VUPDA: Đóng góp tích cực vào quy hoạch, phát triển đô thị cả nước

Google News

Với mục tiêu xây dựng các đô thị Việt Nam “Hiện đại, văn minh và bền vững”, Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam sẽ tiến hành cải cách toàn diện, tập hợp, phát huy mạnh mẽ năng lực, tính chủ động, sáng tạo của hội viên, đóng góp tích cực vào hoạt động quy hoạch và phát triển đô thị trong cả nước.

Báo Tri thức và Cuộc sống xin trân trọng giới thiệu nội dung tham luận của kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam – VUPDA gửi tới Hội nghị Đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức vào ngày 15/9.
Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 24/1998/QĐ-TTg, ngày 2/2/1998 do Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ký. Hội là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp về công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị. Sau hơn 23 năm xây dựng và phát triển, Hội đã tập hợp đông đảo những người làm công tác quy hoạch và phát triển đô thị trong cả nước thuộc các lĩnh vực: quy hoạch và thiết kế đô thị - nông thôn; thiết kế kiến trúc cảnh quan đô thị; quản lý đô thị; bảo vệ môi trường; tư vấn, đào tạo, nghiên cứu khoa học về quy hoạch; đầu tư và phát triển đô thị, thực hiện tích cực chức năng nhiệm vụ của Hội trong công cuộc đô thị hoá và sự nghiệp quy hoạch xây dựng đất nước.
VUPDA: Dong gop tich cuc vao quy hoach, phat trien do thi ca nuoc
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam.
Hội đã thực hiện tốt chức năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước và các chương trình, đề án, dự án trọng tâm, trọng điểm của Bộ Xây dựng, các tỉnh trong cả nước và đã được Nhà nước, Bộ Xây dựng, các địa phương, và dư luận xã hội đánh giá cao
Kết quả thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020
1.Đóng góp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Hội đã tổ chức Hội đồng chuyên môn tập hợp các chuyên gia có kinh nghiệm của Hội đóng góp ý kiến cho nhiều văn bản quy phạm pháp luật đề nghị của các Bộ, ngành và tỉnh, thành phố. Riêng năm 2020, Hội đã nhận được hơn 40 công văn đề nghị đóng góp ý kiến cho các văn bản pháp Luật liên quan đến quy hoạch xây dựng và quản lý đô thị, các đồ án, đề án, dự án của Chính phủ, Bộ Xây dựng, các tỉnh, thành phố.
Nhận thức đây là những công việc quan trọng, ý kiến đóng góp cần có chất lượng cao, mang tính khoa học, sự am hiểu sâu thực tiễn cũng như hiểu rõ những định hướng của quốc gia, của tỉnh, thành phố về các vấn đề kinh tế - xã hội liên quan... Hội đã cử các chuyên gia chuyên ngành có kinh nghiệm tham gia đóng góp ý kiến.
Tham gia với các cơ quan quản lý nhà nước (ở Trung ương cũng như ở địa phương) xây dựng văn bản pháp luật, thể chế về quản lý quy hoạch và phát triển đô thị. Trong đó, có những văn bản quan trọng đối với quy hoạch phát triển đô thị như: Luật Xây dựng sửa đổi năm 2013, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1993, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Thủ đô, dự thảo rà soát điều chỉnh quy chuẩn QCVN 01: 2008/BXD về quy hoạch xây dựng; Góp ý Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc cảnh quan đô thị, “chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” và một số Nghị định, thông tư..
Ngoài ra, các Hội Quy hoạch phát triển đô thị ở các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Thanh Hóa, Hải Phòng….đã tham gia với các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương xây dựng văn bản pháp luật, thể chế về quy hoạch,quản lý quy hoạch và phát triển đô thị tại các địa phương.
Các ý kiến đóng góp của Hội rất khách quan, khoa học. Vì vậy, nhiều vấn đề, nhiều quy định pháp luật liên quan đã được các Ban soạn thảo tiếp thu, giải trình, sửa đổi. Đặc biệt những kiến nghị của Hội đóng góp trong Luật Quy hoạch trong thời gian gần đây đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu và chỉnh sửa.
