Ông Biden tiến thoái lưỡng nan

Google News

Các động thái của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan đã khiến chính quyền Tổng thống Joe Biden phải cân nhắc lại chính sách thuế quan đối với Bắc Kinh.

Phản ứng của Bắc Kinh với chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan vào tuần trước đã khiến các quan chức chính quyền Mỹ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Chính quyền ông Biden không muốn làm bất cứ điều gì gây leo thang căng thẳng, đồng thời phải tìm cách tránh bị coi là rút lui khi đối đầu với Bắc Kinh.

"Tôi nghĩ Đài Loan đã thay đổi mọi thứ", một nguồn tin am hiểu về những diễn biến mới nhất trong quá trình này nhận định, theo Reuters.

Sau chuyến thăm Đài Loan vào tuần trước của bà Pelosi, hôm 5/8, Trung Quốc tuyên bố áp lệnh trừng phạt chủ tịch Hạ viện Mỹ cùng gia đình, "căn cứ theo các quy định pháp luật liên quan của Trung Quốc".

Bắc Kinh cũng tiến hành cuộc tập trận chưa từng có tại 6 vùng biển bao quanh Đài Loan, bao gồm bắn tên lửa đạn đạo bay qua hòn đảo. Chỉ trong ngày đầu, quân đội Trung Quốc cho biết đã huy động sự tham gia của hơn 100 máy bay.

Thế khó của ông Biden

Các quan chức cho biết Tổng thống Joe Biden chưa đưa ra quyết định về vấn đề thuế quan. Các cố vấn của ông đã vật lộn trong nhiều tháng để tìm cách giảm thiệt hại khi áp thuế với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc theo chính sách của người tiền nhiệm, cựu Tổng thống Donald Trump.

Chính quyền ông Biden đã xem xét kết hợp việc loại bỏ một số loại thuế quan, khởi động một cuộc điều tra theo mục 301 về các khu vực có thể bị áp thuế bổ sung, và mở rộng danh sách miễn trừ thuế để hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ chỉ có thể nhận nguồn cung từ Trung Quốc.

Ong Biden tien thoai luong nan

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Đệ nhất phu nhân Jill Biden khi đến Căn cứ Không quân Charleston ở Nam Carolina, Mỹ, vào ngày 10/8. Ảnh: Reuters.

Thuế quan khiến hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trở nên đắt hơn đối với các công ty Mỹ, do đó làm tăng giá sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng. Trong khi đó, giảm lạm phát là mục tiêu chính của ông Biden trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11, trước nguy cơ mất kiểm soát một hoặc cả hai viện ở Quốc hội vào tay đảng Cộng hòa.

"Tổng thống chưa đưa ra quyết định ngay cả trước các sự kiện ở eo biển Đài Loan, và vẫn chưa quyết định trong khoảng thời gian sau đó. Tất cả lựa chọn vẫn đang được thảo luận", một quan chức cấp cao cho biết.

"Người duy nhất sẽ đưa ra quyết định là tổng thống, và ông ấy sẽ làm như vậy dựa trên những gì có lợi cho (nước Mỹ)", vị quan chức nói thêm.

Hiện tại, với các biện pháp mạnh mẽ nhất liên quan đến việc cắt giảm và leo thang thuế quan không phải ưu tiên của chính quyền ông Biden, trọng tâm là danh sách miễn trừ.

Trong nhiệm của cựu Tổng thống Donald Trump, hơn 2.200 danh mục hàng nhập khẩu đã được xếp vào danh sách miễn trừ thế quan, bao gồm nhiều sản phẩm công nghiệp và hóa chất quan trọng. Tuy nhiên, danh sách này đã hết hạn khi ông Biden nhậm chức vào tháng 1/2021.

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai chỉ khôi phục 352 danh mục trong số đó. Các tổ chức công nghiệp và hơn 140 nhà lập pháp Mỹ đã thúc giục bà Tai nhanh chóng khôi phục danh sách này.

Các bước tiếp theo của chính quyền Biden có thể có tác động đáng kể đến hàng trăm tỷ USD thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Các ngành công nghiệp của Mỹ từ điện tử tiêu dùng và bán lẻ đến ôtô và hàng không vũ trụ, đã kêu gọi ông Biden gỡ bỏ thuế nhập khẩu lên tới 25%, khi họ phải vật lộn với chi phí tăng cao và nguồn cung khan hiếm.

Nhiều yếu tố ảnh hưởng

Trước đó, cựu Tổng thống Trump đã áp thuế với hàng nghìn mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 370 tỷ USD vào năm 2018 và 2019, để gây áp lực với Bắc Kinh về cáo buộc đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ.

Một số quan chức chính quyền cấp cao, bao gồm Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, đã lập luận rằng thuế được áp dụng đối với hàng tiêu dùng "phi chiến lược" làm tăng chi phí cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, đồng thời cho rằng việc gỡ bỏ loại thuế này có thể giúp giảm lạm phát.

Ong Biden tien thoai luong nan-Hinh-2

Chính quyền cựu Tổng thống Trump đã áp thuế nhiều mặt hàng nhập khẩu để gấy áp lực với Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Ngoài phản ứng của Trung Quốc với Đài Loan, nhiều yếu tố khác đang làm phức tạp cân nhắc của chính quyền Mỹ.

Hai nguồn tin cho biết khi các quan chức Mỹ cân nhắc việc gỡ bỏ một số thuế quan, họ mong chờ phản ứng tương tự từ Bắc Kinh những đã bị từ chối. Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington không đưa ra bình luận về điều này.

Việc Mỹ đơn phương dỡ bỏ một số thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đã bị tạm hoãn, một phần vì Bắc Kinh không tỏ ra sẵn sàng thực hiện các hành động có đi có lại, hoặc đáp ứng các cam kết trong thỏa thuận thương mại "Giai đoạn 1", một trong những nguồn tin cho biết.

Hai bên đạt được thỏa thuận này vào cuối năm 2019, dưới thời chính quyền ông Trump. Theo đó, Mỹ yêu cầu Trung Quốc tăng cường nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp, năng lượng và dịch vụ từ Mỹ thêm 200 tỷ USD vào năm 2020 và 2021 so với con số năm 2017.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã không thực hiện đầy đủ các cam kết này.

Song Bắc Kinh đổ lỗi cho đại dịch Covid-19 bùng phát ngay khi thỏa thuận được ký kết vào tháng 1/2020.

Theo Hải Linh/Zingnews