Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam

Google News

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam.

Dấu ấn quan hệ song phương
Năm 2024 là một năm rất quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Việt Nam, Đại sứ Olivier Brochet nói, đồng thời điểm lại một số sự kiện nổi bật.
Sự kiện thứ nhất là chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư Tô Lâm vào tháng 10. Trong chuyến thăm, Việt Nam và Pháp đã nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. "Đây chính là một biểu hiện của tình hữu nghị, của sự tin tưởng mà Việt Nam dành cho Pháp. Pháp cam kết đồng hành cùng Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam phát triển và vượt qua những thách thức hiện nay của mình", Đại sứ Olivier Brochet nhấn mạnh.
Sự kiện thứ hai là lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhân dịp này, Chính phủ Pháp đã cử đại diện là Bộ trưởng Quốc phòng cùng Quốc vụ khanh phụ trách cựu chiến binh đến Việt Nam. "Sự góp mặt của các đại diện Pháp tại lễ kỷ niệm cho thấy, hai nước chúng ta có thể nhìn nhận quá khứ không phải để quên nó đi mà để hướng tới tương lai, bởi vì quá khứ luôn luôn là một phần kí ức của chúng ta", Đại sứ Pháp nói.
Dai su Phap mac ao dai, noi ve Tet co truyen Viet Nam
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024. 
Đại sứ nhắc đến cơn bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ Việt Nam hồi đầu tháng 9, gây thiệt hại nặng nề ở các tỉnh miền Bắc. Ông cho biết Chính phủ Pháp, cộng đồng người Pháp tại Việt Nam và các doanh nghiệp Pháp đã cùng chung tay hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả sau bão.
Sự kiện quan trọng cuối cùng là khai trương và đưa vào vận hành tuyến metro số 3 của thành phố Hà Nội. Đây là công trình mang tính biểu trưng trong quan hệ hợp tác giữa Pháp - Việt Nam.
Lĩnh vực hợp tác tiềm năng
Đại sứ Pháp vạch ra ba lĩnh vực hợp tác giữa hai nước mà theo ông là rất có tiềm năng trong tương lai.
Thứ nhất là lĩnh vực năng lượng. Pháp mong muốn đồng hành cùng quá trình chuyển đổi năng lượng và phát triển của Việt Nam trong thời gian tới, hướng đến mục tiêu vừa bảo đảm sự tăng trưởng của Việt Nam, vừa giảm thiểu những tác động về môi trường.
"Sự hợp tác của chúng ta trong thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung vào việc phát triển các loại hình năng lượng tái tạo", Đại sứ Olivier Brochet nói.
Thứ hai là lĩnh vực giao thông đường sắt, trong đó có dự án đường sắt cao tốc xuyên Việt. Pháp vốn rất nổi tiếng với hệ thống đường cao tốc TGV, thậm chí đã xuất khẩu công nghệ của mình đến nhiều nước trên thế giới.
Dai su Phap mac ao dai, noi ve Tet co truyen Viet Nam-Hinh-2
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam 
Ngoài ra, Pháp cũng rất quan tâm đến việc hợp tác trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp sinh thái để bảo đảm hướng đi phát triển bền vững; lĩnh vực đào tạo nhân lực...
"Trong 40 năm đổi mới, Việt Nam luôn đặt ra cho mình những mục tiêu đầy tham vọng. Điều quan trọng hơn là Việt Nam luôn biết cách đạt được những mục tiêu mà mình đề ra. Pháp có thể là một trong những đối tác phương Tây đầu tiên đồng hành cùng quá trình phát triển của Việt Nam từ khi bắt đầu mở cửa. Và chúng tôi vẫn tiếp tục mong muốn được đồng hành cùng Việt Nam trong thời gian tới", Đại sứ Olivier Brochet nói.
Ấn tượng về Hà Nội, Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ cho biết ông đã sống tại Hà Nội gần một năm rưỡi, và rất ấn tượng về sự năng động ở thành phố này. "Nhưng còn một điều đặc biệt nữa ở Hà Nội mà tôi rất thích, đó là Hà Nội vẫn giữ được cái hồn, giữ được sự cổ kính, đặc biệt là ở khu phố trung tâm. Thách thức của Hà Nội trong thời gian tới là tiếp tục vừa phát triển, vừa hiện đại hóa nhưng vẫn cần giữ được bản sắc, những gì tạo nên vẻ duyên dáng của mình. Tôi cũng rất ấn tượng về đời sống văn hóa của Hà Nội. Có nhiều rạp chiếu phim, có nhiều nhà hát. Đời sống văn hóa của người Hà Nội hết sức phong phú".
Năm 2025 sẽ là lần thứ hai Đại sứ Olivier Brochet đón Tết Nguyên đán tại Việt Nam. Ông cảm nhận được những giá trị tinh thần mà người Việt Nam nâng niu, gìn giữ qua từng năm và thể hiện vào mỗi dịp Tết. Đó là tình cảm gia đình, bè bạn, quý trọng thầy cô giáo, người cao tuổi.
Dai su Phap mac ao dai, noi ve Tet co truyen Viet Nam-Hinh-3
Đây là lần đầu tiên Đại sứ Pháp mặc áo dài. (Ảnh: Minh Hạnh)
Đại sứ chia sẻ ông từng có dịp đi chợ hoa, thăm vườn quất, vườn đào. "Tôi rất ấn tượng với khả năng của người Việt Nam khi họ có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to trên xe máy. Tôi đã chụp rất nhiều hình ảnh này", ông nói.
Về tà áo dài của Việt Nam, Đại sứ Olivier Brochet cho biết: "Bất cứ người khách quốc tế nào khi đến Việt Nam, nhìn thấy người phụ nữ Việt Nam mặc áo dài đều trầm trồ thán phục. Tôi cũng không phải là ngoại lệ. Sau này tôi mới phát hiện ra rằng nam giới cũng có thể mặc áo dài chứ không phải chỉ phụ nữ. Chính vì vậy, tôi đã quyết định may cho mình một bộ áo dài".
Mặc áo dài lần đầu tiên, đại sứ nói rằng ông "vẫn hơi lóng ngóng, cảm thấy như trở về tuổi 20, khi lần đầu tiên diện âu phục". "Nhưng tôi nghĩ rằng là sau một vài dịp Tết nữa, tôi sẽ cảm thấy quen thuộc với áo dài hơn. Giáng sinh tới, tôi sẽ mặc bộ áo dài này khi đón gia đình sang Việt Nam", Đại sứ Olivier Brochet chia sẻ.
Theo Minh Hạnh/Tienphong