Đáng chú ý, thời gian gần đây để chuẩn bị cho các văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng vào năm 2021, Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam đã được Ban kinh tế Trung ương tin tưởng mời tham gia soạn thảo, đóng góp ý kiến vào các nội dung quan trọng trình Bộ Chính trị như: Nghị quyết 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựngThừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 45-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 58 NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Đặc biệt, nhiều chuyên gia có uy tín của Hội Quy hoạch được Ban kinh tế Trung ương mời trực tiếp tham gia góp ý, xây dựng đề án “Đô thị hóa và phát triển Đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định vào thời gian tới. Đây sẽ là Nghị quyết đầu tiên của Bộ Chính trị về đô thị hóa và phát triển đô thị trong quá trình CNH – HĐH tại Việt Nam, với tầm nhìn đến năm 2045, hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày khai sinh nước Việt Nam độc lập.
2. Đóng góp trong công tác quy hoạch phát triển đô thị
2.1. Công tác tư vấn phản biện xã hội
Trong những năm qua, Hội đã có nhiều đóng góp và tư vấn phản biện cho các Bộ, ngành, tỉnh thành phố, đô thị về công tác quy hoạch phát triển đô thị.
Trung ương Hội đã tham gia tất cả các Hội đồng thẩm định của Bộ Xây dựng để góp ý cho các đồ án quy hoạch thuộc thẩm quyền Thủ tướng phê duyệt; các đồ án quy hoạch vùng kinh tế liên tỉnh, vùng tỉnh; nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung cũng như các đồ án quy hoạch chung các thành phố lớn, quy hoạch các khu kinh tế cửa khẩu và các khu kinh tế quan trọng khác của đất nước. Các hội cơ sở, chi hội đã đóng góp ý kiến, phản biện cho những đồ án, đề án, chiến lược phát triển kinh tế- xã hội và quản lý đô thị tại địa phương…
Thẩm định Đề án nâng cấp đô thị: Đề án đề nghị công nhận thành thị xã Chơn Thành tỉnh Bình Phước là đô thị loại IV, Đề án đề nghị công nhận thị xã Phú Mỹ- tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu là đô thị loại 3; Đề án đề nghị công nhận thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh là đô thị loại III; Đề án đề nghị công nhận thành thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước là đô thị loại IV; Đề án đề nghị đô thị Phố mới mở rộng tỉnh Bắc Ninh là đô thị loại 4.
Thẩm định nhiệm vụ đồ án quy hoạch: Nhiệm vụ quy hoạch chung Khu kinh tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, tỉnh Gia Lai, Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Hòn La, tỉnh Quảng Bình. Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Đà Nẵng …
Phản biện các đồ án quy hoạch: Phản biện nhiều đồ án quan trọng do Bộ Xây dựng, TP Hà Nội, các tỉnh, thành phố đề nghị như: 10 quy hoạch phân khu của TP Hà Nội và nhiều đồ án, dự án khác do địa phương thực hiện.
Chủ tịch Hội và một số chuyên gia của Hội đã được mời tham gia nhiều hội đồng chấm giải thưởng kiến trúc - quy hoạch của một số địa phương và các tập đoàn, Tổng công ty như: Tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình hỗ hợp của tập đoàn Tân Hoàng Minh; ý tưởng điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hội An...
Thông qua các ý kiến đóng góp tại các hội đồng thẩm định, các cuộc họp với luận cứ khoa học đã được Cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương đã thu nhận được nhiều tham vấn quan trọng mang giá trị thực tiễn, sáng tạo và đột phá giúp cơ quan quản lý, chính quyền địa phương nhìn nhận vấn đề và giải quyết vấn đề chính xác và hiệu quả. Bổ sung, điều chỉnh, góp phần nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch góp phần thiết lập kỷ cương trong xây dựng và phát triển đô thị, vì vậy những công tác này đã tạo được tín nhiệm của Hội trong tỉnh.
