Trong chiến tranh hiện đại, đối phương sử dụng vũ khí công nghệ cao, vấn đề cơ động lực lượng, vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) có ý nghĩa rất quan trọng. Nhằm đáp ứng yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) của bộ đội trong tình hình mới, Xí nghiệp Liên hợp Z751 (Tổng cục Kỹ thuật) đã triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu, tính toán thiết kế, chế tạo, lắp đặt và thử nghiệm pháo 105mm lên xe Ural-375Đ”. Qua quá trình thử nghiệm thực tế, đề tài đã được đánh giá chất lượng tốt và có tính khả thi, ứng dụng cao.
|
Bộ đội Lữ đoàn Pháo binh 382, Quân khu 1 huấn luyện sử dụng tổ hợp pháo 105mm tích hợp trên xe Ural-375Đ. |
Giới thiệu tóm tắt về đề tài “Nghiên cứu, tính toán thiết kế, chế tạo, lắp đặt, thử nghiệm pháo 105mm lên xe Ural-375Đ”, Thiếu tá Nguyễn Đức Nhất, Giám đốc Xí nghiệp Vũ khí (Xí nghiệp Liên hợp Z751), Chủ nhiệm đề tài cho biết: "Trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của quân và dân ta trong thế kỷ 20, pháo mặt đất luôn là loại hỏa lực đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Khi sử dụng hỏa lực tiêu diệt các mục tiêu lộ, mục tiêu trong công sự dã chiến, tiêu diệt và chế áp hỏa lực pháo binh, xe cơ giới của địch, chế áp cửa mở v.v.. thì pháo mặt đất luôn chiếm ưu thế cao...".
Trong thực tế, pháo mặt đất có tầm bắn xa, độ chính xác và khả năng sát thương cao. Từ những ưu điểm đó nên trong trang bị của quân đội các nước trên thế giới từ xưa đến nay, pháo mặt đất luôn là loại vũ khí chiếm số lượng lớn và rất đa dạng về chủng loại. Vì vậy, việc cải tiến, hiện đại hóa tính năng kỹ thuật, chiến thuật của pháo, nhằm tăng hiệu suất chiến đấu, tăng khả năng sống còn là việc làm rất cần thiết của Quân đội ta.
Thực hiện Đề án khoa học và công nghệ “Nghiên cứu tích hợp vũ khí hiện có lên phương tiện xe cơ động tác chiến ngày, đêm giai đoạn 2013-2015” của Bộ Quốc phòng, Xí nghiệp Liên hợp Z751 đã được Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật giao nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu, thực hiện Đề tài “Nghiên cứu, tính toán thiết kế, chế tạo, lắp đặt, thử nghiệm pháo 105mm lên xe Ural-375Đ”. Đây là đề tài được thực hiện theo hướng cải tiến VKTBKT hiện có trong biên chế, nhằm nâng cao tính cơ động của vũ khí, tăng khả năng phản ứng, phòng tránh đánh trả, đáp ứng với yêu cầu huấn luyện, SSCĐ của bộ đội pháo binh. Qua khảo sát thực tế tại các đơn vị pháo binh trong toàn quân, xí nghiệp đã quyết định lựa chọn lắp đặt 1 khẩu pháo 105M101 lên xe Ural-375Đ nhưng không thay đổi thông số kỹ thuật của pháo. Sau khi lắp đặt pháo đã tăng khả năng cơ động, giảm số lượng pháo thủ, giảm thời gian thao tác chiến đấu và tăng độ bền đối với các cơ cấu của pháo.
Trung úy Hoàng Văn Tư, Khẩu đội trưởng Khẩu đội 1 thuộc Trung đội 1 (Đại đội 1, Lữ đoàn Pháo binh 382, Quân khu 1) cho biết: "Do pháo được tích hợp trên xe nên quá trình hành quân, chiếm lĩnh trận địa, triển khai chiến đấu và quá trình cơ động rời khỏi trận địa đều rút ngắn được thời gian so với trước đây. Số lượng pháo thủ được biên chế trong đội hình khẩu đội của pháo 105mm mới tích hợp đã giảm tới 4 người, nhưng vẫn bảo đảm tốt các điều kiện tác chiến".
Chúng tôi được biết, điểm thuận lợi khác nữa là do tính năng kỹ thuật của tổ hợp pháo 105mm tích hợp trên xe Ural-375Đ không thay đổi so với pháo 105mm đặt dưới mặt đất, nên việc tiếp cận, tổ chức huấn luyện cho khẩu đội vận hành, sử dụng pháo khá thuận tiện và không mất nhiều thời gian. Do đó, chỉ sau hơn một tuần huấn luyện với tổ hợp pháo 105mm tích hợp trên xe, bộ đội đã hoàn toàn làm chủ được các tính năng kỹ thuật, chiến thuật của pháo. Qua các lần bắn đạn nước, đạn thật để kiểm tra, khẩu đội bắn đều hoàn thành tốt các bài bắn, bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Đại tá Nguyễn Khắc Thắng, Tổng giám đốc Xí nghiệp Liên hợp Z751 cho biết: "Việc tích hợp thành công pháo 105mm lên xe Ural-375Đ đã tạo ra một tổ hợp hoàn chỉnh, với những ưu điểm vượt trội về điều kiện tác chiến so với pháo 105mm chưa tích hợp, đồng thời đáp ứng được yêu cầu hiệp đồng tác chiến với các lực lượng khác. Trước mắt, cùng với việc chuyển giao kỹ thuật, công nghệ và sản phẩm cho các đơn vị trong toàn quân, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai nghiên cứu tích hợp thêm một số vũ khí trang bị khác bảo đảm cho bộ đội có thể tác chiến thuận lợi cả ngày và đêm...".
Chúng tôi cho rằng thành công của đề tài này có thể cho phép mở rộng nghiên cứu, lắp đặt các loại VKTBKT khác lên các phương tiện cơ giới, từng bước tiến tới thiết kế, chế tạo những tổ hợp phòng không cơ động hoàn chỉnh để trang bị cho quân đội, bảo đảm cho bộ đội huấn luyện và tác chiến.
Theo Chu Anh/Quân đội nhân dân