Cung đường nghìn tỷ Hồ Tây – Ba Vì: Có trái quy hoạch của Thủ tướng?

Google News

Theo Quyết định 519/QĐ-TTg của Thủ tướng, trục đường Hồ Tây - Ba Vì có điểm đầu từ đường Vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Hòa Lạc dài Khoảng 25 km, chứ không phải xuất phát từ điểm đầu của dự án là Km0+000 - lý trình dự án (ngã ba đường Hoàng Quốc Việt với đường Phạm Văn Đồng). Điểm cuối là Km3+260 - lý trình dự án (gần ngã ba Quốc lộ 32 với đường Văn Tiến Dũng). Liệu dự án này có làm trái so với quyết định quy hoạch của Thủ tướng?
 
 

Như Dân Việt đã thông tin, người dân ở phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đi tái định cư “chưa ấm chỗ” lại tiếp tục bị một dự án làm đường nghìn tỷ “lăm le” lấy nhà. Chuyện xảy ra ở dự án đầu tư xây dựng trục Hồ Tây – Ba Vì, đoạn Hoàng Quốc Việt – QL32 đang gây ra nhiều tranh cãi và bức xúc.
Theo tìm hiểu PV Dân Việt, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng trục Hồ Tây - Ba Vì là UBND TP Hà Nội và Tổng công ty CP Sông Hồng (đại diện liên danh nhà đầu tư gồm: Tổng Công ty CP Sông Hồng, Công ty CP tư vấn và đầu tư Bông Sen Vàng, Công ty CP Công nghệ và xây dựng Sông Hồng, công ty CP Công nghệ Quốc gia, Công ty CP đầu tư thiết bị Công nghệ Sông Hồng).
Cung duong nghin ty Ho Tay – Ba Vi: Co trai quy hoach cua Thu tuong?
Khu vực dân cư dự án đường Hồ Tây - Bà Vì đi qua. (Ảnh: Nguyễn Chương) 
Điểm đầu của dự án là Km0+000 - lý trình dự án (ngã ba đường Hoàng Quốc Việt với đường Phạm Văn Đồng). Điểm cuối là Km3+260 - lý trình dự án (gần ngã ba Quốc lộ 32 với đường Văn Tiến Dũng). Phạm vi thực hiện dự án nằm trong ranh giới địa lý hành chính của 3 phường (Mai Dịch - quận Cầu Giấy, phường Phú Diễn và Phúc Diễn - quận Bắc Từ Liêm).
Tổng kinh phí thực hiện dự án là 3.735.421.665.000 đồng trong đó chi phí xây dựng tuyến đường là 785.700.000.000 đồng, chi phí giải phóng mặt bằng là 2.462.500.045.000 đồng, chi phí dự phòng là 234.942.041.538 đồng, chi phí lãi vay trong quá trình xây dựng là 162.299.000.000 đồng, chi phí quản lý dự án, tư vấn và các chi phí khác là 152.025.000.000 đồng. Tiến độ thực hiện dự án là 18 tháng.
Diện tích giải phóng mặt bằng sơ bộ đất thổ cư, nông nghiệp của phường Mai Dịch; Phú Diễn; Phúc Diễn là rất lớn, cụ thể: Diện tích đất nông nghiệp của phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy là 20242,8 m2, thổ cư là 8879,2 m2; phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liên là 24254,2 m2, thổ cư là 27,738,01 m2; Phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm là 7568 m2, thổ cư là 5151,045 m2.
Cung duong nghin ty Ho Tay – Ba Vi: Co trai quy hoach cua Thu tuong?-Hinh-2
Sơ đồ vị trí dự án. 
Đáng chú ý, tại Quyết định 519/QĐ-TTg về phê duyệt quy hoạch giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nhắc đến trục Hồ Tây – Ba Vì nằm trong mạng lưới đường ngoài đô thị. Tuy nhiên, đoạn tuyến được nêu trong quyết định là từ Vành đai 4 đến đô thị vệ tinh Hòa Lạc dài khoảng 25km.
Cụ thể, xây dựng mới các trục đường nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh với tổng chiều dài Khoảng 90 km; quy mô mặt cắt ngang 40 - 60 m cho tối thiểu 6 làn xe cơ giới, bao gồm các trục: (1) Trục Tây Thăng Long đoạn từ Vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Sơn Tây dài Khoảng 20 km; (2) Trục Hồ Tây - Ba Vì đoạn từ Vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Hòa Lạc dài Khoảng 25 km; (3) Trục Hà Đông - Xuân Mai đoạn từ Vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Xuân Mai dài Khoảng 20 km; (4) Trục Ngọc Hồi - Phú Xuyên đoạn từ Vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Phú Xuyên dài Khoảng 25 km.