Phản biện các vấn đề bức xúc của xã hội: Lãnh đạo Hội đã chủ động đề nghị với lãnh đạo một số tỉnh, thành phố tổ chức các hội thảo khoa học để Hội đề xuất các giải pháp giúp các nhà quản lý trong quá trình lãnh đạo chỉ đạo quy hoạch phát triển đô thị;
Trong năm vừa qua lãnh đạo Hội thường xuyên trả lời phỏng vấn các đài Truyền hình Trung ương, Hà Nội, các báo Tiền Phong, Hà Nội, Lao Động, Kinh tế, Xây dựng ... phản biện một số vấn đề xã hội bức xúc như: Những thách thức của quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng ở Việt Nam; vấn đề phát triển bền vững đô thị và nông thôn; vấn đề biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến đô thị, điểm dân cư nông thôn và hạ tầng giao thông, hệ thống điện lưới, cấp nước; phát triển kinh tế ban đêm của các đô thị du lịch, đô thị trung tâm vùng; lát đá vỉa hè Hà Nội và các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn quy chuẩn xây dựng; vấn đề ách tắc giao thông tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội; phát triển nhà ở xã hội, thoát nước đô thị, cây xanh - mặt nước, biển quảng cáo, quản lý trật tự đô thị; thiết kế đô thị...;
2.2.Hoạt động khoa học, công nghệ và môi trường
- Các hoạt động nghiên cứu khoa học: Đã triển khai nhiều dự án, đồ án và các đề tài NCKH cấp nhà nước, cấp Bộ và thành phố, các đơn vị của Hội trực tiếp thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, tư vấn hàng trăm đồ án quy hoạch, đề án, dự án quan trọng cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp tỉnh, thành phố để giúp cơ quan quản lý nhà nước định hướng quản lý phát triển đô thị đồng thời tự trang trải cho các hoạt động và tạo thu nhập cho cán bộ.
Trong giai đoạn 2016-2020, Hội đã triển khai 3 đề tài được Bộ Xây dựng và TP Hà Nội giao như đề tài “Mô hình quản lý phát triển đô thị phù hợp với điều kiện Việt Nam” đã được Bộ Xây dựng nghiệm thu đạt loại xuất sắc tháng 5/2020. Đề tài: “Nghiên cứu hình thái, cấu trúc đô thị sinh thái để xây dựng tiêu chí và nguyên tắc quản lý đô thị sinh thái theo quy hoạch chung và định hướng phát triển bèn vững” đã dược UBND TP Hà Nội nghiệm thu đạt loại xuất sắc. Đề tài “Ứng dụng Công nghệ ảnh 3600 trong lĩnh vực lưu trữ và quản lý quy hoạch kiến trúc cho các đô thị Việt Nam” đã được nghiệm thu đạt loại khá tháng 10/2020.
Tổ chức các Hội thảo quốc tế và trong nước: Trung ương Hội và các Hội cơ sở đã chủ động phối hợp với Bộ, ngành Trung ương, chính quyền các địa phương, tổ chức quốc tế tổ chức nhiều hội thảo khoa học đóng góp ý kiến mang tính khoa học và thực tiễn để giúp chính quyền địa phương có thêm nhiều thông tin những bài học kinh nghiệm bổ ích trong tiến trình phát triển đô thị của đất nước.
Như: Hội thảo quốc tế “Hà Nội thiên niên kỷ - Quá khứ và tương lai”, “Quy hoạch và phát triển đô thị xanh và thông minh ở Việt Nam”, “Xây dựng năng lực quản lý hành chính công đô thị: Chia xẻ kinh nghiệm giữa Việt Nam và Hàn Quốc”, “Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”, “Quy hoạch thành phố Đà Nẵng - Hội nhập và phát triển”, “Phát triển thành phố Điện Biên Phủ - tiềm năng - cơ hội và thách thức”, “Bảo tồn và phát huy giá trị không gian Kiến trúc - Văn hóa - Lịch sử Hồ Hoàn Kiếm tạo dựng thương hiệu đô thị của Thủ đô Hà Nội”
2.3. Hoạt động đào tạo
Hội đã quan tâm đến công tác tổ chức các lớp, khoá đào tạo bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cho các hội viên của Hội và cán bộ chuyên môn, cán bộ quản lý ở các địa phương.
Trong khuôn khổ dự án “Vận động ở cấp Quốc gia và nhân rộng các hành động thích ứng với biến đổi khí hậu” được tiến hành ở thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đà Lạt, Sa Pa đã đào tạo chuyên môn cho các nhà quy hoạch và xây dựng kiến trúc đô thị với gần 30 tỉnh thành tham gia. Dự án đã kết thúc vào tháng 6/2015.
