Theo Viktor Murakhovsky – Tổng biên tập tạp chí Arsenal Otechestva cũng là một chuyên gia quân sự và cựu sĩ quan lái xe tăng trong một bài phân tích của mình cho rằng, chiến trường Syria đang trở thành nơi đối đầu không khoan nhượng giữa xe tăng và tên lửa chống tăng nổi tiếng nhất thế giới. Và cũng là nơi các dòng xe tăng chiến đấu chủ lực do Nga chế tạo thể hiện điểm mạnh yếu của mình.
Trong một đoạn video được lực lượng nổi dậy tại Syria đăng tải mới đây cho thấy một tên lửa chống tăng dẫn đường TOW do Mỹ chế tạo đã bắn trúng một chiếc xe tăng T-90 của Quân đội chính phủ Syria. Tuy nhiên vụ tấn công này không gây thiệt hại gì nhiều cho chiếc xe tăng trên.
|
Kể từ cuối năm 2015, Nga bắt trang bị hạn chế cho Quân đội chính phủ Syria dòng xe tăng chiến đấu chủ lực T-90A - quả đấm thép của Quân đội Nga trên chiến trường.
|
Điều này đã một lần nữa cho thấy sự nguy hiểm của các loại tên chống tăng dẫn đường đang được sử dụng ở Syria đối với lực lượng tăng thiết giáp của Quân đội chính phủ Syria, kể cả khi họ được trang bị một chiếc xe tăng chiến đấu hiện đại như T-90.
Tuy nhiên lực lượng nổi dậy không phải là phe duy nhất sử dụng tên lửa chống tăng tại Syria. Khi mà Quân đội chính phủ Syria cũng sử dụng loại vũ khí này để đối phó với những chiếc xe tăng hay xe bọc thép tự tạo của đối phương. Tất nhiên số lượng xe tăng của lực lượng nổi dậy hay của các nhóm khủng bố ở Syria không nhiều nhưng chúng vẫn thường xuyên xuất hiện trên chiến trường.
Vậy thực sự có bao nhiều chiếc xe tăng bị phá hủy bởi các loại vũ khí chống tăng tại chiến trường Syria ?
Syria - nơi quy tụ tên lửa chống tăng thế giới
Sự đa dạng của các loại tên lửa chống tăng dẫn đường và súng phóng lựu chống tăng ở Syria là rất lớn, khi quốc gia này giờ đây đang trở thành thiên đường vũ khí chợ đen. Bạn có thể tìm thấy bất cứ loại tên lửa chống tăng nào do Liên Xô hay Nga chế tạo tại Syria từ 9K111 Fagot, 9M113 Konkurs cho đến cả 9M133 Kornet (phần lớn là do Quân đội chính phủ Syria sử dụng).
Bên cạnh đó không thể không kể tới dòng tên lửa chống tăng dẫn đường TOW-2A do Mỹ chế tạo chúng được Phương Tây cấp cho các nhóm “đối lập ôn hòa” ở Syria nhưng đa số đều có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar hay Ả Rập Xê-út.
|
Trong suốt một khoảng thời gian dài, kể từ khi Nội chiến Syria nổ ra tên lửa chống tăng TOW dường như không có đối thủ.
|
Ngoài ra tại Syria còn có vô số loại vũ khí chống tăng do Trung Quốc, Iran thậm chí là của Châu Âu chế tạo được sử dụng hạn chế bởi một số lực lượng dân quân bán vũ trang hoặc Quân đội chính phủ Syria.
Tuy nhiên, vũ khí chống tăng đáng sợ nhất ở Syria vẫn là các hệ thống TOW-2A của lực lượng nổi dậy. Tính từ đầu cuộc chiến cho tới nay đã có hàng trăm chiếc xe tăng của Quân đội chính phủ Syria bị tên lửa TOW bắn hạ. Đặc biệt, nguồn tên lửa TOW tại Syria vẫn luôn là câu hỏi lớn cho nhiều chuyên gia phân tích quân sự khi có tới hàng ngàn tên lửa loại này xuất hiện tại Syria và dòng chảy của TOW tại Syria vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trước đó vào cuối năm ngoái, một quả TOW-2A của lực lượng nổi dậy cũng đã phá hủy hoàn toàn một chiếc trực thăng vận tải đa năng Mi-8 của Không quân Nga khi nó đang nỗ lực giải cứu phi công chiếc tiêm kích bom Su-24M bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi vào 24/11/2015. Dù được đưa vào trang bị từ lâu, nhưng TOW vẫn là thứ vũ khí đặc biệt nguy hiểm trên chiến trường khi nó có thể bắn hạ mọi mục tiêu di chuyển với tốc độ chậm thậm chí là cả mục tiêu bay tầm thấp.
Do đó việc xe tăng của Quân đội chính phủ Syria bị tấn công bởi loại tên lửa chống tăng như TOW là điều không thể tránh khỏi nhất là với các vị trí có giáp khá mỏng trên xe tăng.
|
Hình ảnh chiếc trực thăng vận tải Mi-8 của Nga bị TOW phá hủy khi nó đang đậu dưới mặt đất trong chiến dịch giải cứu Su-24M vào cuối năm 2015.
|
Vì sao TOW nắm được thóp của T-90 tại Syria ?
