Xã hội hóa nguồn lực trồng rừng

Google News

Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề môi trường cấp bách. Để giải quyết, cần huy động sức mạnh tổng lực từ xã hội nhằm thúc đẩy nỗ lực chung trong việc phục hồi thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, kể từ năm 2022 đến nay diện tích rừng trồng đã tăng lên đáng kể, khoảng 2.653.876 ha. Những năm gần đây, diện tích rừng trồng do các hộ gia đình thực hiện tăng nhiều nhất so với các chủ rừng khác. Hưởng ứng Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành kế hoạch, đề án hoặc văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện trồng rừng và cây xanh trên địa bàn.
Các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền, cộng đồng dân cư về công tác phát triển rừng và trồng cây xanh, huy động nguồn lực từ xã hội hóa, kết hợp lồng ghép với các chương trình, dự án tài trợ, dự án đầu tư công theo quy định của pháp luật để thực hiện Đề án. Tổng cục Lâm nghiệp đã tham mưu Bộ trưởng ban hành Chỉ thị số 9095/CT-BNN-TCLN về tổ chức phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Nhâm Dần và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng năm 2022; ban hành văn bản số 5505/BNN-TCLN ngày 19/8/2022 gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc đẩy mạnh tiến độ thực hiện kế hoạch trồng rừng và trồng cây phân tán năm 2022.
Xa hoi hoa nguon luc trong rung
Chung tay phục hồi thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu
Một số tổ chức, doanh nghiệp có nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, và cam kết đồng hành “Vì một Việt Nam xanh”: Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên GAIA đã kêu gọi và tiếp nhận nguồn tiền đóng góp từ các doanh nghiệp, cá nhân trong nước để trồng, chăm sóc rừng tại các Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn thiên nhiên; Ngân hàng Agribank tổ chức chương trình trồng cây xanh với chủ đề “Agribank vì tương lai xanh - Thêm cây thêm sự sống” ở một số địa phương; Chương trình “Một triệu cây xanh cho Việt Nam” của Công ty Cổ phần sữa Việt Nam; “Chung tay xanh hóa học đường” của Công ty Toyota Việt Nam; “Hành động vì một Việt Nam xanh” của Công ty TNHH Unilever Việt Nam; “Sống khỏe góp xanh cùng Panasonic” của Công ty TNHH Panasonic Việt Nam,… và rất nhiều tổ chức, cá nhân khác đã có các hoạt động tích cực, ý nghĩa nhằm bảo vệ, phát triển rừng và trồng cây xanh trên khắp mọi miền của tổ quốc.
TS. Ngô Văn Hồng - Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Tài nguyên vùng cao (CEGORN) trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam cho biết, Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam (VARS) đã khởi động dự án “Cùng phục hồi rừng đầu nguồn Sông Gianh” từ năm 2021.
Lưu vực Sông Gianh và Sông Thạch Hãn có diện tích trên 450.000 ha nằm trên sườn Đông của dãy núi Trường Sơn. Địa hình khu vực này có độ dốc tương đối lớn với hệ thống sông suối dày đặc và là khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao. Mặc dù vậy, trong nhiều năm qua, do nhiều nguyên nhân khác nhau, diện tích rừng tự nhiên ở trong khu vực đã bị giảm dần cả chất lượng và số lượng. Dự án trồng và phục hồi rừng đầu nguồn Sông Gianh là hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Mục tiêu chính của Dự án là vận động cộng đồng đóng góp để trồng các loài cây bản địa, gìn giữ và khôi phục rừng tự nhiên với thông điệp “Góp 1 cây để có rừng”. Thông qua khoản ngân sách huy động, VARS hỗ trợ cây giống, kỹ thuật, phân bón và một phần chi phí tiền công chăm sóc năm đầu và hai năm tiếp theo trên diện tích hỗ trợ. Sau hai năm hoạt động, VARS đã trồng được 382993,919 cây với các loại giống cây bản địa như Lim, Dổi, Huỷnh, Vàng Tim, Re, Lát, Xoan tại hai lưu vực Sông Gianh và Sông Thạch Hãn.
Xa hoi hoa nguon luc trong rung-Hinh-2
Ngô Văn Hồng - Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Tài nguyên vùng cao (CEGORN)
Theo TS. Ngô Văn Hồng, nguồn lực xã hội hoá cho hoạt động trồng rừng hiện nay rất lớn, song hành lang pháp lý cho các đơn vị thực hiện chức năng vận động để trồng và phục hồi rừng vẫn còn có những hạn chế. Tương tự như vậy đối với nguồn lực huy động cho trồng và phục hồi rừng từ các tổ chức quốc tế. Cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các chủ rừng và các cơ quan liên quan để giải quyết khó khăn liên quan đến rà soát đất đai, thiết kế trồng rừng, chọn giống cây, nghiệm thu, quản lý bảo vệ rừng sau khi trồng...
Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích người dân trồng và phục hồi rừng bằng cây bản địa, lựa chọn trồng xen những loài cây có khả năng thu hái lâm sản nhằm đảm bảo thu nhập cho người dân về lâu dài, đồng thời tăng cường khả năng phòng hộ của rừng. Nâng cao hiểu biết về chương trình giảm phát thải khí nhà kính, trao đổi tín chỉ carbon và thị trường tín chỉ carbon hiện nay.
“Xây dựng ý thức của toàn xã hội để trồng cây, trồng rừng trở thành một phương thức ứng xử; để “trồng một cây” vào những dịp trọng đại của đất nước, của địa phương, của gia đình, của cá nhân trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt Nam, ông Hồng chia sẻ.
Theo HT/Vusta