Dự án “Xây dựng Bộ chỉ số đô thị chống chịu với biến đổi khí hậu tại Việt Nam” được tiến hành tại 5 thành phố Lào Cai, thành phố Hội An, Cẩm Phả, Gia Nghĩa, và Cà Mau. Tại mỗi thành phố, dự án đã tổ chức 3 khóa đào tạo cho cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn của thành phố. Dự án đã kết thúc vào tháng 6/2016.
Để tạo sân chơi bổ ích, nơi giao lưu trao đổi chuyên môn cho các nhà quy hoạch trẻ Hội đã thành lập “Câu lạc bộ Quy hoạch trẻ” tại Hà Nội. Đến nay, câu lạc bộ đã có gần 600 hội viên là các kiến trúc sư trẻ, sinh viên Khoa Quy hoạch của các trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Xây dựng, Đại Học Phương Đông, Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công Nghiệp tham gia.
Câu lạc bộ đã tổ chức sinh hoạt với nhiều nội dung phong phú như: Báo cáo các chuyên đề về lĩnh vực quy hoạch, Biến đổi khí hậu và ứng phó với biển đổi khí hậu, Thảm họa đô thị; “Quy hoạch Thành phố Xanh”. Giới thiệu cho các Hội viên về quan hệ hợp tác và hoạt động 4 hội Quy hoạch Việt Nam, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản. Đặc biệt là nội dung Hội thảo“Chiến lược và giải pháp phát triển Thành phố thông minh tại thành phố Hồ Chí Minh” qua đó cung cấp kiến thức về xây dựng thành phố thông minh và tìm hiểu về cơ hội thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Mời một số chuyên gia trong nước và quốc tế đến trình bầy nhiều chuyên đề liên quan đến quy hoạch xây dựng đô thị, quản lý đô thị. Để tuyên truyền phổ biến kiến thức cho các hội viên, Hội và công ty AShui đã thành lập Câu lạc bộ Điện ảnh Kiến trúc, duy trì đều đặn chiếu phim hàng tháng với nhiều chủ đề phong phú trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, quản lý đô thị nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho các kiến trúc sư, các nhà quản lý.
Các hội viên của Hội đã tham gia các hoạt động về đào tạo đại học và trên đại học tại nhiều trường Đại học như: ĐH Kiến trúc Hà Nội, ĐH Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh, ĐH Xây dựng, ĐH dân lập Phương Đông, Viện Đại học mở...
2.4.Hoạt động thông tin truyền thông
Nhằm kịp thời cung cấp thông tin về quy hoạch và quản lý phát triển đô thị cũng như thông tin các hoạt động của Hội tới độc giả nói chung và hội viên nói riêng, Hội đã liên tục phát hành các số theo đúng định kỳ để kịp thời cung cấp thông tin về quy hoạch và phát triển đô thị, những định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Xây dựng trong năm, công tác quản lý nhà nước và phát triển của ngành xây dựng và các hoạt động của Hội tới độc giả nói chung và hội viên nói riêng.
Trong thời gian qua, tạp chí đã nhận được sự ủng hộ, yêu quý của các độc giả và được dư luận xã hội đánh giá cao, và nhận được giải thưởng quốc gia do Hội Kiến trúc sư Việt Nam-Bộ Xây dựng-Bộ Văn hóa Thông tin, Thể thảo và Du lịch trao tặng.
2.5.Giải thưởng quy hoạch đô thị quốc gia
Được phép của Thủ tướng Chính phủ, năm 2018, nhằm nâng cao vị thế và đánh giá đúng vai trò của công tác quy hoạch, công tác xây dựng và quản lý phát triển đô thị cũng như nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp có những đóng góp xuất sắc trong quá trình tham gia vào công tác quy hoạch và phát triển đô thị, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam tổ chức Giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia lần thứ nhất-VUPA 2018 với sự bảo trợ của Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường và Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam. Đây là một sáng kiến, có ý nghĩa to lớn, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, phát triển và quản lý đô thị của đất nước.