Từ Quyết định 519/QĐ-TTg có thể thấy, trục đường Hồ Tây - Ba Vì có điểm đầu từ đường Vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Hòa Lạc dài khoảng 25 km, chứ không phải xuất phát từ điểm đầu của dự án là Km0+000 - lý trình dự án (ngã ba đường Hoàng Quốc Việt với đường Phạm Văn Đồng). Điểm cuối là Km3+260 - lý trình dự án (gần ngã ba Quốc lộ 32 với đường Văn Tiến Dũng). Với những dữ liệu trên, liệu dự án này có làm trái so với Quyết định quy hoạch của Thủ tướng?
Liên quan tới dự án đầu tư xây dựng trục Hồ Tây – Ba Vì, đoạn Hoàng Quốc Việt – QL32 đang gây ra nhiều tranh cãi và bức xúc, trao đổi với PV Dân Việt, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết: “Không trả lời được về dự án này, vì không liên quan tới Sở GTVT. Tuyến đường này không thuộc thẩm quyền của Tôi, Sở có làm đầu tư đâu. Dự án này thuộc về thành phố, có thông tin gì thì thành phố sẽ công bố”.
Cũng tạo Quyết định 519/QĐ-TTg đề cập về việc tổ chức thực hiện, UBND TP.Hà Nội tổ chức công bố và triển khai thực hiện Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 gồm:
Cập nhật các Điều chỉnh so với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã được phê duyệt vào các quy hoạch phân khu tương ứng; lập kế hoạch chi Tiết để triển khai thực hiện Quy hoạch; thực hiện có hiệu quả các dự án đầu tư theo Quy hoạch; xây dựng chính sách và kế hoạch tài chính phù hợp với kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống giao thông vận tải cho từng giai đoạn; rà soát và lập kế hoạch sử dụng đất cho các công trình giao thông; hoàn thiện cơ cấu tổ chức, quản lý quy hoạch, quản lý giao thông trên địa bàn Thủ đô. Xây dựng cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực triển khai Quy hoạch, trong đó chú trọng việc huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống giao thông.
Ngoài ra, tiếp thu ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành, địa phương liên quan về các giải pháp bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện Quy hoạch.
Phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành, địa phương liên quan cập nhật bổ sung và điều chỉnh Quy hoạch trong quá trình triển khai thực hiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Như vậy, theo Quyết định 519/QĐ-TTg, để triển khai đầu tư xây dựng trục Hồ Tây – Ba Vì cho thể thấy rõ, Hà Nội phải cập nhật các Điều chỉnh so với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã được phê duyệt vào các quy hoạch phân khu tương ứng.
Ngoài ra, Hà Nội phải phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành, địa phương liên quan cập nhật bổ sung và điều chỉnh Quy hoạch trong quá trình triển khai thực hiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Tuy nhiên, PV Dân Việt tìm hiểu thì được biết Hà Nội chưa xin ý kiến Bộ GTVT về dự án này. Trao đổi với PV Dân Việt, một lãnh đạo Bộ GTVT cho biết: “Ngoài Quyết định 519/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, chưa thấy có thêm văn bản nào khác về quy hoạch của Thủ đô Hà Nội. Tôi chưa hình dung ra được dự án xây dựng trục Hồ Tây – Ba Vì như nào cả, cũng chưa nhận được văn bản từ phía Hà Nội về dự án này”.
Để tìm hiểu thông tin về việc thực hiện dự án này, ngày 14/6 PV đã liên hệ làm việc với UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hải Phong - Trưởng Phòng Hành chính - Tổ chức, Văn phòng UBND TP Hà Nội cho rằng việc trả lời là của các Sở chuyên môn. Ông Phong không tiếp nhận Giấy giới thiệu của Báo NTNN/Điện tử Dân Việt và đề nghị PV gặp các Sở chuyên môn hoặc gửi công văn đến UBND TP Hà Nội.
Theo Thế Anh/Dân Việt