Clip bắn thử nghiệm tên lửa SM-6:
Tạp chí National Interest đưa tin, tập đoàn Raytheon phối hợp cùng Hải quân Mỹ đã thử nghiệm thành công giải pháp dùng tên lửa phòng không cho mục đích chống hạm. Trong thử nghiệm, tàu khu trục USS John Paul Jones (DDG-53), lớp Arleigh Burke đã phóng đi một tên lửa phòng không SM-6 đánh chìm tàu hộ vệ tên lửa ngưng sử dụng USS Reuben James (FFG 57), lớp Oliver Hazard Perry.
Tiến sĩ Taylor Lawrence, giám đốc bộ phận tên lửa của tập đoàn Raytheon hồ hởi tuyên bố vào ngày 7/3 rằng: “Sự kiện thử nghiệm này tiếp tục chứng minh sự hợp tác phát triển công nghệ giữa công ty với Hải quân Mỹ trong nhiều thập kỷ qua. Khả năng tận dụng tên lửa sẵn có cho nhiệm vụ chống hạm giúp nâng cao khả năng tác chiến cho hải quân”.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã tiết lộ giải pháp biến tên lửa SM-6 thành vũ khí chống hạm tầm xa để xua tan những phàn nàn về việc Hải quân Mỹ thiếu tên lửa chống hạm tầm xa. Khả năng chống hạm của SM-6 là rất thiết thực trong các cuộc xung đột nếu có với Hải quân Trung Quốc hoặc Nga.
Đại diện Raytheon cho biết, thử nghiệm này là một phần trong chương trình “sát thương phân tán”, một khái niệm mới của Hải quân Mỹ trong đó hỏa lực được phân tán giữa các tàu chiến theo kiểu tích hợp các tính năng vào trong một thiết kế.
|
Hải quân Mỹ sẽ có vũ khí vừa phòng không, đánh chặn và diệt hạm trong cùng một thiết kế, đó là tên lửa SM-6. |
Theo kế hoạch, SM-6 sẽ là một tên lửa đa năng có thể thực hiện nhiệm vụ phòng không, đánh chặn tên lửa đạn đạo và diệt hạm. Tên lửa SM-6 sử dụng đầu dò radar bán chủ động và liên kết mạng. Tên lửa sử dụng hệ thống mạng điều khiển hỏa lực hàng hải tích hợp (NIFC) có thể tấn công các mục tiêu ngoài tầm điều khiển của radar trên tàu phóng.
Sau khi phóng, SM-6 được dẫn hướng bằng radar trên máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không E-2D Advanced Hawkeyes cho phép tấn công các mục tiêu ngoài đường chân trời. Giới hạn đường chân trời đối với radar AN/SPY-1D trên các tàu khu trục Aegis khoảng 460 km đối với mục tiêu bay ở độ cao 9,1 km.
Đối với các mục tiêu bay thấp hoặc sát mặt nước, phạm vi tìm kiếm của radar sẽ ngắn hơn rất nhiều. Trong trường hợp này, để tấn công các mục tiêu xa hơn, tên lửa cần sự hỗ trợ của E-2D. Radar lắp trên máy bay E-2D có thể phát hiện các mục tiêu trên không và trên biển, mặt đất ở cự ly tới 550 km.
Tên lửa SM-6 sử dụng cơ chế dẫn đường thông qua radar bay E-2D có thể tấn công tàu chiến đối phương ở cự ly 250 km, tương lai sẽ được nâng lên 370 km. Như vậy, với việc sử dụng SM-6 cho mục đích chống hạm, Hải quân đã có vũ khí tấn công tàu chiến đối phương gấp đôi tầm bắn của tên lửa Harpoon.
|
Động năng sinh ra từ tốc độ cao của tên lửa đủ sức xuyên thủng vỏ tàu chiến đối phương. |
Mặc dù đầu đạn của tên lửa SM-6 được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu trên không, nhưng tên lửa có tốc độ rất nhanh, khoảng Mach 3,5 (4.287 km/h) nên động năng sinh ra từ vụ va chạm rất lớn đủ sức để tiêu diệt tàu chiến đối phương.
Mặt khác, các tàu chiến hiện đại không phải là những chiến hạm bọc thép như những thiết giáp hạm trong Thế chiến II nên tốc độ nhanh của tên lửa đủ sức xuyên qua vỏ tàu. Một vụ nổ từ bên trong cho dù với đầu đạn nhỏ cũng đủ gây thiệt hại lớn, thậm chí nhấn chìm những chiến hạm khổng lồ.
Nhà phân tích quân sự Dave Majumdar nhận định, tên lửa SM-6 đủ sức gây thiệt hại nặng với các tàu khu trục loại lớn như Type-052D của Trung Quốc. Tính đến nay, Raytheon đã chuyển giao cho Hải quân Mỹ hơn 250 tên lửa SM-6. Quá trình sản xuất có thể được đẩy nhanh trong thời gian tới để thay thế các phiên bản cũ của gia đình tên lửa Standard Missiles.
Như vậy với tên lửa SM-6, Hải quân Mỹ có trong tay vũ khí “3 trong 1” giúp đối phó hiệu quả với nhiều mối đe dọa khác nhau mà không cần phải bổ sung thêm vũ khí mới.
Quốc Minh