“Nhìn chúng hoành hành, tức nghẹn cổ”
Nằm dọc vùng đầm phá Tam Giang, xã Lộc Điền là địa phương có diện tích hệ đầm phá đi qua rộng nhất huyện Phú Lộc. Số lượng người nuôi trồng, khai thác thủy sản trên đầm cũng đứng đầu. Chính vì vậy mà nơi đây luôn xảy ra tình trạng thủy sản của người dân bị các đối tượng bắt trộm và khai thác tận diệt bằng xung điện.
Đứng trước tình trạng đó, những chi hội nghề cá của các thôn được thành lập. Ngoài việc là nơi để học hỏi trao đổi kinh nghiệm nuôi trồng thì còn nhằm chung sức bảo vệ thủy sản. Nhờ những “đội quân” này luôn tuần tra bảo vệ mà những năm qua, vùng đầm phá đi qua xã Lộc Điền luôn dồi dào nguồn lợi thủy sản.
|
Đôi quân chống "thủy tặc" thôn Thạch Sơn chủ yếu là những người dân lập nên. Ảnh: NĐT |
Hôm vừa bước chân vào đến trụ sở UBND xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, ông Lê Quốc Việt- Phó Chủ tịch UBND xã vội khoe, chúng tôi vừa mới đi khen thưởng đột xuất một Chi hội nghề cá bắt được ghe đánh bắt xung điện trên đầm phá, vừa về cơ quan thì các anh đến.
“Phải có cơ chế khen thưởng đột xuất và về tận nơi động viên như vậy thì người dân họ mới có khí thế bảo vệ đầm phá. Thực ra chúng tôi không khen thưởng, không động viên thì họ vẫn đứng ra bảo vệ thôi, nhưng có lời động viên sẽ hay hơn. Những Chi hội nghề cá ở xã này làm rất tốt công tác bảo vệ thủy sản trên đầm phá. Nhất là chi hội nghề cá thôn Thạch Sơn- nơi vừa bắt được một ghe đánh bắt cá bằng xung điện mà chúng tôi vừa đi khen thưởng về”- ông Việt hồ hởi khoe.
Tò mò về thành tích của “đội quân” Thạch Sơn dám tuyên chiến với "thủy tặc" mà ông Việt khoe, chúng tôi quyết về tận nơi để tìm hiểu. Đội quân bảo vệ đầm phá thôn Thạch Sơn hơn 10 thành viên. Bao đời sống dựa vào nguồn lợi trên đầm phá, nguồn thu và công việc chính của người dân nơi đây là đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên phá.
nhiên, những năm gần đây, do môi trường đánh bắt bị “thủy tặc” tàn phá bằng xung điện nên nguồn lợi giảm hẳn. Đứng trước tình thế đó, những người dân ở đây đứng ra lập một đội tuần tra để bảo vệ nguồn lợi cho đầm phá và cũng chính là bảo vệ nguồn sống của họ.
“Chúng tôi đứng ra bảo vệ cho đầm phá cũng chính là bảo vệ chén cơm của mình, nhưng không phải ai cũng can đảm để vào đội tuần tra đâu. Trước đây khi chưa có đội tuần tra hễ ai phát hiện người nào khai thác bằng xung điện mà báo với chính quyền thì sẽ bị trả thù. Vì nguyên nhân đó nên nhiều người không dám tố cáo, không dám đứng ra bảo vệ đầm phá”- ông Lê Hữu Phúc- người đứng đầu đội bảo vệ thôn Thạch Sơn cho hay.
Ông Phúc cho hay, bọn “thủy tặc” không chỉ gây hại cho nguồn lợi thủy sản mà chúng còn manh động đến mức bắt trộm cá tôm của người dân nuôi trên phá.
“Chúng không chỉ rà, đánh bắt cá bằng xung điện đâu. Khi đưa ghe vào đầm phá, nếu đánh bắt ở bên ngoài không có thì chúng ngang nhiên lái ghe đến sát các nò, sáo của người dân để bắt. Với việc quây bằng lưới nên chúng chỉ cần đưa xung điện vào đó, một lúc sau cá lớn bé chết nổi lên là chúng đưa vợt vào bắt ra. Nhiều hộ mất trắng hàng chục triệu vì bọn thủy tặc này”- ông Phúc bức xúc.