Ban tổ chức Giải thưởng đã nhận được hàng trăm các đồ án, dự án, ấn phẩm và hồ sơ của các tổ chức, cá nhân trên phạm vi cả nước tham gia giải thưởng. Ban tổ chức giải thưởng đã thành lập các hội đồng chuyên ngành và hội đồng giải thưởng quy hoạch đô thị quốc gia để tiến hành chấm và xét giải thưởng. Các thành viên trong các hội đồng là các chuyên gia uy tín có nhiều kinh nghiệm về chuyên môn quản lý, nghiên cứu trong và ngoài nước. Đặc biệt, có sự tham gia của Giáo sư AlfonsoVegara Chủ tịch hội đồng giải thưởng quy hoạch vùng và đô thị Châu Âu.
Sau một thời gian làm việc khẩn trương, nghiêm túc, minh bạch, Hội đồng Giải thưởng Quy hoạch đô thị Quốc gia lần thứ nhất đã thống nhất lựa chọn, xếp hạng các đồ án, dự án, ấn phẩm, hồ sơ của các tổ chức, cá nhân tiêu biểu cho thực tế phát triển đô thị rất sống động hiện nay để trao giải và các danh hiệu cao quý cho các đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp đã có những đóng góp xuất sắc trong công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị Việt Nam. Hội đã phát động Giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia lần thứ 2 và đã nhận dược sự hưởng ứng của đông đảo các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp,.. trong cả nước.
2.6. Một số hoạt động xã hội
Trong thời gian có đại dịch COVID-19, Hội đã đề nghị các Hội thành viên nhắc nhở Hội viên thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống COVID-19. Đồng thời, quan tâm động viên và giúp đỡ các Hội viên khó khăn của đơn vị mình, tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội chữ thập đỏ Việt Nam về “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19”.
Hội đã tổ chức quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch COVID - 9. Với tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, ngày 3/4/2020 thay mặt toàn thể các hội viên của Hội, đoàn cán bộ của Văn phòng Trung ương Hội do đồng chí Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội làm trưởng đoàn đã đến trụ sở Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao tặng kinh phí với trị giá 30.000.000 đồng (ba mươi triệu đồng) cho Quỹ phòng, chống dịch Covid-19. Tháng 5/2021, hưởng ứng phát động của Liên hiệp Hội KHKTVN, Hội đã tiếp tục quyên góp ủng hộ phòng, chống COVID-19.
VUPDA: Dong gop tich cuc vao quy hoach, phat trien do thi ca nuoc-Hinh-2
 
Một số định hướng hoạt động trong giai đoạn 2021-2025
Đại hội Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam lần thứ V đã xác định một số định hướng hoạt động trọng tâm trong giai đoạn 2021-2025 như sau:
+ Tăng cường giao lưu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu điển hình, lý luận mới… giữa các hội thành viên và hội viên bằng nhiều hình thức phong phú, hiệu quả.
+ Tăng cường lồng ghép các hoạt động chuyên môn với tuyên truyền phổ biến kiến thức cho nhân dân. Tạo lập mối quan hệ thông tin hai chiều giữa các nhà chuyên môn trong quy hoạch và xây dựng phát triển đô thị với cộng đồng.
+ Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội từ Hội Trung ương đến hội cơ sở.
+ Tham mưu đề xuất với Đảng và Nhà nước, các cơ quan quản lý chuyên môn những vấn đề quan trọng về chủ trương, chính sách, định hướng quy hoạch xây dựng phát triển đô thị cũng như tiếp tục đóng góp tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Quy hoạch.
+ Huy động các nhà khoa học, nghiên cứu có kinh nghiệm tham gia tích cực trong việc xây dựng các văn bản pháp luật; góp ý kiến, tư vấn phản biện đối với các quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư xây dựng phát triển đô thị cả ở trung ương và các địa phương.
+ Tăng cường hoạt động giao lưu với các địa phương, các thành phố lớn trong cả nước để đóng góp ý kiến về công tác phát triển và quản lý đô thị.
+ Chủ động đề xuất nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các đề án được xã hội quan tâm. Tổ chức thực hiện và đề xuất kiến nghị gửi tới các cơ quan có liên quan và các cấp có thẩm quyền xem xét.
+ Tham mưu kiến nghị với nhà nước về việc hoàn chỉnh, bổ sung các văn bản pháp luật về tư vấn, phản biện và giám định xã hội nhằm đạt hiệu quả cao trong hoạt động quy hoạch xây dựng phát triển đô thị.
+ Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo bồi dưỡng trong lĩnh vực quy hoạch và xây dựng phát triển đô thị.
+ Động viên và hướng dẫn để các hội viên tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, công nghệ và môi trường trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị.
+ Củng cố tổ chức và hoạt động của Hội đồng khoa học cơ quan Trung ương Hội, các ban và các hội thành viên.
+ Chủ động tập hợp các chuyên gia để đăng ký và thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp nhà nước, cấp Bộ đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập trung vào các đề tài có tính lý luận và vấn đề bức thiết phục vụ thực tiễn quy hoạch và phát triển đô thị.
+ Chủ động phối hợp với các Viện nghiên cứu, các cơ sở khoa học để tập trung triển khai các đề tài khoa học công nghệ đóng góp có hiệu quả vào công tác quy hoạch, phát triển đô thị .
+ Chủ động hoặc phối hợp với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu xây dựng chương trình và tài liệu để tổ chức các lớp, khóa đào tạo bồi dưỡng, các hội thảo về quy hoạch xây dựng, quản lý đô thị, đầu tư phát triển đô thị phục vụ nhu cầu của các địa phương.
+ Tăng cường năng lực, sẵn sàng tiếp nhận và thực hiện tốt các dịch vụ công do nhà nước chuyển giao như cấp chứng chỉ hành nghề, dịch vụ hỗ trợ pháp lý… trong hoạt động quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị.
+Hoạt động khuyến khích sáng tạo, tôn vinh các cá nhân, tổ chức có đóng góp tích cực trong lĩnh vực quy hoạch và phát triển đô thị:
+ Tiếp tục hoàn thiện nội dung Giải thưởng Quy hoạch Đô thị quốc gia lần thứ hai tổ chức vào năm 2020 nhằm nâng cao vai trò và vị thế của giải thưởng trong công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị Việt nam.
+ Xây dựng, vận động hình thành quỹ khen thưởng các cá nhân, tổ chức có đóng góp tích cực trong lĩnh vực quy hoạch và phát triển đô thị; khen thưởng các sinh viên quy hoạch đạt thành tích xuất sắc trong học tập hoặc nghiên cứu khoa học.
+ Duy trì và nâng cao chất lượng giải thưởng đồ án sinh viên quy hoạch, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật và môi trường đô thị.
+ Tham gia tổ chức các cuộc thi về quy hoạch xây dựng hoặc các cuộc thi đề xuất phương án giải quyết các vấn đề bức xúc trong thực tiễn phát triển đô thị cấp quốc gia và các địa phương.
+ Đẩy mạnh các hình thức thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm và giới thiệu các điển hình, mô hình tốt về quy hoạch phát triển đô thị trên trang thông tin điện tử của Hội và các Hội cơ sở
+ Động viên, huy động các hội thành viên và các hội viên tham gia tích cực vào hoạt động thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong ngành, giới và cộng đồng.
+ Từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu lý luận và hiện trạng về quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị phục vụ chung cho hội viên, ngành và xã hội.
Kết luận
Trải qua hơn 20 năm xây dựng và hoạt động, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, bước đầu đáp ứng yêu cầu của tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Là nhân tố tập hợp và phát huy vai trò những người tham gia hoạt động về quy hoạch và xây dựng phát triển đô thị bao gồm cả quản lý, tư vấn, nghiên cứu, đào tạo và đầu tư xây dựng.
Trong giai đoạn 2016-2020 vừa qua, Hội đã có những đóng góp tích cực vào thực tiễn công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị thông quan hoạt động tư vấn, phản biện xã hội, hội thảo khoa học, nghiên cứu khoa học và đào tạo…
Với mục tiêu xây dựng các đô thị Việt Nam: “Hiện đại, văn minh và bền vững”, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam sẽ tiến hành cải cách toàn diện nhằm tập hợp và phát huy mạnh mẽ năng lực, tính chủ động, sáng tạo của hội viên, đóng góp tích cực vào hoạt động quy hoạch và phát triển đô thị trong cả nước, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng khang trang, giàu đẹp.
 >>> Mời độc giả xem thêm video VUSTA gặp gỡ cơ quan báo chí trong hệ thống:

Nguồn: Kinh tế Tập đoàn.

PV