Phân tích hình ảnh đoạn video T-90 bị TOW bắn trúng tại Syria, ta có thể thấy đa phần những chiếc T-90 này đều được Nga sản xuất từ đầu những năm 1990 với thiết kế tháp pháo đặc trưng cùng với đó là hệ thống gây nhiễu điện tử Shtora-1 được đặt trên tháp pháo.
Hầu hết biến thể xe tăng T-90 của Nga đều được trang bị hệ thống giáp phản ứng nổ Kontakt-5 bao phủ hầu hết toàn bộ phần thân xe tăng cùng với đó là các tấm giáp bảo vệ bổ sung bằng composite. Chính vì lý do này mà ngay cả khi chiếc T-90 của Quân đội chính phủ Syria trúng nguyên một quả TOW-2A nhưng vẫn không thể xuyên qua được phần giáp chính của xe.
Nhưng vấn đề cốt lõi ở đây là vì sao hệ thống gây nhiễu điện tử Shtora-1 trên T-90A không hoạt động khi TOW di chuyển gần tới xe tăng. Và phân tích kỹ hình ảnh ta có thể thấy kíp chiến đấu T-90A của Quân đội chính phủ Syria đã để mở cửa nắp tháp pháo khi nó đang hoạt động và điều này đã dẫn tới việc Shtora-1 bị ngắt tự động.
|
Một phần hình ảnh đoạn video ghi lại khoảng khắc quả tên lửa TOW của quân nổi dậy Syria lao tới chiếc T-90A với hệ thống phòng vệ Shtora-1 không được bật.
|
Với sức ép của 6kg thuốc nổ cực mạnh trên quả tên lửa TOW cùng với đó là nắp tháp pháo mở đã khiến xạ thủ của chiếc T-90A bỏ chạy khỏi xe. Điều may mắn cho kíp chiến đấu của chiếc T-90A này là những chiếc xe tăng do Nga chế tạo luôn được thiết kế để có thể chịu được các đợt tấn công đầu tiên của đối phương ở bất kỳ phương vị nào ngay cả khi các biện pháp phòng vệ bị vô hiệu hóa.
“Sói đơn độc” - mục tiêu dễ dàng cho tên lửa chống tăng
Việc hành quân tác chiến đối với các đơn vị bộ binh cơ giới có xe tăng đi kèm luôn đóng vai trò hết sức quan trọng trên chiến trường, cả xe tăng lẫn lực lượng bộ binh đều có nhiệm vụ hỗ trợ lẫn nhau về mặt hỏa lực lẫn chống các đợt phản công của đối phương. Tuy nhiên ở Syria ta thấy có một tình trạng khá phổ biến là các đơn vị xe tăng chiến đấu chủ lực của Quân đội chính phủ Syria thường hoạt động riêng lẻ. Chính điều này đã biến nó trở thành mồi ngon cho “xạ thủ” diệt tăng của lực lượng nổi dậy luôn biết các ẩn nấp trên chiến trường.
Còn về chiếc xe tăng T-90 bị bắn trúng là khi nó đang hoạt động tại thị trấn Sheikh-Akil phía tây bắc Aleppo nơi nhóm "Đại bàng núi Zawiya", một nhóm nhỏ thuộc quân đoàn 5 của Quân đội Tự Do Syria (FSA) đang giao tranh với quân chính phủ. Hiện tại Quân đội chính phủ Syria và lực lượng dân quân tình nguyện đang nổ lực chiếm lại thị trần này từ tay FSA những vẫn chưa thành.
|
Với kiểu tác chiến đơn lẻ của lực lượng xe tăng thuộc Quân đội chính phủ Syria hiện nay, họ khó có thể thay đổi được gì nhiều nếu không có sự hổ trợ hỏa lực từ phía Nga.
|
Ngay sau khi bắn trúng chiếc T-90A, các “xạ thủ” TOW của quân nổi dậy đã ngay lập tức rời khỏi khu vực và có một điều chắc chắn rằng vụ tấn công không gây ảnh hưởng nhiều đến chiếc T-90A này ngoài các thiết bị quan sát của nó bị phá hủy.
Theo Murakhovsky, nhìn chung sẽ không có bất cứ sự đột phá nào đối Quân đội chính phủ Syria ngay khi họ được trang bị các loại vũ khí hiện đại như T-90. Hay thậm chí cả tiêm kích đa năng Su-35, nếu như các loại vũ khí trên không được sử dụng một cách hiệu quả.
Sự thiếu hợp đồng tác chiến giữa các đơn vị bộ binh với lực lượng pháo binh hay không quân luôn là điểm yếu lớn nhất của Quân đội chính phủ Syria. Việc tác chiến riêng lẻ giữa các đơn vị bộ binh cơ giới trên chiến trường thường không mang lại ý nghĩa chiến lược lớn nào cả.
Trà Khánh