Tại lớp tập huấn cán bộ chiến dịch - chiến lược năm 2013, tổ chức tại Trung tâm Huấn luyện Miếu Môn tháng 5 vừa qua, Ban tổ chức đã trưng bày, giới thiệu một số ô tô quân sự được diesel hóa (thay động cơ), thu hút sự quan tâm của nhiều cán bộ tham quan. Đây là nội dung được tiến hành tích cực từ nhiều năm, mang lại hiệu quả thiết thực và đang được chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, triển khai đối với nhiều nhãn xe ô tô quân sự trong toàn quân.
Xu hướng sử dụng động cơ diesel ngày càng rộng rãi trên các loại xe trong và ngoài quân đội. Với những ưu điểm nổi bật gồm: việc sản xuất động cơ diesel có giá thành thấp tốc độ vòng quay của động cơ được nâng cao rõ rệt (với xe vận tải có thể đạt 4.000vòng/phút và xe du lịch là 6.000vòng/phút); độ an toàn, ổn định cao; công tác bảo quản, bảo dưỡng thực hiện đơn giản, tiết kiệm nhân công, chi phí; đặc biệt là hiệu quả kinh tế do tiết kiệm nhiện liệu. Động cơ diesel tiêu thụ nhiên liệu chỉ bằng 40-50% so với động cơ xăng có cùng công suất.
Quân đội ta hiện có hàng nghìn xe ô tô lắp động cơ xăng dùng để vận tải, kéo pháo, kéo khí tài, chuyên chở các trang thiết bị chuyên dùng, với các nhãn xe cơ sở là: GAZ -66, ZIL-130, ZIL-131, URAL-375...
Trong điều kiện các loại xe trên đang tiếp tục được khai thác, sử dụng, với những ưu điểm về khả năng cơ động, độ tin cậy trong huấn luyện, chiến đấu và việc đầu tư, mua sắm xe mới để thay thế các xe động cơ xăng còn nhiều khó khăn, thì việc diesel hóa đối với số xe hiện có của quân đội là hướng đi đúng đắn, đạt cả hai mục đích về quốc phòng và kinh tế.
|
Một số loại xe vận tải đang được bộ đội ta cải tiến trang bị động cơ diesel. |
Thượng tá Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Phòng Sửa chữa, Cục Xe - Máy (Tổng cục Kỹ thuật) cho biết: “Việc diesel hóa giải quyết yêu cầu giảm chi phí trong mở niêm, chi phí nhiên liệu, tăng độ tin cậy trong khai thác, đồng thời giảm bớt khó khăn trong công tác bảo đảm kỹ thuật. Ví dụ, định mức tiêu thụ nhiên liệu trên 100km, đối với xe GAZ -66 sử dụng động cơ xăng là 32,5 lít, động cơ diesel là 18 lít; xe ZIL-131 sử dụng động cơ xăng là 52 lít, động cơ diesel là 25 lít; xe URAL-375 sử dụng động cơ xăng là 75 lít, động cơ diesel là 32 lít”.
Theo tính toán của các cán bộ nghiên cứu, trung bình các xe cơ động khoảng 50.000km sẽ hoàn vốn đầu tư thực hiện diesel hóa nhờ tiết kiệm nhiên liệu…
Việc nghiên cứu diesel hóa xe ô tô quân sự được tiến hành đã lâu. Từ năm 2000, một số đơn vị đã tự phát tiến hành và đạt một số kết quả. Đến năm 2004, Cục Xe -Máy tiến hành nghiên cứu lắp động cơ diesel lên xe ZIL-157K và ZIL-131.
Từ năm 2007 đến nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng cục Kỹ Thuật, Cục Xe-Máy đã phối hợp với Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự và một số nhà máy của quân đội tiến hành nghiên cứu, cải tiến diesel hóa các nhãn xe GAZ -66, ZIL-131, URAL-375, PAZ-320567.
Việc diesel hóa thực hiện bằng việc nhập động cơ đồng bộ, đến hộp số của nước ngoài, các nội dung khác như tính toán thiết kế, sản xuất các chi tiết phụ, cải tiến thân vỏ, hệ thống trợ lực lái, trợ lực ly hợp, lắp đặt… đều do các cơ sở của Tổng cục Kỹ thuật tiến hành. Các xe diesel hóa được các đơn vị đưa vào khai thác hoạt động tốt, góp phần giảm chi phí về nhiên liệu, ít hư hỏng, độ tin cây cao.
Kết quả nghiên cứu cũng khẳng định ngành Xe-Máy quân đội hoàn toàn đủ năng lực thực hiện diesel hóa một số nhãn xe sử dụng động cơ xăng trong trang bị hiện nay. Đồng thời với quá trình đó, năm 2012, Cục Xe-Máy đã xây dựng đề án diesel hóa 4 nhãn xe GAZ -66, ZIL-131, URAL-375, PAZ -320567, báo cáo Bộ Quốc phòng cho phép triển khai thực hiện rộng trong toàn quân...
Theo đề án, việc diesel hóa 4 nhãn xe trên sẽ được tiến hành từ năm 2013 đến năm 2017, với lộ trình cụ thể, khoa học, chặt chẽ, tính toán bảo đảm nguồn ngân sách với số lượng, chủng loại từng nhãn xe.
Để bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm trong thực hiện diesel hóa xe ô tô quân sự, cần kết hợp đồng thời với việc động bộ các trang bị kỹ thuật trên xe bảo đảm độ ổn định, giữ được các tính năng kỹ chiến thuật của xe nguyên thủy, tăng cấu hình của xe, như lắp thêm quạt làm mát, đèn cơ động trong điều kiện thời tiết sương mù, đèn phòng không, tăng khả năng vượt ngầm…
Quá trình thực hiện diesel hóa xe ô tô quân sự, cùng với nâng cao năng lực bảo đảm kỹ thuật của các đơn vị kỹ thuật, cần nghiên cứu, khai thác, sử dụng hiệu quả các sản phẩm công nghiệp quốc phòng sản xuất vào quá trình đồng bộ hóa các loại xe. Các chi tiết liên quan đến diesel hóa được sản xuất đồng loạt trong các cơ sở sản xuất của quân đội sẽ bảo đảm thống nhất cao về hình thức, chất lượng, giảm giá thành. Các cơ quan chức năng liên quan cần nghiên cứu, tính toán cân đối nhu cầu, định mức bảo đảm nhiên liệu xăng và diesel hằng năm tương ứng với lộ trình diesel hóa ô tô quân sự, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và tiết kiệm ngân sách…
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Theo Quân đội Nhân dân