bắc, nhưng những thành phố này sẽ phải hoạt động theo hệ thống pháp luật của Kosovo, với cảnh sát Kosovo là lực lượng cảnh sát duy nhất.
Hơn một thập kỷ trôi qua, các đô thị này vẫn chưa được thành lập, khiến các tranh chấp về mức độ tự trị của người Serbia ở Kosovo trở nên gay gắt.
Ngay cả những chi tiết dường như nhỏ cũng có thể gây ra bùng phát lớn. Trong nhiều năm, Kosovo đã muốn người Serbia đổi biển số ô tô Serbia của họ sang biển số do Kosovo cấp. Năm ngoái, chính quyền Kosovo đã công bố thời hạn hai tháng để đổi biển số xe – nhưng đã lùi ngày này lại sau các cuộc biểu tình.
Theo Reuters, các thị trưởng người Serbia ở các thành phố phía Bắc Kosovo, cùng với các thẩm phán địa phương và khoảng 600 sĩ quan cảnh sát, đã từ chức vào tháng 11 năm ngoái để phản đối việc chuyển đổi sắp xảy ra.
Vào tháng 3 năm nay, hai bên đã ký một thỏa thuận mới tại Ohrin, Bắc Macedonia, nhằm bình thường hóa quan hệ một lần nữa. Nhưng điều này đã bị chi phối bởi các cuộc bầu cử địa phương gây tranh cãi ở bốn đô thị của miền Bắc Kosovo.
Tổng thống Serbia Vucic kêu gọi người dân tộc Serbia trong khu vực tẩy chay cuộc bầu cử, nói rằng họ không nên dung thứ cho “sự chiếm đóng” của người nước ngoài nữa.
"Danh sách người Serbia", đảng chính trị chính trong khu vực, đã kêu gọi cộng đồng người Serbia không bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử và kêu gọi các ứng cử viên của họ không ứng cử - khiến các ứng cử viên người Albania theo sắc tộc không bị cạnh tranh.
Lo sợ bạo lực có thể xảy ra, ủy ban bầu cử của Kosovo đã thay đổi kế hoạch đặt các phòng bỏ phiếu tại các trường học địa phương, thay vào đó dựng các túp lều di động do lực lượng gìn giữ hòa bình NATO tuần tra.
Sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa, các quan chức bầu cử cho biết chỉ có khoảng 1.567 người đã bỏ phiếu trên bốn thành phố - tỷ lệ cử tri đi bầu là 3,5%, theo truyền thông địa phương.
Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu giảm là một dấu hiệu cho thấy cuộc tẩy chay thành công ở những khu vực có đa số người Serbia này. Đô thị Zvecan có dân số khoảng 16.800 người. Trong số này, hơn 16.000 người là người dân tộc Serbia - chỉ có khoảng 500 người dân tộc Albania.
Thị trưởng người Albania mới đắc cử ở Zvecan đã giành chiến thắng với hơn 100 phiếu bầu, khiến nhiều người lên tiếng rằng chiến thắng của ông là bất hợp pháp.
Ông Kurti lên án "các cuộc tấn công thái quá" vào lực lượng gìn giữ hòa bình, trong khi Thủ tướng Serbia Ana Brnabic cho biết tình hình ở miền Bắc Kosovo “chưa bao giờ khó khăn hơn thế”.
Theo Công Thuận/Báo Tin Tức