GlobalPetrolPrices.com, cổng thông tin theo dõi giá xăng, điện và khí đốt tại trên 150 quốc gia, tính tại thời điểm ngày 15/6, Hong Kong là nơi có giá xăng cao nhất thế giới với mức 2,999 USD/lít (gần 70.000 đồng).
Cổng thông tin này cho biết có sự khác biệt khá rõ rệt về giá xăng tại các nước. Theo nguyên tắc chung, các nước giàu hơn có giá xăng cao hơn trong khi các nước nghèo hơn và các nước sản xuất và xuất khẩu dầu có giá thấp hơn đáng kể. Tuy nhiên, Mỹ là một ngoại lệ, mặc dù là nền kinh tế tiên tiến nhưng giá khí đốt thấp.
GlobalPetrolPrices.com lý giải sự khác biệt về giá cả này là do các loại thuế và trợ cấp giá xăng khác nhau. Theo cổng thông tin này, tất cả các quốc gia đều được tiếp cận với giá xăng dầu trên thị trường quốc tế như nhau nhưng sau đó quyết định áp các loại thuế khác nhau, do đó, giá bán lẻ xăng dầu có sự chênh lệch.
|
Một trạm đổ xăng ở Hong Kong. Ảnh: News. |
Ngoài ra, mới đây hãng quản lý nhân lực ECA International (Mỹ) cũng công bố Hong Kong là thành phố có mức sống đắt đỏ nhất thế giới năm 2022. Được biết, đây là lần thứ 3 liên tiếp Hong Kong đứng vị trí đầu bảng.
Cụ thể, người dân Hong Kong phải trả 5,21 USD (hơn 120 nghìn đồng) cho một tách cafe; 3,04 USD (70 nghìn đồng) cho mỗi lít xăng, một kg cà chua có giá lên đến 11,51 USD (270 nghìn đồng). Đây cũng là nơi có giá dầu ăn đắt đỏ nhất thế giới, với mức 5,83 USD (135 nghìn đồng) mỗi lít.
Ông Lee Quane, Giám đốc Khu vực châu Á của ECA cho biết: “Mặc dù Hong Kong ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát toàn cầu gia tăng (5,8%) so với các địa điểm khác trong khu vực và toàn cầu suốt năm vừa qua, nhưng nó vẫn là địa điểm đắt đỏ nhất trên thế giới".
“Tuy nhiên, sức mạnh của đồng đô la Hong Kong ngày càng tăng lên trong năm qua đã giúp nó duy trì vị trí là thành phố đắt đỏ nhất trên toàn thế giới trong khi các đồng tiền khác suy yếu”, Quane nói.
Thảo Nguyên (Theo GlobalPetrolPrices)