Tù nhân 4 lần vượt ngục đi vào lịch sử Nhật Bản

Google News

Yoshie Shiratori được mệnh danh là “kẻ không thể bị giam cầm" sau 4 lần vượt ngục thoát khỏi những nhà tù nghiêm ngặt nhất thời phát xít Nhật.

Tù nhân 4 lần vượt ngục Yoshie Shiratori sinh ngày 31/7/1907 tại tỉnh Aomori, Nhật Bản. Năm 1936, Shiratori bị bắt quả tang khi đang trộm cắp, nhưng cảnh sát khép ông thêm tội giết người. Sau đó, ông bị đưa tới nhà tù Aomori.
Ba năm sau, nhờ nghiên cứu kỹ lưỡng thói quen của lính canh suốt nhiều tháng, Shiratori trộm khóa phòng giam bằng sợi dây kim loại quấn quanh chiếc xô được phát rồi trốn thoát qua một giếng trời.
Tu nhan 4 lan vuot nguc di vao lich su Nhat Ban
Hình nộm mô phỏng Shiratori trong nhà tù. 
Cảnh sát bắt lại được Shiratori sau ba ngày, khi ông ta đang trộm đồ dùng từ một bệnh viện. Shiratori được chuyển đến nhà tù Akita vào năm 1942 và bị kết án chung thân vì tội vượt ngục và trộm cắp.
Tại nhà tù Akita, Shiratori bị đưa vào một phòng giam được thiết kế đặc biệt nhằm đối phó với những kẻ từng vượt ngục. Buồng giam có trần nhà cao, một giếng trời nhỏ và những bức tường bằng đồng nhẵn. Dù vậy ở nơi này, Shiratori vẫn cảm nhận được hơi ấm tình người từ quản giáo tên Kobayashi, người cấp cho ông chăn ấm và tăng suất ăn.
Với khao khát tự do, Shiratori lại vượt ngục lần 2 trong sự ngỡ ngàng của cảnh sát vào một đêm mưa gió. Những năm tháng phiêu bạt vì là trẻ mồ côi đã giúp người tù nhân này có nhiều kỹ năng sinh tồn, nhất là khả năng leo trèo. Không gian hẹp của phòng giam hóa ra lại là điều kiện lý tưởng để ông nép cơ thể về một phía và phía còn lại dùng chân đẩy người lên cao.
Đến phần trần phía trên, ông nhận ra rằng dù là song sắt nhưng bốn góc lại cố định bằng các nan gỗ. Và thế là trong hàng tháng trời, vào lúc cai ngục không để ý, ông lại trèo lên và dùng tay đẩy các nan gỗ mục từng chút một. Thời cơ đã đến vào một đêm mưa, Shiratori dùng hết sức mình để đẩy tung phần mái trên phòng giam, vốn đã lỏng lẻo sau vài tháng bị ông tác động. Mưa lớn khiến không ai nghe được tiếng bước chân ông chạy trên mái nhà.
Vì muốn được tự do một cách công khai, Shiratori đã quyết tìm đến chỗ quản giáo Kobayashi vào 3 tháng sau khi trốn tù. Shiratori tin tưởng quản giáo Kobayashi vì ông là người duy nhất đối tốt với mình trong tù. Người đàn ông tội nghiệp thỉnh cầu Kobayashi đưa vụ việc của ông lên các cấp cao hơn để minh oan tội giết người, chấm dứt chuỗi ngày sống chui lủi.
Kobayashi mời tù nhân vượt ngục này vào nhà, cho ăn uống và lắng nghe câu chuyện của ông ta. Tuy nhiên, khi Shiratori vào nhà vệ sinh, quản giáo này đã gọi cảnh sát. Shiratori bị bắt trở lại nhà tù và thề sẽ không bao giờ đặt niềm tin vào bất kỳ sĩ quan cảnh sát nào nữa.
Tu nhan 4 lan vuot nguc di vao lich su Nhat Ban-Hinh-2
Chân dung Yoshie Shiratori. 
