Phổ biến kiến thức là nhiệm vụ, cũng là vị thế của VUSTA
Phát biểu khai mạc hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức của các tổ chức KH&CN", PGS.TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) khẳng định, phổ biến kiến thức không những là một trong những nhiệm vụ quan trọng của VUSTA, mà thông qua đây, còn để VUSTA thực hiện nhiệm vụ chính của mình, đó là tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức.
|
PGS.TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Mai Loan. |
Trong những năm qua, VUSTA đã có rất nhiều kinh nghiệm trong việc truyền thông và phổ biến kiến thức. Trong bối cảnh có nhiều thay đổi, đặc biệt là về khoa học công nghệ, như sự phát triển của chuyển đổi số, AI, công nghệ xanh, kinh tế tuần xanh, kinh tế tuần hoàn… VUSTA đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo về những lĩnh vực trên, rất kịp thời, bắt nhịp đúng xu hướng trong nước và thế giới.
Điều đó phần nào ứng được nhu cầu của xã hội, đồng thời thể hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và khẳng định vai trò, vị trí của VUSTA, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
“Khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy, cần xác định chức năng, nhiệm vụ của VUSTA, thì đây chính là một trong những hoạt động khẳng định lại vai trò, vị trí của VUSTA và cũng là thông điệp mà hội thảo này hướng tới”, PGS.TS Phạm Quang Thao nhấn mạnh.
|
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Mai Loan. |
Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều kinh nghiệm trong hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức của các tổ chức khoa học và công nghệ.
TS Lê Công Lương, Phó Tổng thư ký VUSTA cho hay, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Hội phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam (tiền thân của VUSTA), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, giao nhiệm vụ cho những trí thức trong việc phổ biến khoa học kỹ thuật: “Những điều đem phổ biến phải thiết thực, phải chính xác, phải làm sao cho quần chúng có thể hiểu và làm được. Sau khi đã phổ biến, ta phải theo dõi, giúp đỡ quần chúng học tập và áp dụng cho tốt. Nếu chỉ phổ biến rồi bỏ mặc quần chúng, không quan tâm theo dõi họ thực hiện được hay không, kết quả tốt hay xấu, như vậy là thiếu tinh thần trách nhiệm”.
Suốt quá trình hình thành và phát triển, nhiệm vụ này đượcVUSTA, các hội thành viên… thực hiện tương đối tốt.
Là tổ chức chính trị-xã hội của trí thức KH&CN, trong những năm vừa qua VUSTA đã không ngừng đẩy mạnh công tác tập hợp trí thức và phát huy tiềm năng trí tuệ của trí thức KH&CN tham gia vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc tạo môi trường thuận lợi trí thức có điều kiện tham gia vào xã hội hóa các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng vào sản xuất và đời sống thông qua việc thành lập các tổ chức KH&CN trực thuộc là một trong những hoạt động tích cực của VUSTA.
Các tổ chức KH&CN trực thuộc đã tích cực tham gia vào các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng hoặc trực tiếp xây dựng mô hình, tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cho người dân; trực tiếp thực hiện nhiều dự án bảo vệ môi trường, bảo tồn động vật, thực vật; trực tiếp tổ chức nhiều chiến dịch truyền thông về môi trường với hàng ngàn pano, áp phích, băng rôn; xây dựng và triển khai hàng trăm mô hình bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn và khai thác tài nguyên thiên nhiên có sự tham gia của cộng đồng; xây dựng nhiều mô hình bảo vệ và khai thác bền vững tài nguyên nước, mô hình về năng lượng sạch (điện mặt trời, điện gió…).
Các tổ chức KH&CN trực thuộc cũng đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm góp ý dự thảo Luật bảo vệ môi trường, Luật Bảo tồn đa dạng sinh học, Luật tài nguyên nước, Luật Lâm nghiệp và các dự thảo Nghị định, thông tư liên quan đến khai thác tài nguyên, các Chương trình, Chiến lược về tăng trưởng xanh và Phát triển bền vững...
