Giải mã thiết giáp hạm “bỏ túi” Deutschland của Đức (1)

Google News

(Kiến Thức) - Phải khá vất vả, mất gần 8 năm nghiên cứu, người Đức mới có thể đặt ki đóng mới thiết giáp hạm lớp Deutschland do những giới hạn Hiệp ước Versailles.

Kì 1: Quá trình thiết kế
Hiệp ước Versailles giới hạn Hải quân Đức sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất trong phạm vi 8 thiết giáp hạm tiền Dreadnought lỗi thời cùng một số ít tàu tuần dương và tàu chiến cỡ nhỏ khác. Hiệp ước này cho phép Đức thay thế các thiết giáp hạm cũ khi chúng phục vụ được 20 năm. 
Nhìn chung, yêu cầu về các tàu chiến được thay thế chỉ được qui định một cách mơ hồ trong Hiệp ước này. Điều kiện duy nhất đối với các tàu này, đó là chúng không được phép có lượng giãn nước tiêu chuẩn vượt quá 10.000 tấn. Hơn nữa, các thiết kế này nếu có vượt quá các giới hạn nhất định thì sẽ phải được sự chấp thuận của hải quân đồng Minh. Giới hạn cỡ nòng pháo chính là 280mm và các chỉ huy Hải quân Đức khá chắc rằng cỡ nòng lớn hơn sẽ không được chấp nhận.
Giai ma thiet giap ham “bo tui” Deutschland cua Duc (1)
 Hai thiết giáp hạm "bỏ túi" lớp Deutschland: Chiếc Deutschland (trước) và chiếc Đô đốc Scheer (sau).
Với những giới hạn rất mơ hồ như trên, rõ ràng là các tàu chiến của Hải quân Đức sẽ phải từ bỏ nhiều đặc tính kĩ thuật như mong muốn. Các chỉ huy Hải quân Đức đã do dự khá lâu khi quyết định những thông số của con tàu. Chắc chắn rằng các tàu chiến được đóng mới sẽ không thể so sánh được với các thiết giáp hạm đương thời. Sẽ là không thể khi thiết kế một tàu chiến với lượng giãn nước dưới 10.000 tấn mà có đủ cả hỏa lực, giáp bảo vệ và tốc độ cao. 
Vấn đề các nhà thiết kế Đức phải đối mặt, đó là nếu họ chia đều lượng giãn nước của tàu cho các chỉ số về hỏa lực, bảo vệ và động lực, thì cái họ nhận được sẽ chỉ là những con tàu yếu ớt mà không thích hợp với bất cứ yêu cầu nhiệm vụ nào. Con tàu đó sẽ không đủ hỏa lực để đấu pháo với tất cả những gì lớn hơn một tàu tuần dương hạng nặng, sẽ không đủ nhanh để thoát khỏi sự truy đuổi của các tàu chủ lực, và quá yếu để chống đỡ đạn pháo của các tàu chiến địch, ngay cả là các tàu nhỏ hơn. Gia tăng bất cứ thông số nào cũng sẽ dẫn đến việc phải cắt giảm những thông số quan trọng khác quyết định sự sống còn của con tàu.
Giai ma thiet giap ham “bo tui” Deutschland cua Duc (1)-Hinh-2
 "Bóng ma trên Đại Tây Dương" Đô đốc Graf Spee.
Một loạt các thiết kế đã ra đời, từ các tàu phòng thủ bờ biển nhỏ và chậm, trang bị một số ít các pháo 280mm, cho đến các thiết kế tàu chiến xấp xỉ mức của các tàu tuần dương được đóng bởi các cường quốc hải quân vào thời điểm đó (Hiệp ước vũ khí hải quân Whashington năm 1922 qui định rằng giới hạn của các tàu tuần dương là lượng giãn nước 10.000 tấn và pháo chính 203mm; và ngay sau đó cả Anh, Nhật, Mỹ đều lập tức đóng các tàu tuần dương theo kích cỡ tối đa này). 
