Điều ít biết về những cái Tết cơ cực của Công Phượng

Google News

Bằng chất giọng xứ Nghệ đặc trưng, cởi mở kể bố mẹ Công Phượng cho chúng tôi nghe về những mùa Tết cơ cực của Công Phượng.

Tiếp chuyện chúng tôi tại ngôi nhà khang trang mới xây ở làng Vòng Vỏng (Đô Lương, Nghệ An), bố mẹ Công Phượng (ông Nguyễn Công Bảy, bà Nguyễn Thị Hoa), bằng chất giọng xứ Nghệ đặc trưng, cởi mở kể cho chúng tôi nghe về những mùa Tết cơ cực của Công Phượng.
Câu chuyện được bắt đầu bằng những mùa Tết ấu thơ của cậu bé Nguyễn Công Phượng. Đó là những mùa Tết nghèo chỉ có bánh chưng, không quần áo mới, không bánh kẹo và những món ăn ngon cho các thành viên trong gia đình.
Ông Bảy, bà Hoa bảo rằng, cũng may, những đứa con của ông bà đều ngoan ngoãn, biết vâng lời nên họ đã nhẹ nhàng trải qua những mùa Tết đơn sơ, giản dị, nhưng không kém phần ấm cúng.
Dieu it biet ve nhung cai Tet co cuc cua Cong Phuong
 Công Phượng và chúng bạn thời niên thiếu
6 tuổi, Công Phượng đã biết nhường quần áo mới cho em
Ông Bảy hồi tưởng lại: “Tôi vẫn nhớ như in cái Tết năm Phượng 6 tuổi. Gia đình khi đó còn thiếu thốn trăm bề, không đủ tiền để mua quần áo mới cho các con. Phượng được cha mẹ ưu tiên sắm bộ đồ mới vì cháu mới vào lớp 1, nhưng hắn nhất quyết không chịu nhận để nhường lại suất đó cho đứa em gái út.
Hắn bảo, trước kia các anh đã nhường cho con, bây giờ con nhường cho em của con là đúng rồi. Và thế là năm đó, Phượng đi học bằng mấy bộ đồ cũ khiến chúng tôi rất thương”.
Ông Bảy vừa dứt lời, bà Hoa diễn giải thêm, Tết ngày xưa nghèo mà ý nghĩa lắm, cả gia đình luôn quây quần bên nhau, cùng nhau làm những công việc để chuẩn bị đón Tết.
Bà chia sẻ: “Thường cha gói bánh chưng thì Phượng lại phụ lau lá dong, lá chuối, buộc dây. Mấy đứa anh lớn thì bửa củi, chuẩn bị bếp lửa, tôi thì dọn dẹp nhà cửa… Phượng thích bánh chưng, thế là mỗi lần gói bánh ông nhà tôi lại gói riêng cho hắn một đòn bánh có kích cỡ vừa phải để hắn mang theo bên mình.
Tết giản dị thế mà vui, chứ bây giờ tuy có điều kiện hơn, nhưng con cái lớn lên đi làm ăn, lập gia đình ở xa, đứa về được, đứa không cũng buồn”.
Câu chuyện của ông Bảy, bà Hoa cứ diễn tiến theo từng mốc thời gian. Nhưng các mốc dù khác nhau đều có chung một điểm: Sự cơ cực lúc tuổi thơ của cậu bé Nguyễn Công Phượng.
Mùa Tết năm 2008, Phượng đỗ vào Học viện bóng đá HAGL – Arsenal JMG, nhỏ choắt đã phải xa gia đình, cả nhà ai cũng bịn rịn, còn Phượng thì không, mặt lạnh tanh, xách ba lô lên và đi.
Dieu it biet ve nhung cai Tet co cuc cua Cong Phuong-Hinh-2
 Tết vui ở nhà Công Phượng
“Từ nhỏ hắn đã là đứa bản lĩnh, biết nén nỗi buồn vào trong lòng. Tết năm 2008, mới mồng 6 hắn đã phải lên Gia Lai để học tập, bà nhà tôi thương con chia tay bịn rịn, khóc thút thít. Hai mắt tôi cũng cay xè. Nhưng hắn thì quyết tâm lắm. Hắn dặn dò cả nhà cứ yên tâm, con không buồn đâu, con biết chăm lo cho bản thân, rồi xách ba lô nhảy lên xe khách, một mình trở lại Gia Lai.
Xe lăn bánh chúng tôi mới thấy ánh mắt xa xăm của hắn quay lại vẫy tay chào người thân qua ô cửa kính. Chúng tôi thương con quặn lòng”. – Ông Bảy nhớ lại cảnh của tám năm về trước.
Công Phượng mua áo mới mừng tuổi cha mẹ
Khi trở thành thành viên của Học viện bóng đá HAGL – Arsenal JMG, mỗi mùa Tết, Công Phượng thường được bầu Đức mừng tuổi tiền để về quê. Phượng chẳng bao giờ mua sắm gì cho bản thân, nhưng với những người thân trong gia đình thì Phượng luôn có quà dành cho họ.