Áp dụng mô hình truyền thông đa kênh trong phổ biến kiến thức
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức của các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN), theo TS Lê Công Lương, có thể áp dụng nhiều giải pháp. Trong đó có việc ứng dụng công nghệ hiện đại. Chẳng hạn, như sử dụng các nền tảng kỹ thuật số với việc tận dụng mạng xã hội (Facebook, YouTube, TikTok...), website, và các ứng dụng di động để tiếp cận nhanh chóng và rộng rãi.
|
TS Lê Công Lương, Phó Tổng thư ký VUSTA. Ảnh: Mai Loan. |
Cùng với đó, sử dụng trí tuệ nhân tạo AI và phân tích dữ liệu để cá nhân hóa nội dung, dự đoán xu hướng quan tâm và tối ưu hóa hiệu quả chiến dịch. Hoặc tổ chức sự kiện trực tuyến như các hội thảo, tọa đàm… giúp tiết kiệm chi phí và tiếp cận đông đảo khán giả.
Ông Tô Bá Trượng, Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục cho rằng, muốn công tác truyền thông đạt được kết quả như mong muốn, tổ chức cơ quan, đơn vị KH&CN cần xây dượng chiến lược truyền thông dài hạn, trung hạn và ngắn hạn. Xây dựng chiến lược truyền thông dài hạn, định hướng rõ ràng cho các nội dung và đối tượng cần truyền thông.
Với chiến lược ngắn hạn, có thể sử dụng ngay các kết quả nghiên cứu của đơn vị mà tổ chức truyền thông hay phổ biến kiến thức cho công đồng, cho xã hội. Chẳng hạn, Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục đã phát triển nhiều nội dung truyền thông gắn với các đề tài KH&CN của Viện, như truyền thông về “Áp lực lao động của giáo viên phổ thông hiện nay”; “Bạo hành học sinh trong các cơ sở giáo dục”; Dạy học trực tuyến trong các trường trung học phổ thông”….
Từ thực tế, theo ông Trượng, việc áp dụng mô hình truyền thông đa kênh (báo chí, mạng xã hội, video trực tuyến, podcast, v.v.) sẽ đảm bảo nội dung khoa học tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng khác nhau; Tổ chức các Hội nghị, Hội thảo; Tọa đàm khoa học trực tiếp hoặc trực tuyến để thu hút được nhiều người, nhiều đối tượng tham gia.
Qua đó hình thành sự tương tác cao giữa có quan KH&CN với quần chúng, giữa Viện với các đối tượng có nhu cầu.
“Từ đây có thể thấy, sự kết hợp linh hoạt các hình thức truyền thông và đầu tư vào các nội dung tương tác cao giúp tăng cường hiệu quả của công tác truyền thông, phổ biến kiến thức”, ông Trượng nói.
Ông Bùi Quyết Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực, Viện Báo chí và Truyền thông xã hội lưu ý xây dựng phương án quản trị khủng hoảng truyền thông khi môi trường mạng xã hội nhiều tiềm năng song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khủng hoảng, có thể gây ảnh hưởng đến danh tiếng của doanh nghiệp.
Để hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả tiêu cực của những cuộc khủng hoảng này, cần lên phương án quản trị khủng hoảng từ trước, dự đoán các vấn đề có thể xảy ra và đề ra phương án giải quyết phù hợp. Bên cạnh đó, cần có sự tập huấn đội ngũ nhân sự về kĩ năng phòng ngừa và xử lý khủng hoảng.
Thêm nữa, việc thực hiện hoạt động marketing trên Truyền thông xã hội cần được đi cùng các động tác theo dõi và đánh giá hiệu quả. Cần theo dõi các yếu tố như lượt like, lượt share, lượt view, các comment, doanh số bán hàng từ các trang Mạng xã hội… để đo lường được hiệu quả các hoạt động marketing trên Truyền thông xã hội, từ đó có hướng điều chỉnh chiến lược marketing phù hợp.
Mai Loan