Đội quân tay không bảo vệ 240ha đầm phá
Thành tích mới nhất mà “đội quân” bắt "thủy tặc" thôn Thạch Sơn lập nên là bắt được một ghe đánh bắt cá bằng xung điện cách đây vài hôm. Sau chiến tích đó, UBND xã đã về tận nơi để thưởng nóng, động viên. Tiếp chúng tôi trong gian nhà nằm sát bên đầm phá, ông Phúc và các thành viên trong đội của mình lấy làm hồ hởi khi kể lại chiến tích của mình.
Đó là tối 10.4, khi đã về khuya, nghe tin báo có ghe của một đối tượng đang đánh bắt bằng xung điện trên đầm phá. Tức khắc ông Phúc gọi điện cho các thành viên khác tập hợp để dàn quân đi vây bắt. Hai chiếc ghe máy chở thành viên trong đội nhằm hướng có tin báo mà đến. Sau hơn một giờ vây bắt, truy đuổi các thành viên trong đội cũng bắt được đối tượng đánh bắt thủy sản trái phép cùng một chiếc thuyền máy và bộ xung điện bị thu giữ.
“Từ đầu năm đến giờ, đây là vụ thứ 3 mà chúng tôi bắt giữ được. Những đối tượng đánh bắt thủy sản theo kiểu này nếu không bắt được thì rất nguy hại cho đầm phá. Để việc bắt giữ người không trái quy định khi mà nhận được tin báo chúng tôi điện cho lực lượng công an xã để họ hỗ trợ thêm”- ông Phúc nói.
Ông Lê Quốc Việt cho hay, trước đây khi chưa có sự tham gia của những người dân này thì thủy sản vùng đầm phá cạn kiệt khá nhiều, nhưng sau khi đội quân này ra đời thì nguồn lợi thủy sản tăng lên rõ rệt. Những người dân này ngoài việc tuần tra, kiểm soát việc đánh bắt còn kiêm thêm nhiệm vụ tuyên truyền cho người dân trong địa phương về những mặt tích cực của việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
“Với diện tích mặt nước rộng lớn nên việc kiểm soát đánh bắt, khai thác phù hợp là rất khó khăn. Nhưng từ khi có đội quân của thôn Thạch Sơn thì mọi việc dễ dàng hơn. Họ đứng ra tuần tra, bảo vệ với tinh thần tự nguyện, khi nào có chiến công thì chúng tôi thưởng đôi đồng chứ với họ cũng chẳng có đồng trợ cấp nào. Thậm chí, họ phải đóng góp quỹ để mua xăng dầu, sửa ghe thuyền khi đi tuần tra”- ông Việt thông tin.
Theo nhiều người dân ở đây cho hay, trước đây khi chưa có “đội quân” bắt thủy tặc này thì những đối tượng trộm cắp, đánh bắt rất manh động. Có những vụ người dân phát hiện ra hô hoán, gọi người để truy đuổi thì sau đó các lồng cá, nò sào của người đó bị bọn chúng trả thù. Có những vụ người dân bị trả thù gây thiệt hại lớn, nhưng từ khi có đội quân này thì mọi việc êm hẳn.
Đội quân chống thủy tặc thôn Thạch Sơn mới được thành lập hơn hai năm nhưng thành tích mà đội thu được thì rất nhiều. Tuy nhiên, những thành viên trong đội cũng như chính quyền vẫn còn những băn khoăn như hình thức xử phạt các đối tượng đánh bắt trái phép quá thấp. Với một đối tượng bị bắt thì chỉ bị phạt chưa đến 5 triệu đồng, trong lúc đó chỉ cần khai thác trót lọt một đêm thì có thể thu về gấp nhiều lần số tiền phạt đó.
Theo Ng Đắc Thành/Lao Động