Đối với các chỉ huy Hải quân Đức, việc không có các tàu chiến viễn dương là điều không thể tưởng tượng được. Một lực lượng hải quân mà sử dụng các tàu tuần dương làm lực lượng chủ lực sẽ bị đánh bại ngay cả trước khi cuộc chiến chưa bắt đầu. Người Đức hiểu rằng: Trong cuộc chiến chắc chắn sẽ xảy ra, phần thắng trên biển đã được sắp đặt trước cho người Anh và các đồng minh của họ.
Các chỉ huy Đức đã mất gần 8 năm để quyết định chính xác những thông số của con tàu sắp đóng, điều đó đã khiến cho việc khởi đóng các thiết giáp hạm Deutschland muộn hơn hai năm so với phạm vi cho phép của Hiệp ước. 
Sau rất nhiều nỗ lực, một bản thiết kế được hoàn thành với 6 pháo chính 280mm và tốc độ 28 hải lí/h, nhanh hơn hầu hết các thiết giáp hạm hiện có và sắp đóng. Giáp bảo vệ của tàu đã được hi sinh để đánh đổi lấy hỏa lực và độ cơ động. 
Cuối cùng, các tàu chiến Deutschland được hoàn thành với giáp thân tàu dày từ 60-80mm. Nó được kì vọng sẽ chạy thoát khỏi các tàu chiến mạnh hơn, và đánh bại những tàu nhanh hơn. Trớ trêu thay, thiết kế này có nhiều điểm tương đồng với các tàu tuần dương chiến đấu, vốn đã chứng minh sự không thành công trong thực chiến. Lớp tàu được đặt một cái tên đầy tự hào: Deutchland - tức nước Đức, mang theo hi vọng tung hoành trên đại dương của quốc gia này.
Giai ma thiet giap ham “bo tui” Deutschland cua Duc (1)-Hinh-3
 Băng đóng trên tàu Lutzow (tức Deutschland) trong mùa đông.
Hải quân Đức (lúc này vẫn giữ tên gọi Reichsmarine) quyết định đóng một loạt năm tàu chiến Deutschland từ năm 1926. Đức dự định sẽ đặt ki mỗi năm một chiếc, bắt đầu từ năm 1928 để phù hợp với hiệp ước về thay thế các thiết giáp hạm lớp Braunschweig đã cũ. 
Deutschland - chiếc đầu tiên trong lớp tàu - được phía Đồng Minh chấp thuận thay thế năm 1928 và gia nhập biên chế ngày 1/4/1933. Tác động của cuộc Đại suy thoái đã làm chậm tiến độ đóng thân tàu của chiếc thứ hai (Đô đốc Scheer) và thứ ba (Đô đốc Graf Spee) cho đến tận năm 1931 và 1932. Do đó, chiếc Đô đốc Scheer gia nhập biên chế hải quân Đức ngày 12/11/1934, và với chiếc Đô đốc Graf Spee là vào ngày 6/1/1936. 
Hai chiếc thứ tư và thứ năm đã được khởi đóng năm 1934, nhưng trước khi đặt ki đóng tàu, một thiết kế mới được chấp thuận và do đó chúng trở thành hai thiết giáp hạm lớp Schanhorst.
Có một sự rắc rối mà các tàu lớp Deutschland gây ra, đó là không có ai - kể cả người Đức - biết gọi tên chúng chính xác là gì? Ban đầu chúng được gọi là Panzerschiffe (tàu bọc thép), bất chấp việc chúng còn xa mới đạt được đến mức tối thiểu những đặc tính kĩ thuật của tàu bọc thép. Vào tháng 2/1940, người Đức thay đổi định danh vô nghĩa này bằng một điều rõ ràng hơn, như Schewere Kreuzer (tuần dương hạm hạng nặng). Trong khi đó, người Anh lại cho ra đời một khái niệm mới: thiết giáp hạm "bỏ túi" - một cái tên đủ để phóng đại vai trò của các tàu này với công chúng.
Thanh Hoa