Ngày 31/3, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Phú Thọ phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, UBND huyện Tam Nông tổ chức hội thảo khoa học “Tôn tạo, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử Đền thờ Lý Nam Đế tại xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông”.
Tham dự hội thảo có Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam Phạm Quang Thao; Bí thư Huyện uỷ Tam Nông Vương Đức Thủy; lãnh đạo UBND, huyện ủy Tam Nông; Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Phú Thọ; Lãnh đạo Thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên và huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội cùng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử trong và ngoài tỉnh.
|
Nhà sử học Dương Trung Quốc; ông Hoàng Văn Tuyển, Chủ tịch LHH Phú Thọ; ông Quách Hải Lý, Chủ tịch UBND huyện Tam Nông chủ trì hội thảo.
|
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, với những yếu tố về tự nhiên, lịch sử, văn hóa, xã hội đã góp phần tạo cho huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ một hệ thống di tích lịch sử văn hóa phong phú, đa dạng, độc đáo, giàu giá trị và được lưu giữ cho đến ngày nay. Trong số các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu trên địa bàn huyện, Đền thờ Lý Nam Đế là di tích hàm chứa các giá trị quan trọng về truyền thống lịch sử, tinh thần cách mạng quật cường của dân tộc ta. Giá trị lịch sử của di tích Đền thờ Lý Nam Đế là những tư liệu lịch sử vô giá, có vai trò to lớn trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là cho thế hệ trẻ.
Lý Nam Đế tên thật là Lý Bí, sinh ngày 12 tháng 9 năm Quý Mùi tại huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Đầu năm 542, do căm thù giặc Lương tàn bạo, ông đã triệu tập Nhân dân cùng các hào kiệt nổi dậy chống lại quân Lương xâm lược. Sau khi đánh tan quân xâm lược nhà Lương, tháng giêng năm 544 Lý Bí chính thức lên ngôi Hoàng Đế, tự xưng là Lý Nam Việt Đế, đặt niên hiệu là Thiên Đức, đặt Quốc hiệu là Vạn Xuân thể hiện mong muốn rằng xã tắc truyền đến muôn đời. Đến năm 548, Lý Nam Đế ốm nặng rồi mất tại Gò Cổ Bồng, Động Khuất Lão (nay thuộc khu 12, xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông). Tại đây, nhân dân đã xây dựng đền thờ để tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của Lý Nam Đế.
|
Toàn cảnh Hội thảo. |
Theo báo cáo tổng quan về Đền thờ Lý Nam Đế do ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó chủ tịch UBND huyện Tam Nông trình bày: Do nhiều nguyên nhân và do thời gian tàn phá, Đền thờ và các công trình kiến trúc của di tích tại Gò Cổ Bồng đã bị hư hỏng chỉ còn là phế tích. Từ năm 2010 đến nay, được sự đồng ý của Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, huyện Tam Nông, xã Vạn Xuân cùng với nhân dân trên địa bàn huyện, trên địa bàn xã, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã tiến hành phục hồi, xây dựng lại Đền thờ, Điện Mộ và các công trình kiến trúc khác của di tích Đền thờ Lý Nam Đế. Tuy nhiên đến thời điểm này, Đền thờ Lý Nam Đế nói riêng, Cụm Di tích Lịch sử - Văn hóa Đền thờ Lý Nam Đế - Đình Danh Hựu, xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông nói chung diện tích đất còn ít, quy mô xây dựng còn nhỏ, các công trình kiến trúc chưa đồng bộ, người dân trên địa bàn tỉnh và trong cả nước còn ít biết đến di tích, Cụm di tích chưa trở thành một điểm du lịch tâm linh hấp dẫn của huyện, của tỉnh như mong muốn của cấp ủy, chính quyền và nhân trên trên địa bàn huyện và nhân dân xã Vạn Xuân.