58 năm trước, ngày 29/1/1955, trong những hoàn cảnh bí hiểm, kỳ hạm của Hạm đội Biển Đen - thiết giáp hạm Novorossiysk đã bị đánh đắm ở Sevastopol. Điều đặc biệt là, cũng ngay tại vị trí tàu Novorossiysk chìm, ngày 20/10/1916, kỳ hạm “Nữ hoàng Maria” của Hạm đội Biển Đen cũng nổ tung. Cho đến nay chỉ huy Hải quân của Nga vẫn chưa đưa ra câu trả lời rõ ràng về nguyên nhân của cả hai vụ thảm hoạ tháng mười này.
Khác với Nữ hoàng Maria được đóng ở Nikolaev (thành phố công nghiệp ở hạ lưu sông Dnepr, Ukraine), Novorossiysk – ban đầu có tên là Giulio Cesare được khởi công đóng ngày 24/6/1910 ở Genua và ngày 14/5/1914 được đưa vào biên chế Hải quân Italy. Thiết giáp hạm này có lượng giãn nước tiêu chuẩn tới 23.600 tấn.
|
Cảnh thân tàu thiết giáp Giulio Cesare hạ thủy.
|
Trong giai đoạn 1933-1937, thiết giáp hạm đã được hiện đại hoá nâng cấp. Độ dày vỏ giáp đai tàu là 247mm ở khu vực thành quách và 127 mm ở vùng ngoại vi. Độ dày vỏ giáp tháp pháo chính: bên hông là 220mm, mái là 240mm. Lúc này tổng lượng giãn nước của con tàu lên tới 29.000 tấn, tốc độ 27,8 hải lý/giờ.
Chiến lợi phẩm chiến tranh của đồng minh
Ngày 3/9/1943, thiết giáp hạm Giulio Cesare đến Malta, tại đó quân đồng minh đã bắt giam nó. Sau chiến tranh con tàu đã được đại tu, ngày 6/2/1949, tại cảng Valon của Albania – nay là Vlora, thiết giáp hạm được bàn giao cho Liên Xô, và cờ của Hải quân Liên Xô được kéo lên trên chiến hạm.
Tới ngày 26/2, đội tàu Hải quân Liên Xô đã đưa thiết giáp hạm về Sevastopol. Theo mệnh lệnh cho Hạm đội Biển Đen, ngày 5/3/1949 thiết giáp hạm Giulio Cesare được mang tên Novorossiysk.
Không lâu sau, thiết giáp hạm Novorossiysk trở thành kỳ hạm của hải đoàn thuộc Hạm đội Biển Đen. Năm 1953, tàu được đưa về Nikolaev, Ukraine để đại tu.
|
Thiết giáp hạm Giulio Cesare thời còn trong biên chế Hải quân Italy.
|
Trong lần đại tu này, các ụ pháo phòng không của Italy được thay bằng pháo Liên Xô, tàu được lắp radar Zalp-M. Theo yêu cầu của cục chính trị hạm đội, đã tháo dỡ các đường ống cấp rượu vang đến các buồng của sĩ quan và hạ sĩ quan (cạnh vòi nước có một vòi nhỏ có thể lấy một chén rượu vang khô nhỏ).
Những lời đồn về việc định thay pháo 320mm của Italy bằng pháo 305mm của Liên Xô hoàn toàn là bịa đặt. Ngược lại, đã có kế hoạch thay nòng pháo Italy bằng nòng pháo 320mm mới của Liên Xô. Năm 1951, nhà máy Barikady đã được giao nhiệm vụ sản xuất nòng pháo 320mm cho tháp pháo của Novorossiysk.
Tháng 5/1955, Novorossiysk được đưa lại vào đội hình Hạm đội Biển Đen. Trong mùa hè và mùa thu thiết giáp hạm đã mấy lần ra khơi. Ngày 28/10, Novorossiysk trở về Sevastopol và neo vào khu vực bệnh viện hải quân, buộc vào hai phao nổi.
Thảm hỏa khủng khiếp
Vào 1h31 phút ngày 29/10/1955 dưới mũi tàu của thiết giáp hạm giữa tháp pháo thứ nhất và tháp thứ hai và các hầm tàu của hai tháp về phía bên phải đã có một vụ nổ, phá hết các vách ngăn dọc từ đáy đến boong giữa.
Ở phần chìm dưới nước của thân tàu bên phải có chỗ thủng diện tích hơn 150m2, còn ở bên trái dọc đáy tàu có một đoạn lõm vào tới 2-3m (so với vị trí cũ). Tổng diện tích hư hỏng phần dưới nước của thân tàu tới 340m2 trên chiều dài 22m. Ngay lập tức, các khoang ở mũi tàu bị ngập đầy nước, và con tàu bị chúi hẳn mũi xuống. Bất chấp những nỗ lực tích cực của đội tàu và các đội cứu hộ từ các tàu khác tới đã không thể ngăn được nước tràn vào và thiết giáp hạm tiếp tục chìm phía mũi xuống và mất dần ổn định.
|
Thiết giáp hạm Novorossiysk năm 1949 với lá cờ Hải quân Liên Xô.
|
Ngay lập tức, lực lượng cứu hộ đã có nỗ lực kéo đuôi tàu Novorossiysk vào doi đất chìm gần bờ, nhưng chỉ tháo được cáp giữ buộc vào phao đuôi tàu, làm cho con tàu xoay đi và đưa đuôi tàu đến cách tường bệnh viện hải quân 130m (ở đó độ sâu là 16m). Các tàu kéo đã không thắng nổi lực giữ của neo bên trái vào phao phần mũi (các cáp giữ vào phao chỉ bị cắt đứt lúc 3h30, khi mũi tàu đã đâm xuống đất dưới đáy 2-3m).
