4 “quý ông” khoả thân ở Mã Pì Lèng bị xử lý thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Với hành vi khỏa thân đóng khố che vùng kín một cách phản cảm trên đèo Mã Pì Lèng rồi chụp ảnh, quay clip phát tán lên mạng xã hội, bốn người đàn ông sẽ bị xử lý thế nào theo quy định của pháp luật?

"Mượn khu vực đang nóng để tạo sự nổi tiếng"
Mã Pì Lèng (Hà Giang) chưa hết nóng với công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama xây dựng trái phép, phá vỡ cảnh quan danh thắng nổi tiếng, mới đây lại tiếp tục nóng khi ngày 8/10, một clip được đăng tải trên mạng xã hội ghi lại cảnh 4 người đàn ông khỏa thân đi motor, chụp ảnh trước nhà hàng Panorama.
Theo đó, tài khoản Trần Chí Hiếu chia sẻ trên trang cá nhân đoạn video ghi lại cảnh cá nhân cùng nhóm du khách gồm 3 người khác khoả thân, đi motor trên đèo Mã Pì Lèng.
 Nhóm người này cho biết việc khoả thân nhằm kêu gọi bảo vệ môi trường, song việc làm của họ nhận không ít ý kiến phản đối gay gắt từ dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, việc khỏa thân lên khu di sản Mã Pì Lèng để kêu gọi bảo vệ môi trường là quá phản cảm và khó chấp nhận.
Trước sự việc trên, các Sở ban ngành tỉnh Hà Giang đang vào cuộc xác minh xử lý. Cụ thể, trao đổi với báo chí, lãnh đạo Sở TT&TT Hà Giang đánh giá những hình ảnh này rất phản cảm và có dấu hiệu "mượn khu vực đang nóng để tạo sự nổi tiếng". Trong khi đó, Sở VH,TTDL và UBND huyện Mèo Vạc đang vào cuộc xác minh xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Vậy với hành vi khỏa thân chụp ảnh rồi đăng phát trên mạng xã hội, bốn người đàn ông sẽ bị xử lý thế nào theo quy định của pháp luật?
4 “quy ong” khoa than o Ma Pi Leng bi xu ly the nao?
 Hình ành 4 người đàn ông khỏa thân chụp ảnh tại Mã Pì Lèng.
Khó có thể xử phạt?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật) cho rằng, hành vi trên là phản cảm nhưng sẽ khó để có thể xử lý.
Luật sư Diệp Năng Bình phân tích, trước đây, tại Điều 10 Nghị định 73/2010/NĐ-CP có quy định về xử phạt hành vi vi phạm quy định về nếp sống văn minh. Theo đó, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60 ngàn đến 100 ngàn đồng với hành vi không mặc quần, áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng, nơi làm việc của các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội.
Tuy nhiên, Nghị định 73/2010 đã hết hiệu lực kể từ 28/12/2013 và được thay thế bởi Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, điều khoản về hành vi vi phạm quy định về nếp sống văn minh không còn xuất hiện trong Nghị định 167.
Năm 2017, Bộ VH,TT&DL đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch nhằm định hướng và nhắc nhở du khách những điều nên – không nên làm khi đặt chân đến mỗi địa danh, trong đó có các quy tắc như xếp hàng theo thứ tự, tuân thủ giờ giấc, trang phục lịch sự, ứng xử văn minh. Tuy nhiên, đây cũng chỉ dừng lại ở bộ quy tắc ứng xử mang tính khuyến khích chứ không phải quy định về điều luật xử phạt mang tính chế tài, không có tác dụng ngăn chặn tình trạng này.
Gần nhất, Nghị định 45/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 1/8/2019, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, mới có quy định về xử phạt hành vi vi phạm của khách du lịch.
Tuy nhiên, các hành vi được nêu ra cũng khá chung chung như: không thực hiện nội quy, quy định của khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch; hành vi ứng xử không văn minh hoặc không tôn trọng phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa địa phương nơi đến du lịch; hành vi gây phương hại đến hình ảnh quốc gia, truyền thống văn hóa dân tộc của Việt Nam... mà vẫn chưa có các văn bản dưới luật hướng dẫn rõ ràng hơn là những hành vi cụ thể nào.
Vì thế, vụ việc du khách khoả thân không thể xử phạt. Thế nên dù đã có căn cứ xử phạt như trên, nhưng hành vi “khoe thân” vẫn đang tiếp diễn và có xu hướng tăng lên.
Đăng ảnh khỏa thân của người khác lên mạng xã hội, xử thế nào?
Đồng quan điểm, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 73/2010/NĐ-CP quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong những hành vi như không mặc quần, áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng, nơi làm việc của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội.
Do vậy trước đây, không mặc áo quần khi ra đường là bị phạt vì vi phạm nếp sống văn minh theo quy định tại Nghị định 73/2010/NĐ-CP cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000 – 100.000 nhưng sau đó 03 năm, Nghị định 167/2013/NĐ-CP thay thế Nghị định 73 nêu trên, bãi bỏ luôn cả quy định xử phạt này.
Tại Nghị định 72/2016/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động nhiếp ảnh nhấn mạnh những ảnh được lưu hành phải bảo đảm "không vi phạm quy định nếp sống văn minh, thuần phong mỹ tục, an ninh trật tự, không tuyên truyền bạo lực, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội gây hại cho sức khỏe, hủy hoại môi trường sinh thái và vi phạm các quy định khác của pháp luật".
Dù hiện chưa có quy định chi tiết cấm chụp ảnh khỏa thân ở nơi công cộng hay danh lam thắng cảnh nhưng nếu chụp ảnh khỏa thân sau đó đăng lên mạng xã hội, mạng viễn thông, mạng internet thì có thể bị xử phạt hành chính theo nghị định 174/2013/NĐ-CP.
Cụ thể tại Điểm g Khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định về Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin như sau, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi như cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác..."

Mới đây, tại điều 8 Luật An ninh mạng quy định về những hành vi nghiêm cấm về an ninh mạng, tại điểm đ, nêu rõ, đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Trong khi đó, tại điều 9 quy định, người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Tâm Đức