3 chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà

Google News

Tại cuộc họp về dự thảo Nghị định quy định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nêu 3 chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà.

Ngày 10/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà.
Trong cuộc họp Phó Thủ tướng nêu rõ, điện mặt trời mái nhà là nguồn năng lượng tái tạo cần được ưu tiên, khuyến khích phát triển, vừa huy động được nguồn lực của tổ chức, cá nhân, tận dụng mạng lưới truyền tải hiện hữu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu 3 chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà - Ảnh 1
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh phát triển điện mặt trời áp mái là nhiệm vụ cấp bách. Ảnh: VGP.
Vì vậy Nghị định phải khắc phục những tồn tại, hạn chế trong phát triển điện mặt trời mái nhà thời gian qua. Từ đó xác định rõ đối tượng; tiêu chuẩn kỹ thuật; cơ chế, chính sách khuyến khích cho từng đối tượng, phương thức vận hành (tự sản, tự tiêu, liên kết với hệ thống điện quốc gia, có thiết bị lưu trữ điện…); giải pháp công nghệ bảo đảm an toàn, ổn định của hệ thống điện nền khi đưa điện mặt trời mái nhà lên hệ thống điện.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nêu 3 chính sách khuyến khích chủ yếu đối với điện mặt trời mái nhà là cho phép lắp đặt không cần theo Quy hoạch Điện VIII; ông cũng đề xuất các nguồn điện mặt trời mái nhà được liên kết và phát công suất dư thừa lên lưới điện quốc gia với mức giá theo thời điểm; cùng với đó là hỗ trợ lãi suất khi đầu tư thiết bị lưu trữ điện.
Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu 3 chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà - Ảnh 2
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: VGP.
Góp ý, ông Đỗ Văn Năm, thành viên Hội đồng thành viên Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, cho biết hiện các doanh nghiệp khu công nghiệp đang rất cần khuyến khích về thủ tục, chính sách về điện mặt trời mái nhà. Giải pháp được kiến nghị đối với các khu, cụm công nghiệp chỉ cần thẩm tra xác định độ an toàn của công trình hiện hữu khi lắp đặt thêm điện mặt trời mái nhà; ban hành bộ hồ sơ mẫu với công trình lắp điện mặt trời mái nhà mới; phân cấp cho địa phương và quy định rõ thời gian giải quyết…
Đồng tình với ý kiến này, ông Bùi Quốc Hoan, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Nam cho rằng cần khuyến khích doanh nghiệp trong khu công nghiệp lắp đặt thiết bị lưu trữ nguồn điện mặt trời mái nhà không sử dụng hết để chuyển thành nguồn điện nền sạch, sau đó phát lên lưới điện vào cao điểm buổi tối với mức giá phù hợp.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn điện mặt trời mái nhà. Ông cho rằng, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư điện mặt trời mái nhà là chủ trương nhất quán. Nguồn điện này sẽ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, giúp huy động các nguồn lực xã hội thực hiện Quy hoạch Điện VIII.
Theo Phó thủ tướng, các nguồn điện tái tạo, gồm điện mặt trời mái nhà, không đưa lên lưới quốc gia sẽ được ưu tiên phát triển. Ông yêu cầu Bộ Công Thương xác định rõ các hình thức có và không kinh doanh loại điện này, từ đó đưa ra cơ chế chính sách khuyến khích, quy định an toàn, phòng cháy, chữa cháy tương ứng.
Cụ thể, với điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu và không kinh doanh, cơ quan quản lý đưa ra hồ sơ mẫu, đơn giản tối đa thủ tục, trừ những công trình có yêu cầu đặc biệt về an toàn, phòng cháy, chữa cháy.
Còn những doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời mái nhà để sử dụng và lắp thêm thiết bị lưu trữ điện năng, cơ quan quản lý đưa ra mức giá hợp lý, phương án hỗ trợ tài chính, lãi suất, thuế.
Theo Quy hoạch điện VIII, điện mặt trời mái nhà dự kiến đạt công suất 2.600 MW vào 2030, để đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống điện.
Theo kinhtemoitruong