Lực lượng cứu hộ Hải quân Liên Xô đã có thể đưa tàu vào gần bờ nếu cho máy tàu chạy lùi. Mà máy tàu còn chưa bị nguội đi sau chuyến đi biển, và thời gian cần để khởi động lại máy không quá nửa giờ đồng hồ, nhưng điều này đã không được làm. Không lâu sau độ, thân tàu nghiêng sang bên trái đã lên tới 18-20 độ, và bị lật sang bên. Đến 4h15 phút, nghĩa là 2 giờ 45 phút sau vụ nổ, thiết giáp hạm Novorossiysk bị lật ngửa và chìm hẳn.
Nguyên nhân bị lật ngửa vì mất ổn định mặt cắt ngang do bị chúi mũi xuống và xuất hiện các mặt nước thoáng lớn trong các khoang bị nâng lên cao.
Trong thảm họa đã có 607 người hi sinh, trong đó khoảng 50-100 hi sinh ngay do vụ nổ và ngập nước các khoang phần mũi, những người còn lại là khi con tàu bị lật và sau đó. Chỉ huy tàu đã không tổ chức được việc sơ tán kịp thời đội tàu.
|
Lỗ thủng lớn dưới thân thiết giáp hạm xấu số Novorossiysk.
|
Phần lớn những người tham gia cứu tàu không bị chìm và hầu như toàn bộ thành viên bộ phận cơ điện chiến đấu đã ở lại trên con tàu. Nhiều người trong họ, bị nhốt trong các “túi” khí của các khoang vẫn còn sống thậm chí tới 3 ngày đêm. Nhưng chỉ có 9 người thoát ra được với 7 người tự thoát ra được sau khi tàu bị lật 5 giờ qua đường thoát được cắt ở phần đáy đuôi tàu, còn thợ lặn đã cứu được 2 người sau 50 giờ.
Điều tra thảm họa
Ủy ban chính phủ do Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Chính phủ) Liên Xô Vyacheslav Malyshev đứng đầu đã phụ trách cuộc điều tra thảm họa khủng khiếp.
Theo báo cáo của ủy ban này ngày 17/11 cùng năm, “có thể khẳng định là vụ nổ ngày 29/10 là của thuốc nổ nằm ở đáy vịnh Sevastopol, ở nơi thiết giáp hạm thả neo. Tổng hợp lại khi xem xét ghi nhận của các trạm địa chấn có thể đưa ra kết luận, là thuốc nổ đã phát nổ ít ra không nhỏ hơn thuốc nổ của thủy lôi trong nước chế tạo AMD-1000 (chứa 1.000kg trotil). Kích thước phễu khi thí nghiệm thực chất trùng với kích thước phễu do vụ nổ tạo ra tại chỗ neo đậu thiết giáp hạm Novorossiysk, điều này chứng tỏ sự gần giống nhau của lượng thuốc nổ trong các vụ này…”
|
Hải quân Liên Xô đang thực hiện công tác trục vớt tàu sau vụ nổ.
|
Trên cơ sở các tính toán và các thử nghiệm tương ứng đã được thực hiện, ủy ban chuyên gia thừa nhận có thể có thủy lôi đáy đã ở dưới thiết giáp hạm. Thủy lôi này là nguy cơ tiềm tàng đã không được loại bỏ khi quét mìn không tiếp xúc do cơ cấu đồng hồ của thiết bị hẹn giờ đã không hoạt động đúng thời gian đã định (đồng hồ không chạy).
Quả ngư lôi này dưới tác động cơ học bên ngoài (một cú hích) có thể chuyển sang trạng thái nguy hiểm và phát nổ khi đồng hồ chạy lại.
Tác động cơ học lên cơ cấu của thủy lôi có thể như sau: “Khi đưa thiết giáp hạm neo vào phao lúc 18h ngày 28/10, trong quá trình lai dắt con tàu và kéo nó vào phao thì xích neo, khi bị kéo lê trên đáy biển, đã có thể chạm đến thủy lôi nằm dưới đáy. Do thủy lôi bị xoay hay bị húc phải mà cơ cấu đồng hồ của ngòi nổ đã ngừng chạy có thể được khởi động trở lại. Khả năng xích neo quét trên đáy vùng biển ở khu vực có thủy lôi và do vậy, tác động cơ học của xích neo lên thủy lôi được cho là đã được xác định”.
… còn tiếp
Nguyễn Vũ