Ông Bảy tiếp tục hồi tưởng: “Lần đầu tiên thằng Phượng mua áo quần mới cho ba mẹ, anh chị em là vào Tết năm 2009, có điều là hắn không mua gì cho mình. Hỏi thì hắn nói, hắn mặc mấy bộ đồ cầu thủ là đẹp rồi. Cả nhà tôi xúc động, mừng mừng, tủi tủi. Xúc động vì những bộ đồ mới thì ít, vì tấm lòng hiếu thảo, biết chăm lo, vun đắp cho người thân của thằng Phượng thì nhiều.
Dieu it biet ve nhung cai Tet co cuc cua Cong Phuong-Hinh-3
 Bằng khen của Công Phượng
Ông Bảy cho biết, tuy tự lập và sống xa quê từ nhỏ, nhưng nếp sống, bản chất của người nhà quê luôn được Phượng gìn giữ qua thời gian. Mỗi dịp Tết đến, Phượng luôn thực hiện đầy đủ lễ nghĩa của một người cháu, người con, người em, người bạn và cả những người hàng xóm láng giềng.
“Được đội HAGL cho nghỉ Tết cái là hắn bắt xe về nhà để kịp đi vun vén mồ mả tổ tiên, để tham gia kị chạp bên nội, bên ngoại. Hắn thương thằng anh trai đã khuất (Nguyễn Công Khoa – PV) nên thường dành một buổi nhổ cỏ, vun vén, thắp hương mộ anh cẩn thận. Hắn còn bàn tính với vợ chồng tôi trong năm nay sẽ về xây cất ngôi mộ mới sạch sẽ cho anh.
Xong việc nhà, việc họ, hắn lại lên thị trấn để thăm, chúc Tết thầy Vinh (HLV Trương Quang Vinh – PV). Hắn nói lịch nghỉ Tết ngắn nên muốn dành nhiều thời gian để quây quần bên gia đình, việc đi chơi với bạn bè vì thế cũng hạn chế.
Những đứa bạn của nó hiểu điều đó, thường kéo đến nhà tụ tập chuyện trò, ăn uống vui vẻ rồi hắn lại tiễn ra về. Ngoài những giờ phút quây quần bên gia đình, Phượng cũng hay đi thăm thú đồng ruộng, bà con lối xóm. Tết nào cũng một lịch trình như vậy, kể cả khi hắn đã được người hâm bóng đá mộ cả nước biết đến nhiều”- Ông Nguyễn Công Bảy chia sẻ.
Những lời ước năm mới Bính Thân
Ông Bảy, bà Hoa cho biết, Tết Bính Thân năm nay gia đình ông bà sẽ vui hơn mọi năm, bởi con cháu báo tin là sẽ về sum họp đầy đủ, mà nguyên nhân chính cũng là do Công Phượng.
“Ăn Tết xong Công Phượng sang Nhật Bản đá bóng nên mấy anh chị đều gọi điện báo là sẽ về quê ăn Tết để tiễn em lên đường. Từ ngày con cái lớn khôn, đi làm ăn xa, năm nay mới có cơ hội để sum vầy, nhà tôi sẽ gói nhiều bánh chưng hơn mọi năm, chắc phải hết khoảng 3-4 yến nếp”- Ông Bảy lên kế hoạch sớm.
Bố Công Phượng tâm sự, để con cái có thể trưởng thành như ngày hôm nay, gia đình đã trải qua nhiều năm sống trong cảnh cơ cực. Mùa Xuân này ông bà phấn khởi lắm, nhờ con cái mà được mở mày mở mặt, nhưng sẽ không bao giờ quên những người đã từng giúp đỡ gia đình và thằng Phượng.
Ông Bảy ao ước: “Tôi mong thằng Phượng không ngừng học hỏi, rèn luyện thi đấu thật thành công, để trước hết là tốt cho bản thân, sau là báo đáp công ơn của những người đã giúp đỡ nó, đặc biệt là ông bầu Đức.
Đối với gia đình chúng tôi, ông bầu Đức là ân nhân của thằng Phượng. Có lần nghe ông ấy nói, ông thương những đứa nhỏ như thằng Phượng giống như vợ con mình mà tôi không kìm được nước mắt”.
“Năm 2016 sang Nhật Bản thi đấu xa quê hương chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, mong Phượng “chân cứng đá mềm”, phát huy truyền thống chịu thương chịu khó của người xứ Nghệ để có thể làm được điều gì đó trên đất nước bạn.
Nhân dịp năm mới, chúng tôi cũng muốn gửi lời chúc Tết chân thành đến ông bầu Đức, thầy Vinh, cảm ơn tất cả những người đã góp phần mang mùa xuân hạnh phúc đến cho thằng Phượng và gia đình chúng tôi” – Ông Bảy xúc động.
Theo TTVH