Hiện nay, công nghệ tàng hình đang được nhiều nước quan tâm và phát triển để ứng dụng vào việc chế tạo các phương tiện tàng hình dùng trong quân sự. Các phương tiện tàng hình hiện nay bao gồm: máy bay tàng hình (MBTH), tàu chiến tàng hình, tên lửa hành trình tàng hình và gần đây còn có cả xe tăng và xe bọc thép tàng hình. Những nước có công nghệ tàng hình phát triển nhất là Nga và Mỹ với hai nguyên lý chế tạo hoàn toàn khác nhau nhưng cùng hướng về một mục đích là “làm mù” khả năng quan sát của đối phương.
|
Công nghệ tàng hình Plasma ra đời một cách ngẫu nhiên. |
Ngay từ thời Liên Xô, các nhà khoa học đã có ý tưởng sản xuất các phương tiện tàng hình dùng trong mục đích quân sự từ những năm 40 của thế kỷ trước. Nhưng mãi đến những năm 60, ý tưởng này mới dần trở thành hiện thực nhờ một phát hiện rất ngẫu nhiên: Năm 1961, lần đầu tiên Liên Xô phóng thành công tàu vũ trụ Phương Đông 1. Nhà du hành vũ trụ đầu tiên trên thế giới Ga-ga-rin đã bay vòng quanh trái đất trong thời gian 90 phút và hạ cánh an toàn xuống vùng lãnh thổ Xi-bê-ri của Liên Xô cũ. Khi khoang đổ bộ của tàu Phương Đông 1 đi vào lớp khí quyển dày đặc với tốc độ rất cao thì Trung tâm điều khiển vô tuyến mất liên lạc với Ga-ga-rin. Trên màn hình ra-đa, mục tiêu cũng biến mất. Cả Trung tâm điều khiển hồi hộp nín thở. Khi khoang đổ bộ bung dù để chuẩn bị hạ cánh, việc liên lạc lại trở lại bình thường. Lúc bấy giờ người ta chưa lý giải được nguyên nhân vì sao mất thông tin liên lạc và tín hiệu ra-đa cũng bị mất. Tiếp sau Ga-ga-rin, các nhà du hành vũ trụ khác cũng rơi vào trường hợp tương tự. Sau đó người ta mới khám phá ra một điều: Khi khoang đổ bộ đi vào lớp khí quyển dày đặc, ma sát giữa vỏ tàu và không khí đã làm cho lớp không khí xung quanh tàu bị đốt nóng ở nhiệt độ rất cao và bị i-on hoá và nó được gọi là hiện tượng Plasma (plasma). Khi lớp không khí xung quanh vỏ tàu bị i-on hoá, sóng điện từ không thể đi qua lớp Plasma này và cũng không thể phản xạ trở lại mà bị hấp thụ hoàn toàn. Từ đây, ý tưởng về phát triển công nghệ tàng hình dựa trên nguyên lý Plasma của Nga ra đời.
|
Tàu vũ trụ Phương Đông 1. |
Sau nhiều lần thử nghiệm, Nga đã chế tạo thành công máy phát Plasma và lần đầu tiên được lắp trên máy bay ném bom chiến lược Tu-16. Khi máy bay hoạt động, máy phát này sẽ tạo ra một dòng không khí bị i-on hoá bao phủ toàn bộ thân máy bay. Khi máy bay bay với tốc độ càng cao thì lớp không khí bị i-on hoá càng tăng lên, tạo ra dòng Plasma thứ cấp càng lớn và khả năng tàng hình của máy bay càng tăng lên.
Ưu điểm của máy bay tàng hình Nga
- Với công nghệ tàng hình Plasma, tín hiệu điện từ phát ra từ các đài ra-đa và các phương tiện thông tin vô tuyến hầu như bị hấp thụ hoàn toàn và các đài ra-đa của đối phương hầu như bị “mù tuyệt đối”, kể cả ra-đa ở dải sóng mét và sóng mi-li-mét.
- Với một máy phát Plasma có khối lượng khoảng hơn 100 kg được lắp ở phần đầu của mỗi chiếc máy bay mà hầu như không phải thay đổi nhiều về thiết kế, nên nó có thể được lắp đặt ở bất kỳ loại máy bay nào, kể cả máy bay ném bom, máy bay tiêm kích và máy bay vận tải quân sự. Tuy nhiên, máy phát Plasma của Nga hiện nay chủ yếu được trang bị cho máy bay ném bom chiến lược tầm xa TU-16. Nó cũng có thể được lắp đặt trên các loại máy bay ném bom chiến lược mới hơn như TU-95, TU-160.
- Máy phát Plasma có thể hoạt động bất cứ lúc nào nên phi công không cần phải khởi động trước mà đợi cho đến khi bay gần tới khu vực tác chiến mới mở máy. Như vậy sẽ tiết kiệm được năng lượng và nhiên liệu trong quá trình hành quân.
- Máy bay bay với tốc độ càng cao thì lớp không khí xung quanh bị i-on hoá càng nhiều và khả năng tàng hình đối với ra-đa đối phương càng lớn. Các loại tên lửa phòng không được điều khiển bằng vô tuyến hầu như bó tay trước các loại máy bay tàng hình của Nga.
|
Máy bay ném bom Tu-160 có khả năng tàng hình. |
Nhược điểm của máy bay tàng hình Nga
- Khi máy phát Plasma hoạt động, lớp không khí xung quanh máy bay bị i-on hoá nên cả máy bay sáng rực như một dải sao băng. Do đó, MBTH bằng công nghệ Plasma của Nga chỉ có thể tàng hình đối với các loại ra-đa nhưng không thể tàng hình đối với các phương tiện quan sát bằng quang học, hồng ngoại và mắt thường. Bởi vậy, nếu máy bay bay ở độ cao thấp và trung bình sẽ bị các phương tiện pháo phòng không điều khiển bằng máy ngắm quang học hoặc tên lửa tự dẫn bằng hồng ngoại bắn hạ dễ dàng. Muốn an toàn, máy bay phải bay ở độ cao ngoài tầm hoả lực của pháo phòng không và tên lửa tự dẫn bằng hồng ngoại.
- Khi máy phát Plasma hoạt động thì máy bay cũng không thể liên lạc bằng vô tuyến với sở chỉ huy mặt đất cũng như sở chỉ huy trên không mà phải tự dẫn đường và độc lập tác chiến.
Tuy nhiên, trong tương lai gần lực lượng Không quân Nga sẽ được trang bị máy bay tiêm kích đa năng thế hệ hệ thứ 5 loại Sukhoi PAK FA T-50 có hình dạng kết cấu và tính năng tàng hình gần tương tự như loại F-22 Raptor của Không quân Mỹ.
PGS. TS Khoa học Quân sự - Đại tá Đặng Thanh Bình