EyeBall R1: “quả bóng do thám” độc đáo của lính Nga

Google News

(Kiến Thức) - EyeBall R1 có kích thước chỉ bằng quả bóng Tennis lắp máy phát vô tuyến, camera ghi hình, có thể chịu va đập mạnh.

Cơ quan quản lý tài sản nhà nước liên bang (FKU) ở nước Cộng hoà Dagestan (quốc gia thành viên Liên bang Nga) có ý định mua một sản phẩm mới đặc biệt cho đặc nhiệm của nước cộng hoà.

Đấy là một đầu máy ghi hình độc lập và cơ động EyeBall R1 có hình dáng một quả cầu. Nó có thể được ném qua cửa sổ ngôi nhà – nơi bọn khủng bố và chiến binh cố thủ và giam giữ con tin. Quả cầu sẽ tự lấy ổn định trên bề mặt, sau đó bắt đầu ghi hình tất cả mọi thứ quanh nó. Tín hiệu sẽ được truyền qua kênh vô tuyến đến trạm cơ bản.

Các chuyên gia cho rằng, các hệ thống ghi hình như vậy có thể nâng cao hiệu quả của các chiến dịch chống khủng bố và cứu mạng sống của lính đặc nhiệm, con tin và những người vãng lai.

Hiện đặc nhiệm Dagestan đã mua thử một bộ EyeBall R1 được hãng ODF Optronik sản xuất ở Israel từ năm 2005. Họ sẵn sàng chi 295 nghìn Rub để mua sản phẩm mới này.
Vali chứa tổ hợp EyeBall R1 với 3 quả cầu do thám.

Tổ hợp này là một hộp kín nhỏ bên trong chứa một moniter nhỏ mang hệ thống điều khiển, các thanh kẹp và giá treo, bộ phận nạp điện và 3 quả cầu (hai quả được lắp camera ghi hình, còn một là để thử). Quả thử này được dùng trong những điều kiện phức tạp, để xác định xem có cần đưa máy ghi hình thật sự vào không.

Bản thân quả cầu có kích thước bằng quả bóng tenis, toàn thân bọc cao su. Quả cầu trinh sát được trang bị máy phát vô tuyến có bán kính hoạt động đến 25m và máy ghi hình cho phép quan sát 360 độ.

Nguyên tắc sử dụng EyeBall R1, có thể bí mật ném nó vào khu vực nguy hiểm hoặc vào trong ngôi nhà. Và chỉ sau chớp mắt đã có thể thấy những gì đang xảy ra ở đó.

Khi chạm đất, EyeBall R1 tự ổn định trên bề mặt, sau đó máy ghi hình bắt đầu quay tròn, ghi lại mọi hình ảnh xung quanh. Thân của nó chịu được cú ném xa hơn 50m đến chỗ có bề mặt thô, bêtông, đá, cũng như chịu được va đập vào tường. Có thể dùng EyeBall R1 trong điều kiện đêm tối.

Quả cầu này cũng có thể tự di chuyển, đi xa đến 150m trên đường phố hoặc 35m trong nhà. Binh lính có thể dùng bảng điều khiển để thay đổi quỹ đạo chuyển động của EyeBall.
Binh sĩ chuẩn bị ném quả bóng EyeBall R1 vào bên trong mục tiêu.

Theo một sĩ quan đặc nhiệm Nga, trước hết các hệ thống như thế này được dùng khi công kích các toà nhà mà quân khủng bố chiếm giữ, cũng như trong các chiến dịch giải cứu con tin.

“Ví dụ, có thể ném quả cầu này qua cửa sổ vào phòng có quân khủng bố và xác minh rằng trong đó không có con tin hoặc những nhân vật dân sự, sau đó có thể thực hiện một công việc đơn giản là san bằng ngôi nhà”, vị này nói.

Còn có những kịch bản sử dụng EyeBall khác như có thể hạ quả cầu từ mái nhà đến cửa sổ cần thiết bằng dây treo chuyên dùng, đặt nó trên vách đá hoặc trên cành cây gần đường.

Các chuyên gia cho rằng, việc sử dụng những hệ thống như vậy có thể tăng  cao hiệu quả của chiến dịch đặc biệt và giúp bảo vệ mạng sống của nhiều người.

Chủ tịch Hiệp hội cựu chiến binh đơn vị chống khủng bố Alfa Sergei Goncharov cho rằng: “Những năm gần đây trang bị kỹ thuật đã có bước tiến xa và tôi rất mừng là ở Nga đã sử dụng những thành quả tốt nhất của thế giới. Tôi cũng muốn mạng sống của các sĩ quan được bảo toàn, và thiết bị này có thể giúp cho việc đó. Còn đối với quân khủng bố ở Bắc Kavkaz thì tôi không nhớ bất kỳ chiến dịch nào có chiến binh khủng bố bị bắt sống. Thông thường quân khủng bố không bao giờ đầu hàng và chúng đều bị tiêu diệt”.

Theo các chuyên gia, trong kho vũ khí của các đơn vị đặc nhiệm có một lượng lớn các hệ thống quan sát từ xa, trong đó có cả các máy bay cánh bằng và trực thăng mini có thể treo trên không đối diện với cửa sổ cần quan sát hoặc bay vào ngôi nhà nguy hiểm.

“Có thể sử dụng những trang bị kỹ thuật đó cho cả mục đích dân sự và quân sự như để điều khiển giao thông đâu đó ở vùng núi, những nơi hẻo lánh. Tôi đánh giá EyeBall là thiết bị rất có ích và giá trị. Khác với các loại thiết bị bay, nó không gây tiếng động mà lại cơ động. Tuy nhiên, do kết cấu nên nó cũng có nhược điểm. Ví dụ, quả cầu này sẽ là vô ích nếu nó lọt vào khe hay rơi xuống hố sâu”, một người lính trinh sát đặc nhiệm nói.

Những nhà bán hàng các hệ thống tương tự khẳng định là giới quân nhân đặc nhiệm đã dùng quả cầu trinh sát này trong thời gian dài.

Lãnh đạo hãng El Bee Sky Global chuyên bán các hệ thống an ninh Michael Perelygin cho biết: “Các dụng cụ như thế này được các ngành đặc nhiệm sử dụng không chỉ ở Bắc Kavkaz, mà cả ở vùng Moscow. Ví dụ, quả cầu này có trong trang bị của MChS (Bộ Tình trạng khẩn cấp) và có thể được sử dụng khi thăm dò những nơi bị đổ nát để tìm kiếm người bị nạn”.

Dưới đây là clip về tổ hợp EyeBall R1:





Nguyễn Vũ