Tạp chí Jane’s dẫn nguồn tin từ hãng thông tấn Sofia - Bulgaria cho biết, Không quân Bulgaria đang muốn mua các máy bay tiêm kích đa năng JF-17 do Tập đoàn công nghiệp hàng không Thành Đô (PAC) của Trung Quốc và Khu liên hợp hàng không (CAC) của Pakistan hợp tác sản xuất.
Theo đó, Không quân Bulgaria đang để mắt tới biến thể máy bay tiêm kích đa năng một chỗ ngồi JF-17 sau khi tham khảo các dòng máy bay chiến đấu khác do châu Âu chế tạo, nhằm thay thế cho các phi đội máy bay chiến đấu MiG-29 và cường kích Su-25 đã lỗi thời của nước này. Tuy nhiên hiện vẫn chưa rõ Bulgaria đã bắt đầu xúc tiến các hoạt động đàm phán với liên doanh PAC và CAC hay chưa.
|
Bulgaria là quốc gia tiếp theo trong Khối quân sự NATO nảy sinh ý định mua vũ khí do Trung Quốc chế tạo.
|
Trước đó, Chính phủ Bulgaria đã tuyên bố rằng nước này sẽ chọn giải pháp mua lại các máy chiến đấu đã qua sử dụng từ các quốc gia châu Âu hoặc tiến hành nâng cấp MiG-29 để hiện đại hóa lực lượng Không quân Bulgaria. Chính phủ Bulgaria đã đồng ý chi hơn 282 triệu USD cho chương trình hiện đại hóa không quân, nhưng với số tiền này Không quân Bulgaria có quá ít sự lựa chọn kể cả việc mua lại các máy bay tiêm kích đa năng F-16 Block 52 đã qua sử dụng do Lockheed Martin chế tạo.
Các ứng cử viên sáng giá của Bulgaria hiện tại là các máy bay tiêm kích F-16 Block 25 đã qua sử dụng thuộc lực lượng không quân dự bị của Mỹ, F-16 đã qua sử dụng của Không quân Bỉ, tiêm kích đa năng Eurofighter Typhoons đã qua sử dụng của Italy và những chiếc tiêm kích đa năng Saab Gripens dự bị từ Không quân Thụy Điển.
Trong khi đó, JF-17 Thunder (hay còn gọi là FC-1) là dòng máy bay tiêm kích đa năng giá rẻ do Trung Quốc và và Pakistan hợp tác phát triển được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2004, nó được trang bị một động cơ phản lực Klimov RD-93 do Nga thiết kế và có tốc độ bay tối đa gấp 1,6 lần vận tốc âm thanh. JF-17 có tầm hoạt động hiệu quả là 1.352km bên cạnh đó ngoài khả năng không chiến JF-17 còn có thể đóng vai trò như một máy bay chiến đấu cường kích.
|
Xét về mặt tổng thể thì JF-17 vẫn là một sự lựa chọn tốt đối với tình hình kinh tế của Bulgaria hiện tại.
|
Về hệ thống vũ khí thì JF-17 được trang bị 7 giá treo vũ khí có thể mang theo tối đa 3,4 tấn vũ khí bao gồm các loại tên lửa không đối không PL-5, PL-9C, PL-12 và AIM-9, các tên lửa chống hạm C-802A do Trung Quốc chế tạo và một số loại bom các loại, bên cạnh đó nó còn được trang bị một pháo tự động nòng đôi GSh-23-2 23mm hoặc một pháo nòng đôi GSh-30-2 30mm.
Đánh giá của Jane’s
Mặc dù dành được sự quan tâm của khá nhiều quốc gia trên thế giới như Algeria, Argentina, Bangladesh, Myanmar, Ai Cập, Iran, Lebanon, Malaysia, Morocco, Nigeria, Sri Lanka và Uruguay. Tuy nhiên cho tới nay JF-17 hoặc FC-1 vẫn chưa dành được bất kỳ hợp đồng chính thức nào ngoại trừ hợp đồng mới được đàm phán gần đây giữa Argentina và Trung Quốc.
Mặt khác với tình hình kinh tế của Bulgaria hiện nay thì JF-17 có thể là lựa chọn khá tốt, với chi phí từ 15-20 triệu USD cho mỗi chiếc JF-17 có giá chỉ bằng một nữa so với các dòng máy bay chiến đấu cùng loại do Phương Tây chế tạo. Tuy nhiên có một rào cản hiện tại là Bulgaria lại là thành viên của Khối quân sự NATO.
|
Cái giá của JF-17 vẫn khá dễ chịu hơn cho Bulgaria khi so sánh với cả các dòng máy bay chiến đấu đã lỗi thời như F-16 Block 25.
|
Là một trong những thành viên mới kết nạp của NATO, Bulgaria đang phải vật lộn để chuyển đổi trang bị của quân đội nước này sang theo các tiêu chuẩn quân sự do NATO đề ra. Trong đó bao gồm cả việc thay thế các máy bay chiến đấu MiG và Sukhoi do Liên Xô, mặc dù JF-17 được thiết kế để có thể nâng cấp theo các tiêu chuẩn NATO đề ra nhưng điểm mấu chốt là JF-17 lại do Trung Quốc sản xuất và nó hầu như không tương thích với cơ sở hạ tầng của Không quân Bulgaria hiện tại.
Bên cạnh đó, sẽ rất khó cho Bulgaria về mặt chính trị khi mua một sản phẩm quốc phòng có nguồn gốc từ một liên doanh giữa Trung Quốc-Pakistan, bằng chứng rõ nét nhất là trường hợp của các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 mà Trung Quốc định bán cho Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2013.
|
Bài học HQ-9 của Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ sẽ tác động mạnh tới ý định mua JF-17 của Sofia.
|
Thương vụ này đã khiến mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia châu Âu còn lại trong Khối quân sự NATO thay đổi. Dưới áp lực từ Mỹ và các thành viên NATO, Ankara đã buộc phải tác động để thay đổi chương trình đấu thầu với các điều chỉnh có lợi hơn các công ty dự thầu đến từ Mỹ và châu Âu, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn âm thầm thực hiện các cuộc đàm phán với Trung Quốc về các tổ hợp tên lửa HQ-9. Điều này dễ dẫn tới một sự rạn nứt mối liên kết giữa các thành viên trong Khối quân sự NATO, đó là còn chưa kể tới việc Trung Quốc có thể có được các thông tin tình báo quan trọng từ các tổ hợp tên lửa ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Trường hợp của Bulgaria chắc chắn cũng sẽ tương tự như vậy, nhưng vị thế của Bulgaria trong NATO lại khác hoàn toàn so với Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó một hợp đồng mua các máy bay tiêm kích đa năng JF-17 giữa Sofia và Bắc Kinh hay Islamabad khó có thể xảy ra.
Trà Khánh