Với tội danh vượt ngục lần 2, Shiratori bị điều chuyển đến nhà tù Abashiri ở Hokkaido, vùng đất nằm ở cực Bắc Nhật Bản với cái lạnh thấu da hồi năm 1943. Cảnh giác cao độ trước tài nghệ của ông, cảnh sát đã đặt một thợ rèn làm riêng một chiếc còng tay khổ lớn đeo 24/7 và chỉ được mở ra mỗi tháng một lần. Quản giáo còn bắt ông mặc quần áo mỏng manh như muốn cái rét kinh khủng ở Hokkaido sẽ đánh gục ý chí của gã tù nhân.
Tuy nhiên với khao khát tự do, Shiratori vẫn tìm được cách vượt ngục. Khi lính canh giao suất ăn, ông ta nhỏ nước súp miso lên còng tay và song sắt của ô đưa thức ăn trên cửa buồng giam. Theo thời gian, cả hai đều bị ăn mòn, giúp Shiratori có thể phá chúng.
Ngày 26/8/1944, Shiratori tự làm trật khớp cả hai vai, cho phép ông ta chui qua khe đưa thức ăn chật hẹp, sau đó trốn thoát khỏi nhà tù.
Khi viên cai ngục tiến đến kiểm tra phòng giam của Shiratori và kinh hãi nhận ra ông đã rời đi từ lúc nào, trên sàn là chiếc còng tay 20 kg nằm chỏng chơ, vương vãi ốc vít xung quanh.
Lần này, Shiratori lẩn trốn hai năm tại một khu mỏ bỏ hoang nằm sâu trong núi. Nhưng trong một lần xuống núi, Shiratori tới ăn trộm cà chua tại trang trại của một nông dân. Phát hiện hành vi trộm cắp, người nông dân đã tấn công Shiratori và bị tù nhân vượt ngục này đâm chết.
Kết quả, ông bị kết án tử hình vì hành vi 3 lần trốn ngục và vô ý giết người, chuyển đến nhà tù Sapporo chờ thi hành án.
Phòng giam mới của Shiratori được gia cố thêm lớp cửa sắt, với 6 nhân viên canh gác luôn túc trực bên ngoài. Cảnh sát cố gắng che đậy hết những lỗ hổng mà Shiratori từng vượt ngục thành công nhưng vì là người đi sau, lực lượng an ninh hoàn toàn không biết "thánh vượt ngục" nghĩ gì trong đầu.
Phòng giam được gia cố thêm phần trần nhưng lại để hổng phần sàn không được bê tông hóa. Năm 1947, Shiratori dùng bát súp miso đào đường hầm dưới sàn nhà tù để tẩu thoát ra ngoài.
Một năm sau, trong khi ngồi chờ ở trạm xe buýt, Shiratori đã được một viên cảnh sát cho một điếu thuốc. Vào năm 1948, thuốc lá là mặt hàng xa xỉ ở Nhật sau chiến tranh. Cảm động trước lòng tốt của viên cảnh sát, Shiratori thừa nhận là một kẻ vượt ngục và đề nghị được nộp mình.
Ông ta bị bắt và xét xử một lần nữa, nhưng tòa án Sapporo đã xem xét lại vụ án của Shiratori và phán quyết rằng ông ta đúng là đã tự vệ trong sự việc khiến người nông dân thiệt mạng. Mặt khác, trong 4 lần vượt ngục, Shiratori chưa bao giờ làm bị thương hay sát hại lính canh nào.
Kết quả là tòa án hủy án tử hình của Shiratori, thay bằng bản án 20 năm tù vì tội vượt ngục. Tòa án cũng chấp thuận yêu cầu được giam tại Tokyo của Shiratori. Cuối cùng, ông ta thụ án 14 năm tại nhà tù Fuchu. Tới năm 1961, Shiratori được trả tự do vì cải tạo tốt.
Sau 14 năm chấp hành án tù, năm 1961, ông được ân xá và đoàn tụ với con gái. Shiratori tiếp tục làm việc kiếm sống và qua đời nhiều năm sau đó ở tuổi 72 vì cơn đau tim.

Mời độc giả xem video Kẻ vượt ngục Triệu Quân Sự giết người vì mê chơi game. Nguồn: THDT.


Thảo Nguyên (TH)