Nhà máy Fukushima dừng xả nước nhiễm phóng xạ đã xử lý ra biển

Google News

Công ty Điện lực Tokyo, Nhật Bản, ngày 24/4 ra thông báo về việc tạm dừng xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển do xảy ra sự cố của hệ thống điện tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.

Đây là lần đầu tiên nhà máy này phải dừng hoạt động do lỗi sự cố trong thời gian giải phóng nước nhiễm xạ ra biển.

Theo thông báo của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), vào khoảng 10 giờ 43 phút ngày hôm nay, hệ thống cấp điện A trong khuôn viên nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi đã gặp phải sự cố, gây mất điện tại nhà máy. Vì vậy, việc xả nước nhiễm xạ đã qua xử lý sẽ ngay lập tức phải dừng lại. Triển vọng về thời gian tiếp tục hoạt động xả nước của nhà máy chưa được tính toán đến; trong khi nguyên nhân của sự cố hiện đang được điều tra.

Cũng theo TEPCO, đây là lần đầu tiên quá trình xả nước nhiễm xạ đã qua xử lý tại nhà máy Fukushima Daiichi phải dừng hoạt động do bị mất điện.

Nha may Fukushima dung xa nuoc nhiem phong xa da xu ly ra bien

Các bể chứa nước thải nhiễm xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, tỉnh Fukushima (Ảnh: Reuters)

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima, đã ngừng hoạt động kể từ sau thảm họa kép động đất - sóng thần vào tháng 3/2011. Kể từ tháng 8 năm ngoái, nhà máy này đã xả khoảng 31.200 tấn nước thải phóng xạ đã qua xử lý ra đại dương với 4 đợt xả khác nhau theo kế hoạch. Từ ngày 19/4 vừa qua, nhà máy tiếp tục triển khai đợt xả lần thứ 5 nước nhiễm xạ có chứa một lượng nhỏ tritium phóng xạ ra biển, trong khoảng thời gian hai tuần. Tuy nhiên, đợt xả này đã phải tạm dừng do lỗi mất điện trên.

Trước đó, trong đợt xả nước nhiễm xạ lần thứ tư bắt đầu vào ngày 28/2, nhà máy điện Fukushima Daiichi cũng phải dừng việc xả thải vào ngày 15/3 trong khoảng thời gian hơn 15 giờ để xác nhận an toàn, khi tỉnh Fukushima xảy ra một trận động đất mạnh với cường độ địa chấn 5 theo thang đo của Nhật Bản.

Theo kế hoạch trong năm tài chính 2024, bắt đầu từ tháng 4 này, nhà máy hạt nhân có kế hoạch xả tổng cộng khoảng 54.600 tấn nước đã qua xử lý ra đại dương bằng cách tăng lên 7 đợt xả khác nhau.

Theo PV/VOV.VN