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, ông Hoàng Văn Tuyển – Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT đề nghị các đại biểu, các nhà khoa học đóng góp, tư vấn và bổ sung thêm các căn cứ nhằm đánh giá, xác định rõ hơn cơ sở khoa học, thực tiễn về vai trò, vị trí, công lao to lớn của Lý Nam Đế và các tướng sỹ trong lịch sử dân tộc; Xác định cơ sở, căn cứ để đề xuất nâng cấp Đền thờ Lý Nam Đế tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ lên thành di tích lịch sử cấp quốc gia; Kiến nghị đầu tư, tôn tạo, mở rộng quy hoạch để xứng tầm với vị thế Lý Nam Đế, trở thành một quần thể kiến trúc, văn hóa, du lịch, tâm linh.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đánh giá, khẳng định công lao của Vua Lý Nam Đế trong tiến trình lịch sử của dân tộc, cung cấp thông tin khoa học xác định ngày mất của Vua Lý Nam Đế; ý nghĩa nơi thờ tự của Ngài tại xã Vạn Xuân. Nhiều ý kiến của các nhà sử học, nhà nghiên cứu cho rằng, hiện nay, Đền thờ Lý Nam Đế có quy mô quá nhỏ so với nơi thờ tự của các vị vua khác của dân tộc, quy hoạch cảnh quan chung quanh chưa tương xứng với vai trò, vị trí, công lao của Lý Nam Đế - vị Hoàng đế đầu tiên của dân tộc Việt Nam; các hạ tầng cảnh quan chưa đáp ứng cho du khách thập phương về dâng hương tưởng niệm. Mặt khác, Đền thờ Lý Nam Đế tại xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông hiện mới chỉ là di tích lịch sử cấp tỉnh, trong khi, Đền thờ của Ngài tại thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên và huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Đồng thời mong muốn Đền thờ Lý Nam Đế trở thành di tích lịch sử cấp Quốc gia, sớm được đầu tư, tôn tạo, mở rộng quy hoạch trở thành quần thể kiến trúc, văn hóa, du lịch, tâm linh, là điểm đến du lịch trọng điểm, góp phần phát triển du lịch của địa phương.
|
Các đại biểu, nhà khoa học, nhà nghiên cứu dâng hương và thăm quan, khảo sát tại Đền thờ Lý Nam Đế.
|
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định, Hội thảo tiếp tục làm sáng tỏ thân thế, sự nghiệp của Lý Nam Đế và giá trị lịch sự văn hóa đối với nơi thờ tự Ngài. Địa điểm lịch sử gò Cổ Bồng - động Khuất Lão - di tích đền thờ Lý Nam Đế, đình Danh Hựu có đủ tiêu chí để tiến hành các thủ tục đề nghị Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử quốc gia, là việc làm cần thiết nhằm tiếp tục khẳng định giá trị lịch sử của di tích gắn với vai trò của Lý Nam Đế trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý, định hướng lâu dài cho các hoạt động bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích gắn với du lịch văn hóa tâm linh.
Cần tiếp tục nghiên cứu tổng thể các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, sưu tầm các nguồn tư liệu chính thống của nhà nước phong kiến kết hợp với nguồn sử liệu địa phương để xây dựng hồ sơ khoa học về di tích, tiến tới trình các cấp có thẩm quyền xem xét xếp hạng di tích lịch sử quốc gia trong hệ thống di tích Việt Nam. Tổ chức khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích và cắm mốc giới cho di tích, tạo cơ sở pháp lý vững chắc về đất đai, tránh hiện tượng xâm phạm di tích sau này. Quy hoạch tổng mặt bằng tu bổ tôn tạo di tích để có phương án tổng thể việc tôn tạo, tránh việc xây dựng nhỏ lẻ, manh mún làm, chú ý không phá vỡ môi trường, cảnh quan di tích. Đó chính là sự tôn vinh Lý Nam Đế - một nhân vật lịch sử - anh hùng dân tộc gắn với vùng đất lịch sử trên cơ sở nền tảng lịch sử và khoa học bền vững lâu dài trong truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.