Mời độc giả xem video: Mô phỏng khoảnh khắc máy bay IL-20 của Nga bị bắn rơi ngoài khơi Syria (Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga)
Theo đó, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Israel đã cố tình tạo ra tình thế nguy hiểm bằng cách lợi dụng máy bay IL-20 của Nga như một lá chắn trước hệ thống phòng không Syria. Tuy nhiên, Israel bác bỏ cáo buộc và cho rằng Syria phải chịu trách nhiệm về vụ việc này.
Ngày 24/9, Điện Kremlin tuyên bố sự cố liên quan đến việc máy bay quân sự Il-20 của Nga bị bắn hạ ngoài khơi Syria sẽ làm tổn hại mối quan hệ song phương Nga-Israel, đồng thời cáo buộc các phi công Israel cố tình hành động như vậy.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga thông báo trong vòng hai tuần tới sẽ cung cấp hệ thống phòng không S-300 cho Quân đội Syria, động thái chắc chắn sẽ làm trầm trọng hơn căng thẳng trong mối quan hệ Nga-Israel.
Tuy nhiên, theo bài viết của cây bút Yury Barmin đăng trên tờ Al Jazeera, kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Syria năm 2015, mối quan hệ giữa Moscow và Tel Aviv dần trở nên xấu đi theo thời gian, cùng các sự kiện diễn ra ở Syria. Cả Nga và Israel đều không đạt được thỏa thuận về Syria cũng như vai trò của Iran tại quốc gia Trung Đông này.
|
Tổng thống Nga Putin (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong cuộc gặp hồi năm 2016. Ảnh: Reuters. |
Được biết, từ năm 2013, Israel thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công chống lại Chính phủ Syria và các đồng minh của Damascus là phong trào Hezbollah của Lebanon và Iran. Mục tiêu của Tel Aviv là ngăn chặn Iran củng cố lực lượng và hiện diện quân sự lâu dài trên lãnh thổ Syria.
Ban đầu, khi Nga bắt đầu can thiệp quân sự trực tiếp tại Syria vào tháng 9/2015, Israel hoan nghênh việc này và coi đó là cách để kiềm chế Iran.
Hai nước đã thống nhất không vượt qua “giới hạn đỏ” của nhau. Moscow thừa nhận không muốn Iran hiện diện gần khu vực biên giới (Syria) với Israel vì điều đó có thể kéo Israel vào cuộc nội chiến Syria, còn Tel Aviv đảm bảo sự an toàn của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad không bị tổn hại.
Trong khoảng thời gian mối quan hệ giữa Nga và Israel vẫn còn “nồng ấm”, Israel đã cho phép lực lượng Iran tiến tới gần vùng biên giới của nước này để hỗ trợ chiến dịch quân sự của Nga tại Syria. Đáp lại, Nga để Israel có thể tự do hành động nếu "dính" đến lợi ích của Tel Aviv tại Syria.
Để đảm bảo không xảy ra va chạm khi cùng tham chiến tại Syria, Nga đã thiết lập đường dây nóng với Israel. Và theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Yaalon, Tel Aviv không phải thông báo cho Moscow về hoạt động của mình, vì Quân đội Nga có thể xác định được chiến đấu cơ của Israel và không sẽ can thiệp vào chiến dịch quân sự của Israel tại quốc gia Trung Đông này.
Kể từ đầu năm 2018, Israel tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào mục tiêu Iran và Hezbollah tại Syria, dưới sự "đồng ý ngầm" của Nga. Tuy nhiên, trên thực tế, trong ba năm qua, thắng lợi của Quân đội Nga đã giúp Iran tăng cường sự hiện diện tại Syria. Điều này khiến Israel cảm thấy không hài lòng và khiến mối quan hệ hai nước trở lên căng thẳng hơn trước. Trong khi đó, giới chức Nga nhiều lần khẳng định rõ với Israel rằng họ không thấy sự hiện diện của Iran tại Syria đặt ra bất cứ mối đe dọa nào với Israel.
Và trên thực tế, trong năm qua, sự hiện diện của lực lượng Iran tại Syria ngày càng trở thành yếu tố gây căng thẳng giữa Moscow và Tel Aviv.
Tháng 2/2018, mối quan hệ này đã bị tổn hại ít nhiều sau khi phòng không Syria bắn hạ một chiếc máy bay của Israel gần khu vực Cao nguyên Golan do Tel Aviv kiểm soát.
Vào tháng 5 vừa qua, Nga đã đạt được một thỏa thuận với Israel về việc cho phép các lực lượng Syria tiến vào các tỉnh miền nam là Deraa và Quneitra. Đổi lại, Nga chấp nhận để lực lượng Iran ở vị trí cách Cao nguyên Golan 100 km.
Thỏa thuận này phần nào tạm thời xoa dịu căng thẳng giữa Moscow và Tel Aviv nhưng nó không thể xây dựng lòng tin giữa hai nước.
Yury Barmin cho rằng, mặc dù cơ chế tránh đụng độ giữa Nga và Israel sẽ tiếp tục được áp dụng nhưng nguy cơ đối đầu khó lường giữa hai bên đang ở mức độ báo động hơn bao giờ hết.
Thiên An