Đề nghị Quốc hội giám sát tối cao vấn đề bảo vệ môi trường

Google News

Đánh giá ô nhiễm môi trường đang là vấn đề “nóng”, đại biểu đề nghị Quốc hội giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.

Ngày 30/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội 2 chuyên đề để xem xét, lựa chọn 1 chuyên đề giám sát tối cao, liên quan đến bảo vệ môi trường và phát triển, sử dụng nguồn nhân lực.
Chuyên đề 1 là việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành.
Chuyên đề 2 là việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, dự kiến giao cho Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì tham mưu về nội dung.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, nhiều đại biểu cho rằng, Quốc hội cần giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành bởi ô nhiễm môi trường đang là vấn đề “nóng”, được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm.
Cần giám sát tối cao để giải bài toán khẩn thiết về môi trường
Đại biểu Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho hay, hiện nay vấn đề môi trường ngoài câu chuyện bám sát Luật 2020 hay không thì còn là câu chuyện tác động đến tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững.
De nghi Quoc hoi giam sat toi cao van de  bao ve moi truong
 Đại biểu Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Ảnh: Mai Loan.
Chính vì những vấn đề bức xúc và cần sửa đổi nên Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 mới ra đời. Luật được thông qua vào năm 2020, nhưng đến 2022 mới có hiệu lực, tức là có tới 2 năm để chuẩn bị. Trong khi đó, nhiệm kỳ Quốc hội sẽ kết thúc vào năm 2025, nếu không giám sát thì sẽ không có cái nhìn tổng thể cho nhiệm kỳ sắp tới.
Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân, vấn đề ô nhiễm môi trường hầu như không được cải thiện trong những năm vừa qua. Điều đó có thể thấy rõ nhất là các dòng sông “chết’ ở Hà Nội, TP HCM hay tình hình hạn hán, xâm nhập mặn…
Tất cả những vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu đều chưa có cái nhìn tổng thể ở tầm quốc gia để có cái nhìn thấu đáo, chưa kể chúng ta còn lệ thuộc rất nhiều về nguồn nước từ bên ngoài.
“Vậy thì chúng ta ứng phó như thế nào, chống lại hay thích ứng? Để có lời giải cho bài toán vĩ mô tổng thể tầm quốc gia, tôi nghĩ nên có chương trình giám sát quốc gia toàn diện, giám sát tối cao sau đó thực hiện thì sẽ bài bản hơn", đại biểu bày tỏ quan điểm. 
Sau giám sát, cần ban hành những quy định bảo vệ môi trường

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cho biết, vấn đề bảo vệ môi trường luôn là yếu tố được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm. Bởi tình hình biến đổi khí hậu hiện nay rất khắc nghiệt, thời tiết cực đoan. Hội nghị COP 28 cũng đã đặt ra kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính bằng 0. Do đó, chọn lựa vấn đề giám sát tối cao về bảo vệ môi trường là rất cần thiết.

Tuy nhiên, điều quan trọng, sau giám sát, chúng ta phải ban hành những quy định, Nghị quyết pháp luật để làm sao thực hiện được vấn đề bảo vệ môi trường. Đặc biệt là đi kèm với đó là những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh cũng như hỗ trợ cho người dân sử dụng phương tiện giao thông, năng lượng sạch.

Nếu chúng ta không có chính sách hỗ trợ thì trong điều kiện khó khăn, người dân rất khó chuyển đổi những xe sử dụng nguyên liệu hoá thạch sang năng lượng sạch. Hiện nay một số địa phương trong đó có TP HCM đã hỗ trợ cho người dân chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng nguyên liệu sạch, đó là điều rất cần thiết.
“Như doanh nghiệp cần chuyển đổi xanh, thân thiện môi trường cũng phải có nguồn lực tài chính và chính sách động viên về thuế khoá để làm sao doanh nghiệp sớm chuyển đổi, sản xuất thân thiện với môi trường", đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Song song với đó, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, vấn đề xử lý vi phạm hành chính về môi trường như xả rác thải, xử lý nước thải, phá rừng… phải được quy định và thực hiện một cách nghiêm minh thì mới có thể có cơ chế đồng bộ trong bảo vệ môi trường hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho hay, cả hai chuyên đề xem xét để giám sát tối cao đều là những vấn đề trọng tâm, trọng điểm. Tuy nhiên, nếu chọn 1 trong 2 chuyên đề để giám sát tối cao thì bà chọn chuyên đề 1.
Lý do là vì, tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước đang là vấn đề “nóng” được đông đảo cử tri hết sức quan tâm. Đại biểu cũng lưu ý việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường hiện nay cũng đang có nhiều khó khăn, nhất là sắp tới - ngày 1/1/2025 là thời hạn bắt buộc phải phân loại rác thải tại nguồn theo quy định. Đến nay, dù đã có 2 năm cho công tác chuẩn bị kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực, nhưng khâu chuẩn bị liên quan đến các nội dung trên vẫn chưa được kỹ.
Thực tế, nhiều người dân, nhiều chủ nguồn thải vẫn chưa hiểu rõ việc phân loại rác thải như thế nào, trả tiền theo lượng rác thải ra sao, sau thu gom sẽ xử lý ra sao, nơi tập kết rác như thế nào. Nhiều địa phương cũng chưa thực sự sẵn sàng cho công tác chuẩn bị.
Bên cạnh đó, nhiều vướng mắc và nhiều vấn đề nan giải cũng đang được đặt ra như thiếu thiết bị thu gom, thiếu phương tiện vận chuyển chuyên dụng đạt chuẩn, thiếu địa điểm tập kết và thiếu quy định về đơn giá, định mức thu gom, xử lý rác thải. 
“Do đó, nếu đưa chuyên đề này vào nội dung giám sát tối cao năm 2025 là đúng thời điểm và trúng vấn đề nóng. Tôi nghĩ nếu không sớm giải quyết sẽ sẽ rất khó thực hiện các quy định đã có hiện nay,” đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga nêu quan điểm.
Mời quý độc giả xem video đại biểu Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị Quốc hội giám sát bảo vệ môi trường bên hành lang Quốc hội Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Mai Loan