Đầu tháng 3/2014, phương tiện truyền thông Nga – Trung đồng loạt đưa tin, Trung Quốc dường như đang phát triển loại tên lửa đạn đạo tầm trung mới có tên là DF-26C hoàn toàn mới.
Loại tên lửa mới có tầm bắn hơn 3.500 km này được cho là bổ sung cho “gia đình” tên lửa đạn đạo DF-21 vẫn đang được nghiên cứu, không phải là thay thế loại tên lửa này. Tầm bắn của tên lửa DF-26C cơ bản là giống với DF-3 cũ có thể bắn mục tiêu ở tầm đến 3.300 km và sử dụng nhiên liệu lỏng. Các phiên bản của DF-3 cũng đã từng là một phần quan trọng trong lực lượng hạt nhân chiến lược Trung Quốc.
Hiện một số tên lửa DF-3 đang được thay thế bằng tên lửa DF-21 sử dụng nhiên liệu rắn, có khả năng cơ động dã chiến cao, độ chính xác cao, nhưng tầm bắn quá ngắn không quá 1.700-1.800 km, không thể tấn công các căn cứ quan trọng của Mỹ trong khu vưc bao gồm đảo Guam. Sự xuất hiện của DF-26C có thể là được dành để lấp đầy khoảng trống này.
|
Ảnh minh họa.
|
Mục tiêu của tên lửa đạn đạo DF-26C có thể là cơ sở hạ tầng quân sự và mục tiêu chiến lược trên các đảo tại Thái Bình Dương, toàn bộ lãnh thổ Ấn Độ. Ngoài ra, nếu triển khai những tên lửa này tại khu vực phía Tây Trung Quốc, một số nước Trung Đông cũng có thể nằm trong tầm tấn công của tên lửa. Không giống với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa DF-26C thuộc loại vũ khí rất linh hoạt.
Đối với câu hỏi về việc liệu Trung Quốc có khả năng chế tạo tên lửa chống hạm trên nền tảng tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26C không?
Các chuyên gia cho biết, nhiệm vụ này sẽ rất khó khăn, vì tên lửa đạn đạo chống hạm phần lớn thời gian bay sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính. Hệ thống này có thể cho phép tên lửa bay về hướng toạ độ mục tiêu có được, nhưng hệ thống dẫn đường radar tên lửa chỉ khởi động ở pha cuối. Như vậy, trong thời gian tên lửa bay thì mục tiêu vẫn có thời gian rời khỏi tầm nhìn của hệ thống dẫn đường, khi đó tên lửa không thể bắn trúng mục tiêu.
Khoảng cách bắn tấn công xa, thời gian bay dài, với tốc độ đạt 30 hải lý (khoảng 60 km/giờ) thì cơ hội tẩu thoát của tàu đối phương càng lớn. Vì trong quá trình chuẩn bị phóng tên lửa và toàn bộ quá trình tên lửa bay thì việc theo dõi mục tiêu không phải là dễ dàng. Ngoài ra, với khoảng cách xa như vậy cũng rất khó đảm bảo có thể phát hiện kịp thời và theo dõi được nhóm tàu sân bay đối phương.
Vì vậy, theo các chuyên gia thì tính khả thi trong việc chế tạo biến thể chống hạm của DF-21C là không lớn.
Dẫu sao với vai trò là tên lửa đạn đạo tấn công mục tiêu mặt đất, theo chuyên gia phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga Vasily Kashin, sự xuất hiện của DF-26C sẽ có ảnh hưởng lớn đối với cán cân lực lượng khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Bằng Hữu